Sáng 14/9, thảo luận tại phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, dự án Luật đã được chuẩn bị rất tốt.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. (ảnh: Quochoi.vn) |
Theo bà, dự án Luật này không mang lại lợi ích gì cho tòa, mà mang lại lợi ích chung và tòa sẽ vất vả hơn nhiều. Cũng hiếm luật nào mà Chánh án rất sát sao, tổ chức thí điểm, tổng kết thí điểm, mời cả chuyên gia nước ngoài cùng tham gia trong quá trình thí điểm, xây dựng luật như lần này.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, hòa giải là cơ chế được rất nhiều nước áp dụng, ta cũng chỉ học lại. Đơn cử, như nước Mỹ xem hòa giải tại tòa là “một cuộc cách mạng về thực thi công lý”. Trong dự án luật này, phía Mỹ cũng cử 1 nhà khoa học và 2 thẩm phán tham gia, và họ cũng đánh giá rất cao dự thảo của Việt Nam. Theo đó, nếu dự án luật được thực thi được trong cuộc sống thì người dân sẽ là người có lợi đầu tiên.
“Về bản chất, đây là hòa giải ngoài tố tụng, trước khi tòa án thụ lý. Vì sao là “tại tòa án”, vì có sự tham gia của tòa án trong quá trình hòa giải này. Vai trò của tòa là gì? Tòa làm 2 việc: thứ nhất là điều hành, quản lý việc hòa giải (phân công thẩm phán, phân công hòa giải viên phụ trách vụ việc); thứ hai là công nhận kết quả, vì nó có giá trị pháp lý như một bản án. Khác với hòa giải ở cơ sở không có hiệu lực thi hành bắt buộc, hòa giải này có hiệu lực thi hành bắt buộc”- Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nói và nhấn mạnh hòa giải giúp giữ được bí mật vì không cần ra tòa hay “đăng báo”.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình. (ảnh: Quochoi.vn) |
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc thực hiện các cơ chế hòa giải hiện hữu có một số hạn chế. Thứ nhất, do các thẩm phán nhiều việc nên không có thời gian đầu tư cho hòa giải. Thứ hai, do thẩm phán phải đảm bảo khách quan, nên không được phép đưa ra lời khuyên có lợi cho bất cứ bên nào.
Đưa ra dẫn chứng, ông Nguyễn Hòa Bình nói như vụ hai người kiện nhau vì món nợ 100 triệu, thẩm phán không thể khuyên bên cho vay nhận 50 triệu để kết thúc vụ việc, mà phải là 100 triệu cộng lãi suất.
Thêm nữa là tính năng động trong phương pháp, khi hòa giải viên có thể gặp đương sự ở nhà, quán cafe để khuyên bảo, thậm chí có thể kéo những người có uy tín khác vào, như cha đạo, già làng... còn thẩm phán chỉ được gặp gỡ ở cơ quan vào giờ hành chính.
Cho rằng dự án luật là rất cần thiết, được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng nhấn mạnh sự phi lý khi một nước nổi tiếng thích kiện tụng như Mỹ có tỷ lệ hòa giải tại tòa rất cao (trên 90%), trong khi nước nổi tiếng ưa chuộng hòa bình như Việt Nam lại có tỷ lệ hòa giải rất thấp.
Đánh giá cao nỗ lực của tòa án trong việc đưa ra một dự luật không có lợi gì cho mình, ông Ngọc cũng đặt ngược vấn đề là cơ chế này muốn thành công cần có sự chân thành của tòa án.
“Rất khó hiệu quả nếu không có sự thực tâm của tòa án. Đưa ra một quy trình lấy đi công việc của tòa thì các thẩm phán có thực sự mong muốn không? Nếu không thì rất khó thành công” - ông Ngọc nói cho rằng còn có 2 yếu tố rất cần thiết khác là việc áp dụng phải thống nhất và các bên tham gia phải rất chuyên nghiệp, đặc biệt là hòa giải viên.
Cùng bàn về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, hòa giải, đối thoại tại tòa án là một cơ chế “vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính xã hội” và có tính nhân văn cao.
Theo ông Định, cơ chế này sẽ giảm bớt áp lực công việc cho tòa án (số vụ tòa phải thụ lý giảm đi); huy động được đóng góp của những người đã về hưu, có uy tín làm hòa giải viên; tạo không khí xã hội mềm mại hơn; có thể giữ được bí mật cho các bên tham gia.
“Gần đây, Tổng Bí thư cũng có nhắc “việc dân sự cốt ở các bên”, nên đề cao nguyên tắc tự nguyện. Có luật mới, nếu đương sự đồng ý thì thẩm phán ra quyết định hòa giải, không phải tố tụng, không phải đăng báo gì cả, giữ được bí mật kinh doanh và bí mật đời tư” - ông Định nói./.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo VOV