Giáo dục

Thi tuyển hiệu trưởng: Người trẻ không còn phải chờ 'ghế trống'

“Lâu nay việc bổ nhiệm chức vụ, vị trí vẫn làm theo kiểu cũ, thông qua giới thiệu, quy hoạch và chờ “ghế trống”, hiệu trưởng về hưu. Nay thi tuyển là việc hoàn toàn mới mẻ, tôi tham gia với tâm thế khá e dè, hoài nghi”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình, Hà Nội) Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ.

Chị vừa vượt qua các ứng viên khác trong đợt thi tuyển chức danh hiệu trưởng để trở thành nhà quản lý cơ sở giáo dục khi tuổi còn trẻ. Chị có tự tin về vai trò mới của mình?

Trưởng Phòng tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội Kiều Văn Minh cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên thành phố phê duyệt đề án thi tuyển chức danh hiệu trưởng. Việc tổ chức được đánh giá bài bản, chặt chẽ đảm bảo công bằng, khách quan cho ứng viên. Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận nói: “Cô Nguyễn Thị Thanh Hương hiện là hiệu trưởng trẻ nhất và là người giỏi chuyên môn, nhiều thành tích như: giáo viên giỏi cấp thành phố năm 2015-2016; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm; nhà giáo tâm huyết sáng tạo…”.

Thú thật, khi nhận được thông báo kế hoạch thi tuyển hiệu trưởng công khai của UBND quận Ba Đình, tôi chưa tự tin cho lắm dù đã ở vị trí phó hiệu trưởng một trường mầm non công lập khác. Các tiêu chuẩn tôi đủ cả nên nghĩ mình nên thử sức. Tuy nhiên, lâu nay việc bổ nhiệm chức vụ, vị trí vẫn làm theo kiểu cũ, thông qua giới thiệu, quy hoạch và chờ “ghế trống”, hiệu trưởng về hưu. Nay thi tuyển là việc hoàn toàn mới mẻ, tôi tham gia với tâm thế khá e dè, hoài nghi. Đợt đó, có 4 ứng viên trong đó có 3 người sinh năm 77, 78, tôi ít tuổi nhất (sinh năm 1985). Thật bất ngờ, cuối cùng tôi lại thi đỗ và về quản lý trường từ đầu tháng 7/2022 đến nay. Tôi không phải quá trẻ nhưng cảm thấy rất vui và tự tin để triển khai các ý tưởng, kế hoạch của mình.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai và học sinh. Ảnh: Quỳnh Anh

Chị đã thuyết phục Hội đồng giám khảo ra sao để vượt qua các ứng viên khi đó đều là phó hiệu trưởng dày dặn kinh nghiệm quản lý hơn mình?

Quy trình thi tuyển, ứng viên phải trải qua 2 vòng gồm lý thuyết về kiến thức chung; viết đề án và trả lời câu hỏi của Hội đồng giám khảo. Có 4 phó hiệu trưởng cùng ứng tuyển, tuy nhiên mỗi người thuyết trình và bảo vệ đề án độc lập.

Khi xây dựng đề án, tôi đã rất tâm huyết đặt mình ở vai trò giáo viên, học sinh và phụ huynh mong muốn điều gì ở trường học để đưa ra 3 nhóm giải pháp. Ví dụ ở vai giáo viên, khi còn trẻ, mình thường có tâm lý sợ hiệu trưởng, khó tiếp cận, ngại đề xuất, chia sẻ ý tưởng mới. Từ thực tế đó, tôi nghĩ phải làm gì để giữa giáo viên, quản lý nhà trường không có khoảng cách. Đồng hành để họ không thấy đơn độc trong công việc nhiều áp lực, vất vả nhưng cơ chế đãi ngộ còn khó khăn. Ngoài những quy định cứng phải thực hiện, hiệu trưởng được quyền gì có thể làm cho đội ngũ tốt hơn thì nên làm ngay. Đơn giản như, cô giáo phải có được tâm lý thoải mái, hạnh phúc thì trẻ mới hạnh phúc.

Là hiệu trưởng đến nay tròn 3 tháng, chị thực hiện cam kết như trong đề án như thế nào?

Tôi đã công khai số điện thoại và kết bạn với gần 500 phụ huynh có con đang theo học ở trường để họ có thể thoải mái nhắn tin, gọi điện khi cần. Họ trao đổi đủ chuyện, từ thực phẩm nhập ở đâu, nấu thế nào, ăn ra sao, con học những gì... Trừ những ngày đi họp, mỗi sáng từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 15, tôi đứng ở cổng trường để chào đón học sinh đi học và phụ huynh có thể dễ dàng gặp để trao đổi thông tin. Nhiều người vẫn hoài nghi, đặt câu hỏi sau này tôi có đủ năng lượng để theo những việc như hiện nay nhưng tôi nghĩ rằng, nếu làm việc gì bằng tâm huyết thì không thấy mệt.

Tôi cho rằng, quản lý không có cách nào khác là bám lớp, giám sát chặt chẽ. Ở phòng có trang bị camera đến từng lớp, nhà bếp, cổng trường nhưng mình không thể ngồi đó nhìn cả ngày. Tôi hay đến từng lớp, bếp ăn để xem giáo viên, nhân viên làm việc, hỏi han trẻ, phụ huynh ngày hôm nay thế nào. Điều quan trọng nhất là phải giúp giáo viên quản lý được cảm xúc tiêu cực bằng các buổi trò chuyện, tập huấn bởi chuyên gia.

Tôi nói với giáo viên, dạy trẻ nhỏ không tránh khỏi chuyện trẻ xây xát một chút, cần chủ động trao đổi với phụ huynh. Nếu khó quá, để hiệu trưởng trao đổi, không để mâu thuẫn của việc nhỏ lên cao.

Giáo viên mầm non là nghề vất vả, bản thân chị và giáo viên trong trường có trăn trở khi làm nghề không?

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư năm 2007 loại xuất sắc về một trường mầm non, tháng lương đầu tiên tôi nhận là 917.000 đồng. Tôi vẫn nhớ như in đồng lương đầu tiên đó đã phải tính toán rất lâu mới có thể mua gì, biếu bố mẹ ra sao. Đến nay, sau 15 năm có cả thâm niên nghề và ở vị trí đứng đầu một trường học mức lương của tôi đúng 7.160.000 đồng.

Nói một cách thẳng thắn, mức lương này không đủ để trang trải cuộc sống. Có cô giáo nhà xa tận Sơn Tây, mỗi ngày đi về 60 cây số. Cô làm việc nhiệt huyết, chưa từng đi chậm một hôm nhưng mức lương 3,7 triệu đồng. Giáo viên mầm non không được dạy thêm, không có nguồn thu nào khác.

Nhìn các cô vất vả gần 10 tiếng/ngày ở trường, ở lớp nhưng thu nhập chưa tương xứng, tôi trăn trở rất nhiều. Mỗi lần họp với các cấp quản lý, tôi đều có ý kiến phải có chế độ tốt hơn cho giáo viên, nếu không họ nghỉ việc nhiều sẽ thiếu người đứng lớp. Thực tế, hiện nay sinh viên ra trường đi làm ở các cơ sở ngoài công lập đã có mức lương tốt hơn rất nhiều.

Cảm ơn chị.

Tác giả: Hà Linh (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP