Kinh tế

Tiềm lực Mian Group của doanh nhân Vũ Văn Anh

Trở về từ châu Âu, nhóm nhà đầu tư Việt kiều với sự đứng đầu của doanh nhân Vũ Văn Anh đã và đang xây dựng một Mian Group đa ngành, trong các lĩnh vực may mặc, bất động sản, nông nghiệp, hoá chất...

Trụ sở của CTCP May Minh Anh - Kim Liên (Công ty con của MIAN Group ở Nghệ An). Ảnh: Văn Dũng

Tập đoàn Minh Anh (Mian Group) được thành lập bởi nhóm Việt Kiều sinh sống và làm việc tại CHLB Đức vào những năm thập niên 90. Thời điểm đó, giới chủ Mian Group tạo dựng những dấu ấn đầu tiên khi cho ra đời thương hiệu thời trang cao cấp phổ biến ở nhiều quốc gia như Đức, Anh, Cộng hòa Séc, Bỉ, Ba Lan, Hungary, cùng một số nước Đông Âu khác.

Sau khi thành danh ở trời Âu, nhóm cổ đông Mian Group sau đó đã chuyển hướng đầu tư về Việt Nam với hạt nhân quan trọng trong hệ sinh thái là CTCP Tập đoàn Minh Anh (Mian Group).

Ra đời từ năm 2009, Mian Group được được đông đảo dư luận biết đến, ở lĩnh vực thời trang, may mặc.

Vai trò hạt nhân của Mian Group được thể hiện qua việc nắm vốn chi phối một loạt nhà máy dệt may trải dài trên cả nước, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, như: CTCP May Minh Anh Tân Kỳ với dự án Nhà máy May Minh Anh, vốn đầu tư 500 tỷ đồng (Tân Kỳ, Nghệ An); Công ty TNHH May Minh Anh – dự án nhà máy may xuất khẩu, vốn đầu tư 18,3 tỷ đồng (Hưng Yên); CTCP May Minh Anh Đô Lương với nhà máy may Minh Anh Đô Lương, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng (Đô Lương, Nghệ An); CTCP May Minh Anh - Kim Liên, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng (Khu công nghiệp Bắc Vinh, Nghệ An); Ngoài ra, đó còn là CTCP May Minh Anh Trường Thắng – một thành viên khác của Mian Group, vào đầu năm 2020 đã đề xuất xây dựng nhà máy may xuất khẩu công nghệ cao (Triệu Sơn, Thanh Hóa);....

Thế mạnh của Mian Group là sản xuất và chuỗi cung ứng. Nhờ nắm bắt được xu hướng trong ngành may mặc, Mian Group đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến với toàn bộ quy trình sản xuất được chuyên biệt với mô hình vòng tròn thiết kế - cắt - may - in – thêu.

Sự hình thành và phát triển của nhóm Mian Group gắn liền với doanh nhân Vũ Văn Anh (hay Vũ Tuấn Anh). Vị doanh nhân SN 1963 vừa là cổ đông lớn nhất sở hữu 54% vốn Mian Group, vừa đảm trách các vị trí cấp cao Chủ tịch HĐQT, Người đại diện theo pháp luật.

Mặt khác, doanh nhân này cũng đứng tên và /hoặc nắm vốn tại nhiều đơn vị liên hệ tới Mian Group, như: Công ty TNHH Việt Anh, Công ty TNHH Du lịch Chinh-Mai-Đại, Công ty TNHH Hồ Tiên, CTCP Hoá Chất Sơn Hà Nội, Công ty TNHH May Minh Anh, Công ty TNHH Miền Nhiệt Đới, CTCP MIAN APPAREL Việt Nam, Công ty TNHH Nhược Lan, CTCP May Minh Anh Tân Kỳ, CTCP Dịch vụ suối khoáng AMIANA Tuyên Quang, CTCP May Minh Anh Thọ Xuân, Công ty TNHH Sản xuất thương mại nội thất Minh Anh, CTCP Xây dựng và Kiến Trúc Hùng Anh…

Dự án xây dựng nhà máy may hơn 500 tỷ Minh Anh - Tân Kỳ đang được gấp rút triển khai. Ảnh: Văn Dũng

Trở lại với hệ sinh thái của Mian Group, dĩ nhiên tham vọng của doanh nhân Vũ Văn Anh không chỉ dừng lại ở dệt may. Từ đầu những năm 2005 (tức trước thời điểm ra đời hạt nhân Mian Group), giới chủ tập đoàn đã quyết định tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khách sạn cao cấp tại Việt Nam với thương hiệu Amiana với dự án tiêu biểu là Amiana Resort Nha Trang (Nha Trang, Khánh Hòa) có diện tích 10,6ha. Tập đoàn cũng dự kiến đầu tư một số dự án, như: Amiana Resort Cam Ranh (Bãi Dài, Cam Ranh, Khánh Hòa), diện tích 10,5ha; Amiana Bãi Đá Nhảy Mũi Né (Bãi Đá Nhảy, Mũi Né, Bình Thuận), diện tích 4ha; Amiana Kê Gà Mũi Né (Mũi Kê Gà, Mũi Né, Bình Thuận), diện tích 4,3ha;…

Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu không nói đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Mian Group. Cụ thể, năm 1992, ông Vũ Văn Anh và các cổ đông đã thành lập Công ty TNHH Nghiên cứu Đầu tư Phát triển Công nghệ Tây Nguyên (IDT CO). Khá thú vị, bởi đây cũng là cột mốc đầu tiên đánh dấu chuyến hồi hương của nhóm Mian Group về Việt Nam.

Theo tìm hiểu, IDT CO là đơn vị quản lý dự án Mian Farm với quy mô gần 100ha, được quy hoạch nuôi, trồng các loại cây ăn quả,... và còn được phát triển như một khu du lịch sinh thái. Cơ cấu cổ đông IDT CO tính đến tháng 3/2020 gồm: Mian Group (80%) – hạt nhân của hệ sinh thái Mian Group, Vũ Văn Anh (16%) – Chủ tịch HĐQT Mian Group và Vũ Văn Toan (4%).

Không những thế, Mian Group còn mở rộng sang lĩnh vực sơn vào năm 2006 với việc tiếp nhận CTCP Hóa chất sơn Hà Nội sau cổ phần hóa. Được biết, đây là doanh nghiệp hơn 60 năm tuổi với thế mạnh ở các loại sản phẩm sơn.

Hé lộ bức tranh tài chính

Với việc liên tục mở rộng quy mô kinh doanh, tài sản/vốn chủ sở hữu Mian Group (công ty mẹ) tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016-2019. Cụ thể, tại ngày 31/12/2019, tài sản công ty là 538 tỷ đồng, tăng gần 130% so với số đầu năm. Vốn chủ sở hữu 505,5 tỷ đồng, tăng 122,7%. Nếu so với năm 2016, tài sản/vốn chủ sở hữu Mian Group tăng gấp khoảng 4,5 lần.

Dù vậy, khá bất ngờ khi Mian Group (công ty mẹ) không ghi nhận doanh thu thuần trong các năm 2016, 2017, 2018. Tính riêng năm 2019, doanh thu thuần Mian Group chỉ là 5,1 tỷ đồng. Lãi thuần 1,6 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 3,7 tỷ đồng.

Ở các năm 2016 và 2017, lãi thuần cũng khá khiêm tốn, chỉ đạt lần lượt 1,6 tỷ đồng và hơn 640 triệu đồng.


Về các thành viên trong tập đoàn, dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy, trong riêng năm 2019, chỉ có một số đơn vị báo lãi như: May Minh Anh (10,5 tỷ đồng), Minh Anh Kim Liên (8,8 tỷ đồng), Hóa chất sơn Hà Nội (2,3 tỷ đồng), Công ty TNHH Giặt thời trang Quốc tế (6,4 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, các công ty báo lỗ là Minh Anh Tân Kỳ (-51 triệu đồng), Minh Anh Đô Lương (-6,9 tỷ đồng), Amiana Holiday Việt Nam (-12,3 tỷ đồng), IDT CO (754 triệu đồng).

Tác giả: VĂN DŨNG - HỮU BẬT

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP