Số hóa

Thực hư thông tin nghe điện thoại bị mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng

Trên Facebook, TikTok,… xuất hiện nhiều cảnh báo về việc chỉ nghe điện thoại bị mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng khiến nhiều người lo lắng.

Cụ thể, theo một chia sẻ của tài khoản tên N.D.S thì "đồng nghiệp của tôi nhận được cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ấy đã được tiêm phòng ấn phím 1, chưa tiêm phòng ấn phím 2. Kết quả, anh ta ấn phím 1 và điện thoại bị chặn… Mọi người cẩn thận nha. Chỉ cần làm theo hướng dẫn của nó trong vòng 3 giây là nó lấy được hết thông tin tài khoản ngân hàng, nó vô hiệu hóa điện thoại mình, máy chủ mình nó điều khiển. Khi nó rút tiền, ngân hàng nhắn OTP vào số điện thoại mình nhưng nó nhận được,…".

Hiếu PC khẳng định thông tin cảnh báo trên là tin giả

Hay một tài khoản khác kể còn ly kỳ hơn "cuộc gọi 5 giây và sự việc mất 30 triệu đồng sau đó" và khẳng định "đây là câu chuyện có thật mẹ em gặp phải".

Theo đó, mẹ nhân vật này nhận được cuộc gọi từ số 059xxx và có nhấc máy trả lời "a lô" nhưng không có hồi âm… Người mẹ khẳng định không có nhắn tin hay vào app, link linh tinh nhưng ngủ 1 đêm thì điện thoại sập nguồn. Sáng hôm sau vào app ngân hàng thì ngân hàng yêu cầu đặt lại mật khẩu, vào rồi phát hiện tài khoản bị trừ 30 triệu đồng!

Những thông tin trên thu hút khá đông người xem bởi các giao dịch online càng nhiều, tiện lợi cũng kéo theo nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, khi Báo Người Lao Động trao đổi với chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - người sáng lập Dự án Chống lừa đảo - về thông tin trên thì Ngô Minh Hiếu khẳng định: "Đây là tin giả! Làm gì có chuyện nghe điện thoại bị mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng hay dữ liệu máy tính. Nếu như vậy thì xã hội loạn!".

Theo Hiếu, trường hợp người nghe điện thoại ấn các phím theo hướng dẫn có thể bị trừ tiền điện thoại ở mức cước cao (tùy thuộc đầu số) chứ không thể mất tiền ngân hàng.

"Người dùng chỉ mất tiền tài khoản ngân hàng khi nhấn phím theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, rồi làm theo dẫn dụ của chúng như vào đường link, hay tải file mã độc, hay app độc hại, hoặc dẫn dụ đầu tư tài chính, hoặc bị đe dọa theo kiểu giả mạo công an.... thì lúc đấy mới bị lừa mất tiền" – Ngô Minh Hiếu phân tích.

Lý giải về những cảnh báo trên, chuyên gia Ngô Minh Hiếu cho rằng có thể do một số người không rành về công nghệ, đến khi bị lừa, thì lại không hiểu sao, cứ thế cứ viết rồi đăng lên mạng. Hoặc một số nạn nhân đã bị lừa, cảm thấy ngại và xấu hổ nên khi chia sẻ thông tin mình bị lừa thì cắt ghép thông tin nhằm giảm đi mức độ của việc mình bị lừa.

Thậm chí, có trường hợp vì thiếu hiểu biết hoặc thích câu view mà lan truyền tin giả, vô tình cố ý câu view, gây kích động và mất trật tự xã hội.

Tác giả: Ngọc Ánh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP