Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 quy định bậc THPT có 2 tiết mỹ thuật, âm nhạc mỗi tuần thế nhưng TP HCM lại không có giáo viên (GV) giảng dạy. Điều này khiến các trường THPT như "ngồi trên lửa" lo lắng nguồn tuyển dụng; một số trường quyết định không triển khai dạy 2 môn học này.
Dè dặt triển khai
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3), cho biết hiện trường vẫn đang chờ nhu cầu, nguyện vọng đăng ký của học sinh (HS) để tổ chức các tổ hợp môn tự chọn. Hiện nay vẫn chưa rõ HS đăng ký chọn tổ hợp môn thế nào nên chưa mường tượng được sẽ tuyển dụng ra sao. "Chúng tôi đang tính đến phương án, sau khi HS trúng tuyển vào trường sẽ chia từng nhóm phụ huynh HS để tư vấn, định hướng nghề nghiệp, làm sao để có lợi cho HS nhất" - ông Khoa nói.
Thiếu GV âm nhạc, mỹ thuật là tình trạng chung của các trường THPT tại TP HCM, lý do là hiện nay cả 2 trường ĐH Sư phạm tại TP HCM không có mã ngành đào tạo GV 2 môn học này. Thực trạng trên dẫn tới các trường THPT dè dặt triển khai nếu HS chọn học 2 môn học kể trên. Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), thông tin: Nhà trường tính đến phương án mời GV dạy tiểu học nhưng có bằng ĐH về dạy âm nhạc để có sự bài bản, chuyên nghiệp và bắt đầu từ năm học sau mới thực hiện. Trong năm đầu tiên, trường chỉ dạy mỹ thuật; khi làm tốt một môn mới có nhiều kinh nghiệm để giảng dạy thêm môn âm nhạc.
Nhiều trường THPT ở TP HCM đang âu lo vì chưa tuyển được giáo viên dạy môn mỹ thuật và âm nhạc theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 Ảnh: TẤN THẠNH |
Trong khi đó, cũng có nhiều trường xác định nguồn tuyển cực kỳ khó khăn nên chọn giải pháp không triển khai ngay từ đầu để HS quyết định. Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức), cho biết trường không triển khai dạy 2 môn mỹ thuật, âm nhạc. Việc tổ chức các tổ hợp môn tự chọn là trên cơ sở nhân sự, điều kiện thực tiễn của các trường nên nếu không thể có nguồn tuyển thì trường sẽ không triển khai. "Nhà trường thực hiện giảng dạy 2 môn tự chọn là tin học và công nghệ, trong đó môn tin học theo đề án chuẩn quốc tế đã thực hiện từ các năm trước, rất có lợi cho HS" - bà Trúc nói.
Tăng quyền tự chủ tuyển dụng cho các trường
Ông Tống Phước Lộc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết hiện các trường đang rà soát, lập kế hoạch và nhu cầu tuyển dụng của từng đơn vị để gửi về sở. Từ đó, sở sẽ có cơ sở để ra kế hoạch tuyển dụng, dự kiến trong 2 tháng 7, 8.
Theo ông Lộc, hiện nay công tác tuyển dụng GV có thuận lợi hơn là đã bỏ quy định về hộ khẩu, Sở GD-ĐT thành phố cũng đã có kế hoạch hợp tác với 2 trường ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TP HCM để đào tạo, bồi dưỡng GV, bảo đảm sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở các môn học.
Thừa nhận sẽ có khó khăn trong tuyển dụng GV 2 bộ môn âm nhạc, mỹ thuật nhưng trong thực tế, theo ông Lộc, hiện nay sở đã tăng quyền tự chủ tuyển dụng GV cho các trường, điều này giúp các trường chủ động hơn về nguồn tuyển.
Đơn cử, TP HCM đã có 2 trường THPT chuyên là Trần Đại Nghĩa và Lê Hồng Phong đã thực hiện tự chủ hoàn toàn việc tuyển GV. Trong năm học tới, sở sẽ triển khai đến 3 trường THPT theo mô hình tiên tiến và 4 trường tại khu vực huyện Cần Giờ, sở chỉ giám sát quá trình tuyển dụng. Riêng 2 môn nghệ thuật, các trường đã tính đến giải pháp sẽ mời GV khối THCS về giảng dạy.
Đặc thù trong tuyển dụng Để khắc phục những khó khăn khi triển khai chương trình GDPT 2018, theo Sở GD-ĐT TP HCM, sở đã kiến nghị nhiều cơ chế đặc thù về tuyển dụng. Cụ thể, đối với đội ngũ triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018, TP HCM kiến nghị đối với các trường hợp có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp đối với các môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2 (tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp...) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở GDPT, có thể tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các cơ sở... |
Tác giả: Đặng Trinh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động