Ngày 15/8, trên mạng xã hội facebook xuất hiện đoạn clip dài gần 2 phút do nick name Tuyết Trần đăng tải về hình ảnh những khúc cá tươi được đặt trong một cái xoong với nội dung status: "Đã có nhiều hoá chất từ thức ăn. Nay có thêm cả thịt cá tươi được làm bằng nhựa thế này...".
Mặc dù chưa được xác thực song theo như ghi nhận của Kiến Thức thì video này không phải xuất hiện ở Việt Nam mà do một người nước ngoài quay.
Hình ảnh cho rằng cá tươi được làm bằng nhựa do tài khoản Tuyết Trần đăng tải trên Facebook. |
Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip được lan truyền rộng rãi trên mạng và thu hút hơn 1,8K người xem, 18.317 lượt chia sẻ cùng hàng trăm bình luận. Nhiều cư dân mạng cho rằng con người đang tự hủy hoại nhau khi đến cá tươi cũng bị làm giả. "Cái gì cũng có thể làm giả được nên cách tốt nhất là là tự nuôi trồng", có ý kiến bình luận...
Clip thịt cá tươi được làm giả từ nhựa gây xôn xao dư luận. Nguồn: video trên Facebook của Tuyết Trần.
Bên cạnh những bình luận tỏ ra bức xúc thì cũng có nhiều người cho rằng câu chuyện cá tươi bị làm giả từ nhựa chỉ là tin đồn vô căn cứ, là cách câu like "rẻ tiền" của chủ tài khoản facebook.
Nickname Manhhai Lienha bày tỏ: "Có ai thấy nhựa ngấm nước bao giờ chưa ạ. Toàn tin tào lao".
"Clip này của Nhật làm cả 1 quầy trưng bày chứ không phải riêng 1 con, họ làm để trưng bày và không riêng cá có cả rau củ bằng sáp! Họ đăng lên với chế độ công khai mà về lấy lại clip là nó thành ra như vậy.", nickname Trương Đạt nói.
Nhiều cư dân mạng cho rằng loại cá trong ảnh chính là cá chép giòn... |
Nhiều ý kiến cho rằng clip này chỉ là trò "câu like". |
Theo nickname Moon Nguyen đây là loại cá chép giòn. "Loại cá đông lạnh nên ngâm nước là thịt nó vậy á. Đám cưới mình vừa đãi cá này. Gần 15 triệu chứ ít. Mắc muốn chết. Giả cái gì", nickname Moon Nguyen chia sẻ.
Còn anh Đô Văn Vịnh lại cho hay: "Không nhầm thì đây là loại cá Tuyết, thịt nó kiểu xốp xốp ý hút nước rất ác bóp ra lại hết".
Một số cư dân mạng còn cho rằng việc đăng tải clip cá tươi làm giả từ nhựa chỉ là một hình thức câu like của chủ tài khoản facebook.
Trước đó từng có thông tin việc gạo giả làm từ nhựa độc ở Trung Quốc bị đưa sang nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã gây hoang mang cho người tiêu dùng. Thế nhưng ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đã lên tiếng trấn an người dân: “Đó mới chỉ là tin đồn. Thông tin về “gạo giả” từng xuất hiện vào các năm 2011, 2012 nhưng tại thời điểm đó, qua xác minh của các cơ quan chức năng thì thông tin ấy là không chính xác. Do vậy, người dân không nên hoang mang trước thông tin này”.
Tác giả: Bảo Ngọc
Nguồn tin: Báo VietNamNet