Giáo dục

Thi THPT quốc gia: “Không phải xử anh Lương, anh Hoài là xong chuyện”

Trao đổi với VietNamNet chiều 28/7, TS Lê Viết Khuyến (nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT) cho rằng khi nào hình thành được văn hoá chất lượng, hệ thống kiểm định của cả hệ thống tốt thì hãy nói đến chuyện bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Còn nếu duy trì thì phải để cho kỳ thi đi đúng thực chất, chứ hiện nay vẫn định hướng theo “bệnh thành tích”.

Phóng viên: Sự việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La làm gợi nhớ lại kết quả thi tốt nghiệp từ thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, trong đó có những tỉnh như Tuyên Quang tỷ lệ tốt nghiệp chỉ có 14%, hay những tiêu cực thi cử như Đồi Ngô, Bạc Liêu… Ông có cho rằng việc phanh phui tiêu cực của năm nay chính là tiền đề để làm mạnh hơn câu chuyện chống bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục mà trước kia đã từng chạm đến?

TS Lê Viết Khuyến: Ngay từ đầu khi tiêu cực năm nay được phanh phui, tôi đã nói là phải làm quyết liệt, không có vùng cấm.

Cho nên, chúng ta không nên dừng lại ở những người tham gia trực tiếp vào tiêu cực, mà phải tìm ra được những kẻ đồng loã, phá đi những tiêu cực mang tính chất tổ chức.

Theo ông, khi phân quyền tổ chức thi THPT quốc gia tới địa phương, lãnh đạo ở đó cần có trách nhiệm như thế nào?

Ở đây nói đến chuyện trách nhiệm thuộc về ai, thì thực tế trách nhiệm là của cả hệ thống.

Khi rà soát thì phải rà soát từng khâu một để làm rõ vấn đề ở đâu và cuối cùng quy trách nhiệm ở chỗ nào.

Đứng ở phía Bộ GD-ĐT, đây là cơ quan phải chịu trách nhiệm chung trước xã hội về tất cả những gì xảy ra trong lĩnh vực giáo dục. Nếu nhìn ở góc độ chung đó, bao giờ người đứng đầu ngành cũng nên có lời xin lỗi nhân dân, học sinh, phụ huynh, sau đó mới quy trách nhiệm cụ thể từng khâu một.

Còn về trách nhiệm của địa phương, một trong những đề xuất của tôi và của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội) mà tôi là thành viên, là giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương.

Khi đã phân cấp cho địa phương về việc tổ chức kỳ thi thì người đứng đầu địa phương – tức Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước người dân, trước Chính phủ về những tiêu cực xảy ra trong địa bàn của mình.

Khi đã quy trách nhiệm như thế, thì ông Chủ tịch UBND sẽ huy động bộ máy của mình để làm tốt công tác tuyển sinh.

Còn các bộ phận bên dưới sẽ chịu trách nhiệm với người đứng đầu tỉnh, chứ không phải chỉ xử anh Lương, anh Hoài là xong.

Được và chưa được của kỳ thi

- Có ý kiến bình luận về sự việc ở Hà Giang, Sơn La giống như câu chuyện “tái ông thất mã”: Khi tiêu cực bị phanh phui mới nhìn thấy lỗ hổng ở nhiều khâu, từ trung ương tới địa phương. Và chuyện “Tái ông” lại chính là cơ hội để chúng ta tiếp tục làm trong sạch giáo dục?

Tôi không muốn nhìn cực đoan về một phía, mà muốn phân tích cả 2 mặt của kỳ thi năm nay.

Kỳ thi năm nay so với các năm trước đây có những cái được và chưa được.

Cái được thứ nhất là thí sinh thi tại địa phương, giảm tốn kém cho Nhà nước và cho chính gia đình các em. Tôi nghĩ đó là thành công lớn nhất của phương án tuyển sinh này.

Cái được thứ 2 là khâu làm đề tốt hơn các năm trước, biểu hiện cụ thể ở phổ điểm các môn tương đối chuẩn (hình chuông dốc đều về 2 bên), trừ môn Toán, tiếng Anh, Giáo dục công dân. Những năm trước, phổ điểm rất méo mó.

Thứ ba là tiêu cực giảm. Trước kia chúng ta có những Đồi Ngô, những cảnh tượng phao thi trắng xoá sân trường… Bây giờ thi 9 môn thì 8 môn trắc nghiệm khách quan, dùng cách hoán vị câu hỏi nên loại hẳn tiêu cực mà trước đây tràn ngập.

TS Lê Viết Khuyến

Thứ tư là kỳ thi năm nay và một vài năm trước bắt đầu chấp nhận sự công khai hoá. Những năm trước hay vài chục năm trước, người ta có thể xầm xì về tiêu cực ở đây ở kia nhưng không có chứng cớ phát hiện. Khi Bộ GD-ĐT chấp nhận công bố phổ điểm, cung cấp dữ liệu để có thể làm phổ điểm từng tỉnh, nhờ đó mà các chuyên gia có thể chỉ ra điểm bất thường sau vài tiếng. Các năm trước không phải không có tiêu cực, mà không có cơ sở để phát hiện ra.

Còn những điểm chưa đạt của kỳ thi, tôi có thể kể ra đây.

Thứ nhất là khâu đề thi vẫn phải tiếp tục hoàn thiện hơn về kỹ năng soạn đề.

Một nửa nội dung đề thi phải phù hợp với chuẩn đầu ra của môn học đó về mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ tối thiểu cần đạt được – tức là phải đạt điểm 5 trở lên mới được công nhận là đỗ tốt nghiệp.

Theo thang điểm của EU cũng phải đạt từ mức tương đương điểm 5 trở lên mới là đạt. Một bài thi 1,5 điểm mà vẫn đạt yêu cầu tốt nghiệp là không được.

Quan điểm đạt tốt nghiệp bây giờ “rất láo nháo” khi cộng cả điểm học bạ, bởi vì trong bối cảnh chạy theo thành tích như ở ta thì bằng cách nào đó, người ta có thể nâng điểm được hết.

Một số nước họ làm được cách xét tốt nghiệp theo kết quả học tập vì họ có hệ thống kiểm định nhà trường tốt.

Điểm trừ thứ 2 là từ trước đến nay, ta chỉ chú ý đến tiêu cực ở người thi, sự thiếu trách nhiệm của người chấm. Có một điều trước đây ta không nói tới là tiêu cực về mặt tổ chức như kỳ thi năm nay.

Tiêu cực về mặt “tổ chức” ở những năm trước mới ở mức độ “xì xầm”, còn năm nay đã “bắt” được cái tiêu cực.

Thứ 3 là kỳ thi năm nay vẫn chưa làm được 2 đề xuất của Hiệp hội, đó là giao cho trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương và tăng cường giám sát xã hội.

Lâu nay, ta giám sát nội bộ, cái gì cũng bí mật, khép kín. Khi có tiêu cực, giám sát nội bộ không có ý nghĩa gì.

Theo ông, sắp tới kỳ thi THPT quốc gia nên tiếp tục thế nào?

Nếu như chủ trương sai thì dứt khoát phải bỏ, nhưng nếu chủ trương đúng mà trong quá trình thực hiện gặp trục trặc này khác có thể do nguyên nhân chủ quan của từng phía hay nguyên nhân khách quan thì phải phân tích rõ, khắc phục những trục trặc đó để chủ trương vẫn tiếp tục để theo hướng ngày một hoàn thiện hơn.

Nhân chuyện này, có những chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học đặt vấn đề: có nên giữ lại "kỳ thi 2 trong 1", có nên tách 2 kỳ thi như trước đây, có nên giao coi thi và chấm thi cho trường đại học, hay giao việc xét tốt nghiệp cho địa phương… Rất nhiều ý kiến khác nhau.

Báo chí và một số người vẫn hay gọi là kỳ thi “2 trong 1”. Nhưng trên thực tế, theo tinh thần của Nghị quyết 29, đề án thiết kế lại chỉ còn một kỳ thi quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn việc tuyển sinh ĐH, CĐ, theo điều 34 của Luật Giáo dục Đại học, là công việc của các trường.

Các trường được quyền tự chủ tuyển sinh, không ai bắt buộc các trường phải dùng kết quả của kỳ thi này.

Để giải quyết bài toán tốn kém, theo tôi, các trường tốp trên hoặc những ngành “hot” nên sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia như vòng sơ tuyển để loại bớt thí sinh. Vòng thứ 2 sẽ do trường tự ra đề, tự chấm. Như vậy thay vì phải tổ chức thi cho 1 vạn thí sinh để chọn ra 100 em, trường chỉ phải tổ chức thi cho 1.000 em để chọn ra 100 em. Nhiều nước trên thế giới người ta cũng làm theo cách thức này.

Người ta nói bỏ kỳ thi tốt nghiệp và giao cho địa phương tự công nhận, như tôi phân tích, đây vẫn phải là kỳ thi quốc gia.

Ở ta, bệnh thành tích rất lớn, nếu làm như thế thì làm sao có được chất lượng giáo dục phổ thông cho tốt. Nếu giáo dục phổ thông không tốt thì làm sao có chất lượng giáo dục đại học tốt. Nên đề xuất nói bỏ thi tốt nghiệp là không ổn.

Vậy khi nào thì bỏ được? Khi mà chúng ta hình thành được văn hoá chất lượng, hệ thống kiểm định của cả hệ thống tốt. Lúc đó hãy nói đến chuyện bỏ kỳ thi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp phải đi đúng thực chất – tức đạt từ 5 điểm trở lên mỗi môn thi.

Hiện nay, cũng vẫn là định hướng theo bệnh thành tích khi hơn 90% tốt nghiệp. Dư luận lại càng có cớ “thế thì làm sao phải thi”.

Đề xuất nữa là giao cho trường đại học coi thi và chấm thi. Phương án này rất tốn kém và chắc đâu trường đại học đã không có tiêu cực? Tôi thấy những đề xuất đó không phù hợp.

Với kinh nghiệm làm công tác quản lý giáo dục đại học 19 năm của tôi, trong công tác tuyển sinh đại học cũng như thi tốt nghiệp phổ thông, tôi chứng kiến những đề xuất, chủ trương rất đúng nhưng quá mới mẻ. Xã hội chưa hiểu rõ được những chủ trương ấy. Ý kiến từ phía xã hội là đương nhiên sẽ có. Nhưng nếu ý kiến mạnh quá mà không thật khách quan thì có thể tạo ra áp lực, làm cho tư lệnh ngành có thể chao đảo và từ bỏ chủ trương đó vì áp lực.

Nhưng sau đó có thể 5-10 năm, người ta lại nhìn nhận lại tại sao không kiên định, tại sao lại bỏ chủ trương đó đi để giáo dục đại học chỉ dừng lại ở đó. Đã làm một lần mà bị bác đi rồi thì quay lại sẽ có những nghi ngại.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Nguyễn Thảo (Thực hiện)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP