Giáo dục

Thứ trưởng Bộ Giáo dục lí giải chuyện muốn giữ nguyên học phí

Chiều 13/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD&ĐT vừa đề xuất Chính phủ gia hạn Nghị định số 86, giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học đối với năm học 2021-2022.

Bộ GD&ĐT đề xuất chưa tăng học phí năm học 2021- 2022 Ảnh: Nghiêm Huê

Ông Thưởng cho biết, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (ngày 2/10/2015) của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập; nghị định có hiệu lực từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Do vậy, để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện từ năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo, cần phải xây dựng nghị định thay thế. Bộ GD&ĐT được giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và cơ quan có liên quan xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 86; theo kế hoạch, thời hạn trình Chính phủ là tháng 12. Bộ GD&ĐT đã dự thảo và đang lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục-đào tạo và toàn xã hội để hoàn thiện dự thảo nghị định.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng

Với học sinh tiểu học công lập, vẫn áp dụng chính sách miễn học phí. Luật Giáo dục 2019 cũng duy trì chính sách này và mở rộng việc hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học của các trường ngoài công lập. Vì sao trong dự thảo nghị định mà Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng vẫn quy định khung học phí đối với cấp tiểu học, thưa ông?

Nghị định số 86 quy định học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Tuy nhiên, nghị định này không quy định mức thu học phí đối với giáo dục tiểu học nên không có mức cấp bù ngân sách cho đối tượng học sinh tiểu học không phải đóng học phí.

Luật Giáo dục 2019 tiếp tục duy trì chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học công lập và mở rộng việc hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập ở địa bàn không đủ trường công lập. Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86 tuân thủ yêu cầu này của Luật.

Tuy nhiên, để có cơ sở hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh ngoài công lập, đồng thời có căn cứ và minh bạch ngân sách cấp cho các cơ sở giáo dục tiểu học, dự thảo nghị định có quy định khung giá dịch vụ (khung trần học phí đối với các cơ sở giáo dục tiểu học). Điều này nhằm tiến tới việc Nhà nước cấp ngân sách theo đối tượng thụ hưởng (cấp trực tiếp cho học sinh) để đóng cho nhà trường hoặc Nhà nước nếu cấp ngân sách theo phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh khó khăn kinh tế như hiện nay, việc tăng học phí ở các cấp học là chưa phù hợp. Bộ GD&ĐT sẽ có giải pháp gì để vừa hài hòa yêu cầu xây dựng dự thảo nghị định thay thế, vừa chia sẻ khó khăn chung với phụ huynh và học sinh?

Bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86 đối với các cấp học theo mức học phí của năm học 2020-2021. Tiếp tục giao HĐND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xem xét phê duyệt.

Các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86 và các văn bản liên quan đã ban hành. Đồng thời, cho phép Bộ GD&ĐT được lùi thời gian trình ban hành nghị định sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định.

Nếu đề xuất của Bộ GD&ĐT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì hai năm nữa mới áp dụng nghị định mới (từ năm học 2022-2023) và lộ trình tăng thêm hằng năm chỉ khoảng 2,5%/năm so với mức tăng hằng năm theo Nghị định số 86.

Cảm ơn ông.

Tác giả: NGHIÊM HUÊ - NGUYỄN HÀ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP