Trong tỉnh

Thuyền đánh cá “chen” tàu hàng ở cảng Cửa Lò

Cảng quốc tế Cửa Lò là một trong những dự án cảng trọng điểm của tỉnh Nghệ An. Đây là Cảng tổng hợp thứ 2 tại khu bến Nam Cửa Lò, không chỉ nổi bật với vị trí đắc địa nhất, quy mô lớn mà còn bởi năng lực tiếp nhận được tàu lớn nhất khu vực Cửa Lò (cỡ tàu lên đến 30,000 DWT).

Cảng Cửa Lò là đầu mối vận tải hàng hóa thương mại quốc tế và nội địa quan trọng bậc nhất của toàn khu vực Bắc Trung Bộ, là cửa ngõ thông ra biển gần nhất so với các cảng khác tại khu vực Nghệ An. Đặc biệt, cảng Cửa Lò góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nghệ An và trở thành mắt xích chiến lược kết nối các vành đai kinh tế trong chuỗi hoạt động logistics của cả nước.

Tàu cá chen lấn neo đậu trên Cảng Cửa Lò.

Trong những năm qua, cảng Cửa Lò đã được tỉnh Nghệ An quan tâm đầu tư xây dựng, không ngừng mở rộng cả về quy mô và năng lực bốc dỡ hàng hóa. Đáng chú ý, từ năm 2015, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc vào xây dựng bến cảng số 5, số 6 cảng Cửa Lò tại phường Nghi Thuỷ, thị xã Cửa Lò chia thành 2 giai đoạn với tổng nguồn vốn 1.180 tỷ, quy mô diện tích 23,4 ha.

Theo thiết kế, bến số 5, số 6 cảng Cửa Lò cùng một lúc 2 tàu có trọng tải 3 vạn tấn có thể ra, vào cập cảng. Sau nhiều năm thi công “ì ạch” đến nay dự án đã được nhà đầu tư hoàn thiện, đưa vào vận hành. Riêng khu vực hậu cần của bến đã có bãi hàng hóa 9,5 ha, bãi container rộng 1,1 ha, sức nâng dưới móc 50 tấn, tầm với tối đa 36m, chiều cao nâng tối đa 30m, tốc độ nâng/hạ tải 40 tấn là 50m/phút cũng đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, điều đáng bàn là hệ thống luồng lạch ra vào cảng hiện chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời khiến nhiều tàu vận tải lớn trên 20.000 tấn muốn vào cập cảng Cửa Lò luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ vì dễ rơi vào tình thế “mắc cạn”.

Theo tìm hiểu, để giảm áp lực cho cảng Cửa Lò và nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo an toàn an ninh hàng hải, từ năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bến neo đậu tại phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò. Theo đó, dự án được đầu tư gồm các hạng mục như, nạo vét luồng tuyến cho tàu thuyền vào nơi neo đậu, vũng neo đậu cho tàu cá, khu nước và hạng mục bến neo đậu cho tàu cá. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên mãi đến năm 2018, tỉnh Nghệ An mới tiếp tục khởi động tiếp dự án này bằng việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án: Xây dựng kè chống sạt lở bờ Hữu sông Nam Cấm và nơi neo đậu tàu, thuyền phòng tránh thiên tai phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện nay, mặc dù các hạng mục bến cảng dành riêng cho khu vực neo đậu của tàu cá ngư dân đã hoàn thiện nhưng tình trạng tàu cá của ngư dân vẫn “chen lấn” với khu vực vào, ra của tàu vận tải biển vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân của tình trạng trên được ngư dân địa phương lý giải, khu vực neo đậu dành riêng cho tàu đánh cá hiện nay chỉ có tàu công suất nhỏ vào, ra được, riêng tàu cá công suất lớn không thể vào được vì luồng lạch từ khu vực cửa biển ngược lên hướng Lạch Lò hơn 1 km quá cạn.

Ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết: Để tạo điều kiện cho ngư dân phường Nghi Tân, Nghi Thuỷ tham gia đánh bắt thuỷ hải sản, giảm áp lực cho cảng Cửa Lò, thị xã cũng đã đầu tư xây dựng bến cảng riêng và hiện nay đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hệ thống luồng lạch chưa được nạo vẹt nên chỉ tàu cá công suất nhỏ mới vào được khu vực bến cảng cá neo đậu. Chúng tôi đã có văn bản gửi Sở GTVT Nghệ An để kiến nghị với Bộ GTVT và các bên liên quan sớm có dự án nạo vét luồng lạch để tàu có công suất lớn có thể vào được bến neo đậu tại phường Nghi Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết thêm.

Cách đây chưa lâu, ngày 13/8/2021, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 36 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ QL46 đến bến số 5, bến số 6 - Cảng Cửa Lò với tổng kinh phí đầu tư khoảng 205 tỷ đồng. Đây là dự án do UBND tỉnh Nghệ An cam kết với Công ty Tuấn Lộc khi đơn vị này thực hiện xây dựng cảng biển số 5, số 6.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay dự án mới được người đứng đầu tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư. Về lâu dài, nếu không có giải pháp khơi thông luồng lạch, phân định rạch ròi khu vực neo đậu của tàu hàng và tàu cá thì hiệu quả khai thác của cảng biển cảng Cửa Lò khó đạt được công suất thiết kế.


Tác giả: Trần Thắng

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP