Thế giới

Thiếu lao động, hàng loạt công ty ở Nhật Bản bị phá sản

Công ty nghiên cứu Teikoku Databank cho biết chỉ trong nửa đầu năm 2024, số lượng công ty phá sản do thiếu lao động đạt mức kỷ lục 182, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.

Một công nhân loại bỏ tạp chất khỏi nguyên liệu giấy thô tại Nhà máy sản xuất giấy washi truyền thống Kashiki Seishi ở Ino, tỉnh Kochi, Nhật Bản ngày 9-8-2024 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters ngày 20-12, Nhật Bản đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lao động ngày càng trầm trọng, đe dọa đến sự tồn tại của các doanh nghiệp và ngành nghề truyền thống ở các thị trấn nhỏ.

Chật vật vì thiếu lao động

Tại thị trấn Ino, tỉnh Kochi, nơi được biết đến với ngành sản xuất giấy truyền thống, các doanh nghiệp nhỏ đang phải vật lộn để tồn tại.

Ông Masato Shiota, chủ tịch Công ty sản xuất giấy vệ sinh và khăn lau khử trùng Wako Seishi, chia sẻ ông không thể vận hành hết công suất do thiếu nhân lực.

"Chúng tôi có ba máy nhưng chỉ vận hành được hai máy mỗi ngày. Nếu không có đủ người, chúng tôi không thể sản xuất, không thể kiếm lợi nhuận và công ty sẽ sụp đổ", ông Shiota cho biết.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm 70% số việc làm tại Nhật Bản, đang chịu áp lực lớn từ tình trạng thiếu lao động.

Theo nghiên cứu của Recruit Works Institute, xứ sở hoa anh đào sẽ thiếu hụt 3,4 triệu lao động vào cuối thập kỷ này, đồng thời có thể lên tới 11 triệu lao động bị thiếu hụt vào năm 2040.

Ông Yasushi Miyamoto (70 tuổi) đang chế biến món ăn đặc sản địa phương tại Ino, cá ngừ nướng trên lửa cỏ khô, ngày 10-8-2024 - Ảnh: REUTERS

Cân nhắc tuyển dụng học sinh tốt nghiệp trung học

Nhật Bản cũng đã từ lâu hạn chế nhập cư quy mô lớn, dù một số công ty đã thuê lao động ngắn hạn từ các nước như Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên, đồng yen yếu khiến Nhật Bản kém hấp dẫn đối với lao động nước ngoài.

Để ứng phó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư tự động hóa nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhân công. Chẳng hạn Công ty Wako Seishi đã chi hơn 80 triệu yen để nâng cấp dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, chi phí vận hành cao khiến họ khó tăng lương để giữ chân người lao động.

Tại Công ty Toyo Tokushi - một nhà sản xuất bỉm người lớn tại Ino, Giám đốc Kei Moriki đang cân nhắc tuyển dụng học sinh tốt nghiệp trung học - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử công ty - nhằm giải quyết bài toán thiếu nhân lực. Tuy vậy, ông lo ngại không có đủ nguồn lực để đào tạo lao động trẻ chưa có kinh nghiệm.

Kashiki Seishi, một nhà sản xuất giấy washi thủ công lâu đời tại Ino, từng phụ thuộc vào nguồn cung nhân lực từ nông dân địa phương. Tuy nhiên, số lượng nông dân giảm mạnh khiến công ty phải dựa vào lao động tình nguyện.

"Nếu không có sự thay đổi, trong 10 năm tới có thể sẽ không còn ai làm công việc này", giám đốc của Kashiki Seishi, ông Hiromasa Hamada, bày tỏ.

Công ty nghiên cứu Teikoku Databank cho biết chỉ trong nửa đầu năm 2024, số lượng công ty phá sản do thiếu lao động đạt mức kỷ lục 182, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Takayasu Otomo, nhà nghiên cứu tại Teikoku Databank, cho biết hiện tượng này có thể gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và dẫn đến "một làn sóng phá sản hoặc sáp nhập".

Tổng số vụ phá sản dự kiến vượt con số 10.000 trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2013, theo dữ liệu từ Tokyo Shoko Research.

Trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng, Nhật Bản cần một chiến lược toàn diện hơn để duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp nhỏ, bảo vệ những ngành nghề truyền thống và đảm bảo tương lai cho các thị trấn nông thôn khỏi nguy cơ bị mai một.

Tác giả: Công Khải

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP