Pháp luật

"Thông minh" như… tội phạm tham nhũng

Báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trình bày trước Thường vụ Quốc hội ngày 12/1 vừa qua có một số nội dung liên quan tới thu hồi tài sản tham nhũng rất đáng chú ý và được quan tâm...

Tin mừng là tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế đạt 53,9%, trong đó tỷ lệ thu hồi năm sau tăng so với năm trước. Tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá khá cao.

Để thấy con số 80.000 tỷ đồng lớn như thế nào, có thể liên hệ đến so sánh của Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Dự án cao tốc Bắc - Nam rất cần kíp, vậy mà khó khăn lắm cả nước mới thu xếp được 79.000 tỷ để đầu tư. Khoản thu hồi này theo đó được đánh giá là rất quý giá để bù đắp.

Đơn giản hơn, giả sử như tiền thu hồi được qua các vụ án tham nhũng được dùng vào mục đích an sinh xã hội, thì mỗi một tháng 1 trẻ em vùng cao chỉ cần kinh phí 150.000 đồng, vậy nếu nhân lên, sẽ có bao nhiêu trẻ em sẽ nhận được sự quan tâm và có tương lai tươi sáng hơn, bao nhiêu gia đình có thể thoát được nghèo?

Một nhà phao chống lũ cho bà con miền Trung chỉ từ 50 triệu đồng, tính ra số tiền thu hồi được như trên sẽ có thể mang lại cơ hội sống sót, cơ hội thoát cảnh cơ cực mùa lũ về cho bao nhiêu hộ dân?

Thời gian qua, việc phá được nhiều vụ án tham nhũng, lớn có, nhỏ có… đã khiến người dân cảm thấy tin tưởng hơn vào sức mạnh, sự nghiêm minh của luật pháp, tin rằng không có vùng cấm nào trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực; hi vọng mọi sai phạm đều sẽ được phơi bày, đưa ra ánh sáng.

Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản tham nhũng phải thuyết phục mới phần nào mong khắc phục được những thiệt hại mà tham nhũng gây ra cho xã hội. Và cũng phải vậy mới có tính răn đe, mới khiến người ta sợ, không dám tham nhũng, không có động lực để tham nhũng.

Theo đề nghị của ông Lê Minh Trí, trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, cần xây dựng luật Đăng ký tài sản để chặn đường "tẩu tán" của đối tượng tham nhũng. Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, hiện tại, quy định về việc kê khai tài sản mới áp dụng trong cán bộ, đảng viên nhưng rõ ràng, những đối tượng này không bao giờ trực tiếp đứng tên sở hữu tài sản mà toàn "nhờ người xã hội".

Hay nói thẳng ra là chẳng tội phạm tham nhũng nào lại thật thà khai báo họ đã tham nhũng bao nhiêu tiền, tài sản có bao nhiêu tiền sạch, bao nhiêu tiền bẩn. Thói thường sẽ "đây là nhà của con, kia là đất của vợ, nọ là tài khoản, cổ phần, công ty của bà con họ hàng"… Đã cố tình tham nhũng, đã cố tình phạm tội thì ai lại "vạch áo cho người xem lưng" làm gì?!

Đó là chưa nói đến những thủ đoạn dùng sân sau để tuồn tài sản ra nước ngoài khi đâu đó vẫn còn kẽ hở để doanh nghiệp kê khai khống hàng hóa, buôn bán hóa đơn.

Mới có chuyện như ông Trí phản ánh: "Thực tế giờ có rất nhiều người ít tuổi mà sở hữu tài sản khủng, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, không giải thích được nguồn gốc". Oái oăm là các cơ quan quản lý, dù có nghi ngờ cũng không "động" được vì đụng đến quyền bí mật tài sản, quyền công dân.

Bởi vậy, đề nghị của VKSND tối cao về luật Đăng ký tài sản là rất đáng chú ý, nhằm chặn đường tình trạng "gửi gắm", chặn được một hướng trú ngụ của tội phạm tham nhũng.

Tóm lại, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vượt 50% là một con số ấn tượng so với mức 5-10% ở nhiệm kỳ trước, song nghĩa là vẫn còn gần một nửa chưa thu hồi được. Tội phạm tham nhũng lại rất "thông minh" nên càng phải cần những biện pháp cao tay mới mong ngừa tham nhũng.

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP