Giải trí

Thùy Tiên trả giá đắt và lời cảnh báo cho sao Việt

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, sự việc của Thùy Tiên là hồi chuông cảnh tỉnh đối với toàn bộ giới nghệ sĩ và người nổi tiếng đang tham gia hoạt động livestream bán hàng.

Trước khi bị tạm hoãn xuất cảnh và xử phạt 25 triệu đồng, Hoa hậu Thùy Tiên nhiều lần cùng Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục livestream quảng cáo kẹo rau củ Kera. Trong một livestream, Thùy Tiên nói: “Một ngày chỉ cần ăn 2 tới 3 viên là có thể bổ sung chất xơ cho một người bình thường”.

Livestream bán hàng là xu hướng chung của giới nghệ sĩ với những phiên live dài vài giờ thậm chí hàng chục giờ. Doanh thu từ livestream bán hàng có thể lên tới vài tỷ đồng, biến công việc này trở thành một “mỏ vàng” với người nổi tiếng.

Nhưng sự việc của Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs trở thành “hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc đối với toàn bộ giới nghệ sĩ và người nổi tiếng đang tham gia hoạt động livestream bán hàng”, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Nghệ sĩ đổ xô livestream bán hàng

Một nữ ca sĩ từng tiết lộ đạt được doanh thu 4 tỷ đồng cho một phiên livestream bán hàng. Cô cũng chia sẻ có những phiên livestream kéo dài 12 giờ đồng hồ.

Trước câu hỏi làm thế nào để tránh quảng cáo hàng giả, kém chất lượng hay thổi phồng công dụng sản phẩm, nữ ca sĩ này nói cô có một đội ngũ để hỗ trợ. Cô hạn chế nhận thương hiệu mới, chỉ livestream các nhãn hàng chính hãng, điều đó tránh được những rủi ro ban đầu. Ngoài ra, về thành phần, cách sử dụng, cô tư vấn cho khách theo thông tin nhãn hàng cung cấp.

Mặt hàng mà các sao Việt livestream quảng cáo rất đa dạng, từ mỹ phẩm, thời trang tới đồ ăn, thực phẩm chức năng... Không ngoa nếu nói hiện nay gần như cả showbiz Việt là những gương mặt quen thuộc trên các phiên live - từ ca sĩ, diễn viên đến người mẫu.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc nghệ sĩ đổ xô livestream bán đủ mặt hàng là một thực tế đáng suy ngẫm hơn đơn thuần chỉ ngạc nhiên hay phấn khích trước con số lợi nhuận "khủng".

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các nghệ sĩ, KOLs và người nổi tiếng trên mạng xã hội hiện nay. Họ có lượng lớn người theo dõi trung thành, thậm chí ngưỡng mộ cuồng nhiệt và điều đó biến họ thành “thỏi nam châm” có thể hút về không chỉ lượt xem, mà cả doanh thu. Nhưng chính vì vậy, vấn đề ở đây không phải chuyện nghệ sĩ có nên bán hàng hay không, mà họ bán cái gì, bằng cách nào và thái độ ra sao đối với khán giả.

Khi một người nổi tiếng livestream, họ không chỉ đại diện cho nhãn hàng mà còn là hiện thân của niềm tin. Người mua không đơn thuần mua sản phẩm. Họ mua vì tin vào nhân cách, hình ảnh và cái gọi là “trách nhiệm” của người bán. Vì vậy, nếu những nghệ sĩ ấy bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thổi phồng công dụng, lừa dối khách hàng, không chỉ là sự gian thương đơn thuần, mà là sự phản bội lòng tin công chúng.

Hình ảnh trong buổi livestream của Thùy Tiên, Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs.

“Tôi rất tiếc khi thấy nhiều nghệ sĩ từng là biểu tượng của sự truyền cảm hứng giờ lại lao vào vòng xoáy thương mại hóa mà quên mất vai trò của mình. Bởi làm nghệ sĩ, nhất là người có sức ảnh hưởng lớn không chỉ là làm người nổi tiếng, mà còn là làm người tử tế trong ánh mắt của công chúng. Tôi không phản đối nghệ sĩ bán hàng. Nhưng tôi mong họ bán bằng uy tín thực sự, bằng sự kiểm chứng kỹ lưỡng, bằng sự tôn trọng khách hàng - những người đã yêu thương, tin tưởng và giúp họ có được vị trí hôm nay", PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Ông Bùi Hoài Sơn nói thêm: "Đừng để đồng tiền làm mờ đi danh dự. Bởi danh dự một khi mất đi, sẽ rất khó lấy lại. Và đừng để một vài nghệ sĩ sai lầm kéo theo cả thế hệ người nổi tiếng trẻ tuổi khác cũng bị nghi ngờ và đánh mất cơ hội thể hiện sự tử tế. Bán hàng không xấu. Nhưng biến lòng tin thành món hàng để trục lợi thì xấu”.

Ngoài ra, việc quảng bá đủ loại sản phẩm, đôi khi trái ngược nhau về chất lượng, chức năng, chỉ để kiếm thêm tiền, khiến người nghệ sĩ tự biến mình thành một cái tên mất giá trị. Vì công chúng sẽ không còn biết đâu là niềm tin thật, đâu là lời nói vì tiền. Đến lúc đó, ngay cả khi nghệ sĩ trở lại sân khấu hay màn ảnh, người xem cũng khó lòng cảm được cái “thật” trong vai diễn, bởi hình ảnh người nghệ sĩ đã bị thương mại hóa quá mức.

“Tóm lại, nghệ sĩ có thể kinh doanh, có thể làm thương hiệu - nhưng trước tiên, họ phải bảo vệ hình ảnh của chính mình. Bởi hình ảnh đó không chỉ là của riêng họ, mà còn là phần niềm tin, tình cảm và ký ức của công chúng. Đừng để sự háo hức kiếm tiền nhanh làm lu mờ giá trị lâu dài của một cái tên từng rất đẹp”, ông nói.

Thấy gì từ sự việc của Thùy Tiên

Theo ông Bùi Hoài Sơn, vụ việc của Thùy Tiên và Quang Linh Vlogs không chỉ là cú sốc truyền thông, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc đối với toàn bộ giới nghệ sĩ và người nổi tiếng đang tham gia hoạt động livestream bán hàng. Nó cho thấy chỉ cần một sai sót trong lựa chọn sản phẩm, một phút chủ quan trong khâu kiểm chứng, hay một lần đặt lợi nhuận lên trên đạo đức nghề nghiệp, đủ để phá hủy hình ảnh được xây dựng bằng cả chặng đường dài, thậm chí cả sự nghiệp.

Bài học ở đây không đơn thuần là về kỹ thuật bán hàng hay chiến lược truyền thông. Đó là bài học về trách nhiệm đạo đức và sự tự ý thức của người nghệ sĩ trong thời đại mạng xã hội. Livestream không chỉ là công cụ kiếm tiền, mà là “sân khấu công cộng” nơi mọi lời nói, hành động đều được ghi lại, soi xét và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Người nghệ sĩ khi xuất hiện ở đó, dù với mục đích gì, cũng không thể thoát khỏi ánh nhìn của công chúng - những người từng yêu quý họ không phải vì khả năng bán hàng mà là nhân cách và tài năng.

“Họ cần hiểu: Khi đứng trước máy quay livestream, họ không chỉ là người đang giới thiệu sản phẩm, mà còn trao gửi niềm tin cho hàng nghìn, hàng triệu khán giả. Mỗi lời nói ‘tôi đã dùng thử’, ‘tôi cam kết’, ‘sản phẩm này tốt’… đều không phải quảng cáo thông thường mà là một lời hứa đạo đức. Và khi lời hứa ấy bị phá vỡ, không chỉ khách hàng giận dữ, mà chính người nghệ sĩ cũng tự tay đập vỡ hình ảnh của mình”, ông Bùi Hoài Sơn nhận định.

Thùy Tiên vướng ồn ào liên quan đến việc quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ. Ảnh: FBNV.

Vụ việc vừa qua cũng là lời nhắc sự nổi tiếng không phải tấm lá chắn, càng không phải tấm thẻ miễn trừ trách nhiệm. Càng nổi tiếng, càng phải thận trọng. Càng được yêu mến, càng phải kỹ lưỡng. Bởi, một khi niềm tin đã mất, dù có giải thích hay xin lỗi, công chúng cũng khó lòng tha thứ. Niềm tin không giống lượt view. Nó không thể “câu” lại dễ dàng và một khi vỡ, sẽ để lại vết rạn rất sâu.

“Vì vậy, bài học lớn nhất cho các nghệ sĩ là: Hãy sống thật với những gì mình quảng bá. Đừng nói điều mình chưa kiểm chứng. Đừng bán thứ mình không dám dùng. Và đừng để đồng tiền làm mờ đi bản chất nghệ sĩ trong con người mình.

Nếu muốn bước vào lĩnh vực kinh doanh - hãy học cách làm doanh nhân tử tế. Còn nếu vẫn là nghệ sĩ - hãy giữ vững niềm tin mà công chúng đã trao. Đừng để ánh hào quang trên livestream che khuất mất lương tri và trách nhiệm. Bởi có những điều khi mất rồi, sẽ không thể mua lại bằng bất kỳ con số lợi nhuận nào", ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Tác giả: Minh Hạo

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP