Chị Nguyễn Minh Hiền (Đống Đa, Hà Nội) hiện đang làm cán bộ công tác tại một cơ quan Nhà nước nhưng vẫn có thêm nguồn thu nhập từ bán hàng trên mạng. Chị Hiền kinh doanh các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm xách tay từ nước ngoài về bán và các giao dịch chủ yếu thực hiện qua facebook.
“Hàng ngày, ngoài công việc chính ở cơ quan, tôi sẽ đăng các bài giới thiệu về sản phẩm trên facebook cá nhân và trả lời các câu hỏi từ khách mua hàng. Mỗi tháng hàng về 2-3 chuyến, mỗi chuyến hàng trăm món, giá trị cũng lên tới vài trăm triệu đồng”, chị Hiền cho biết.
Không kinh doanh mặt hàng xách tay và chỉ bán online như trên nhưng chị Phương, chủ một cửa hàng quần áo thời trang tại Hà Đông cũng tận dụng facebook cá nhân để bán hàng. Với lượng người theo đuôi (follow) lên tới hàng trăm nghìn người, việc bán hàng diễn ra khá thuận lợi.
“Doanh thu bán hàng qua facebook thậm chí còn tốt hơn rất nhiều so với bán trực tiếp. Trung bình mỗi ngày cửa hàng tôi có khoảng hơn 50 đơn bán qua đây, doanh thu tháng đỉnh điểm như tháng Tết cũng lên tới cả tỷ đồng”, chị Phương tiết lộ.
Nhiều "tiểu thương" kinh doanh trên mạng xã hội có doanh thu "khủng" không kém so với các doanh nghiệp.
Dĩ nhiên với mức doanh thu “khủng” không kém gì các cửa hàng bán trên phố hay thậm chí là nhiều doanh nghiệp nhỏ nhưng các trường hợp như chị Hiền hay chị Phương hoàn toàn không phải nộp thuế cho phần thu nhập này. Vấn đề đặt ra là liệu Nhà nước có đang thất thu thuế với loại hình bán hàng qua facebook và nếu thu thì phải thu như thế nào để đảm bảo hiệu quả?
Liên quan tới câu chuyện này, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TPHCM với Cục Thuế Thành phố mới đây, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, hoạt động thương mại điện tử hiện nay rất mạnh, có khoảng 80.000 website hoạt động trên địa bàn, trong đó một nửa website hoạt động ổn định nhưng thu thuế trong lĩnh vực này rất kém nên cần có sự phối hợp của các ban ngành.
"Đặc biệt hoạt động bán hàng qua facebook hầu như chưa thu được thuế. Đề nghị UBND Thành phố làm việc với Facebook để có cơ chế hỗ trợ trong việc kiểm soát nguồn thu", ông Kiên kiến nghị. Thậm chí, phía Cơ quan quản lý khẳng định sẽ tính toán thu thuế không chỉ bán hàng trên Facebook mà cả trên các mạng xã hội như Zalo, Instagram, YouTube…
Không hề đơn giản
Dưới góc độ một người bán hàng đồng tình với việc nộp thuế, chị Thái Ngọc D. (TPHCM) bình luận: "Bán online không tốn chi phí mặt bằng, chi phí cho hệ thống quản lý; Chi phí nhân sự không bao nhiêu, mà chỉ cần máy tính hay smartphone là có thể kinh doanh và không khai thuế. Như vậy rõ ràng là không công bằng với những người buôn bán chính thống. Tuy nhiên, do thói quen thanh toán bằng tiền mặt, mua bán trao tay nên dĩ nhiên việc thu thuế với những người buôn bán trên mạng xã hội là không hề đơn giản như với các doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh”.
Việc thu thuế không hề đơn giản bởi chủ yếu giao dịch bằng phương thức trao hàng – trả tiền.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc thu thuế không hề đơn giản bởi chủ yếu giao dịch bằng phương thức trao hàng – trả tiền, rất khó giám sát. Việc kê khai thuế với những trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ lại thực hiện theo hình thức tự khai và tự tính, nên không ít cá nhân kê khai không đầy đủ để tránh nghĩa vụ thuế.
Khẳng định buôn bán kinh doanh, đóng thuế là lẽ thường nhưng trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, câu chuyện thu thuế hoạt động bán hàng qua Facebook chính là cách thức nộp thuế, cách thu ra sao cho phù hợp với môi trường trực tuyến.
Ông Hưng cũng lưu ý, do môi trường mạng khác với môi trường kinh doanh truyền thống nên nếu làm không cẩn thận thì chi phí đi thu còn lớn hơn số thuế thu được, do cá nhân kinh doanh trên Facebook lên đến hàng triệu người, có thể gây phức tạp cho công tác thu thuế.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chủ trương đánh thuế người buôn bán kinh doanh trên mạng xã hội là hợp lý và cần thiết nhưng "việc kiểm soát thuế với các giao dịch mua bán qua facebook cũng giống như tìm kim trong một đống rơm, không biết nó nằm đâu mà bới ra”.
Theo ông Hiếu, việc thu thuế với người bán hàng qua facebook có thể áp dụng thuế như với hộ kinh doanh cá thể. Theo đó, cần quy định tất cả cá nhân kinh doanh qua facebook đều phải kê khai, đến mức nhất định có thể là 100 triệu đồng mới phải nộp thuế.
Trên thực tế, cách đây hơn 2 năm, câu chuyện thu thuế hoạt động bán hàng qua facebook cũng từng được nói đến và gây nhiều dư luận trái chiều trong cộng đồng người bán hàng. Theo Thông tư 47 quy định về quản lý website thương mại điện tử trong đó quy định việc quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội (hiệu lực từ ngày 20/1/2015) quy định, nếu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử thì người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, facebook vốn được biết đến là mạng truyền thông xã hội chứ không phải là một sàn giao dịch thương mại điện tử hay một website thương mại điện tử nên câu chuyện thu thuế của người bán hàng trên facebook tại thời điểm đó là đã gần như đã được "bỏ lửng”.
Một lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận, quản lý thuế với các cá nhân không đơn giản, vì rất khó phân biệt là kinh doanh hay không và trong trường hợp nếu kinh doanh mà chưa đến ngưỡng nộp thuế (doanh thu trên 100 triệu đồng/năm) sẽ không thể thu thuế. Bên cạnh đó, ở Việt Nam sẽ càng khó khăn do các giao dịch thanh toán giữa các cá nhân vẫn bằng tiền mặt.
"Chính phủ vừa phê duyệt đề án không dùng tiền mặt, các cá nhân khi kinh doanh cũng phải đăng ký và cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ nghiên cứu quy định theo hướng doanh thu đạt ngưỡng nào đó trong năm, quý thì phải kê khai và nộp thuế. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định thanh toán mua hàng trên mạng phải thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, không thể làm ngày một ngày hai được", vị này nói.
Tác giả bài viết: Phương Dung
Nguồn tin: