Giáo dục

Thí sinh, phụ huynh bối rối với xét tuyển sớm, chuyên gia khuyên gì?

Tính đến ngày 20-5, đã có hơn 20 trường đại học, học viện công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: N.TRẦN

Sau khi nhận kết quả trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học, nhiều thí sinh, phụ huynh vẫn đang băn khoăn phải sử dụng kết quả này sao cho hiệu quả.

Phụ huynh lo lắng khi đăng ký xét tuyển sớm

Chị Nguyễn Ngọc Anh (Ninh Bình) thắc mắc: Nếu con tôi đăng ký hai phương thức xét tuyển sớm (phương thức 1 và 2) của Trường ĐH Ngoại thương và đều trúng tuyển ở nguyện vọng 3 của từng phương thức. Nhưng ở phương thức 1 là nguyện vọng 3 ngành quản trị kinh doanh hệ chuẩn và phương thức 2 nguyện vọng 3 là kinh tế đối ngoại hệ chất lượng cao thì nhà trường sẽ cho thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào?

Chị Lưu Thị Hoa (Bắc Ninh) cũng cho biết gia đình đang tính toán cho con đăng ký xét tuyển sớm ngành truyền thông và ngành luật. Thế nhưng chị đang thắc mắc theo quy chế xét tuyển sớm con có được đăng ký xét tuyển nhiều ngành ở cùng một trường được không, hay mỗi trường chỉ được xét tuyển sớm tối đa 1 ngành?

Chị Nguyễn Thị Giang (Quảng Ninh) cho biết con vừa nhận thông báo trúng tuyển ngành luật của Trường đại học Luật Hà Nội bằng phương thức xét tuyển sớm dựa vào xét học bạ THPT. Tuy nhiên, chị Giang cho hay ngành học vừa trúng tuyển vẫn chưa phải nguyện vọng yêu thích nhất của con.

"Con tôi đang muốn lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thêm vào ngành báo chí và sẽ đặt ở nguyện vọng 1. Tôi đang băn khoăn khi ngành luật của Trường đại học Luật Hà Nội đã trúng tuyển sớm xuống nguyện vọng 2, liệu khi nguyện vọng 1 bị trượt thì nguyện vọng 2 này có được xét tuyển công bằng như những thí sinh đã đặt ngành trúng tuyển sớm ở nguyện vọng 1 hay không?" - chị Giang nói.

Tương tự, ông Đỗ Văn Nam (Hà Nội) băn khoăn: "Con tôi đã trúng tuyển sớm qua hình thức xét tuyển học bạ vào ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải.

Thế nhưng gia đình đang chờ cháu thi tốt nghiệp THPT lấy kết quả xét tuyển thêm vào ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông của các trường Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ...

Vậy cháu phải đăng ký nguyện vọng như thế nào phòng trường hợp cả ba nguyện vọng trên đều không trúng tuyển thì vẫn giữ được trường đã trúng tuyển sớm?".

Làm sao tăng cơ hội trúng tuyển?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - cho biết khi thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển sớm (có điều kiện) vào các nguyện vọng xét tuyển sớm của các trường thì đây chưa phải là kết quả trúng tuyển chính thức.

Theo đó, thí sinh sau khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm của các trường sẽ phải nhập nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký thì mới hợp lệ.

Trước thắc mắc về thứ tự nguyện vọng xét tuyển sớm đặt càng cao có càng được ưu tiên, bà Thủy khẳng định mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng. Những vị trí còn lại sẽ dành cho thí sinh khác. Đây là cách hệ thống lọc đi số lượng thí sinh ảo và dành vị trí cho các thí sinh khác xếp hàng sau. Do vậy nếu thí sinh muốn nhập học trường nào đầu tiên thì đặt tên ngành và trường lên nguyện vọng số 1.

"Nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm và đăng ký ngành và trường trúng tuyển sớm nguyện vọng 1 lên hệ thống của bộ thì chắc chắn sẽ đỗ. Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau.

Nếu các ngành thí sinh thích không đủ điều kiện trúng tuyển thì hệ thống sẽ vẫn xét đến ngành các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm (theo quy định của các trường)", bà Thủy cho biết.

Bà Thủy lưu ý thí sinh khi đăng ký nguyện vọng lên hệ thống đăng ký xét tuyển của bộ, chỉ cần lựa chọn ngành, trường, không cần lựa chọn phương thức xét tuyển. Hệ thống sẽ sử dụng tất cả những dữ liệu thí sinh đang có để xét tuyển cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất.

Do vậy, thí sinh cần nhớ phải cập nhật lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT tất cả những dữ liệu có thể phục vụ việc xét tuyển như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ GD-ĐT ban hành.

Để hạn chế rủi ro trong xét tuyển, bà Thủy nhắc thí sinh phải có chiến thuật sắp xếp các nguyện vọng của mình. Theo bà Thủy, việc thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng nên "đừng bỏ hết trứng vào một giỏ", không dồn tất cả các nguyện vọng vào các trường top đầu, ngành "hot" cạnh tranh cao.

Tránh trượt oan

Bà Thủy cho biết tất cả các khâu của quá trình tuyển sinh đều thực hiện trực tuyến, do đó thí sinh không được bỏ lỡ bất cứ một mốc thời gian quan trọng nào.

Theo đó để không trượt oan, nếu thí sinh đã trúng tuyển phương thức xét tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực, hoặc có điểm thi THPT quốc gia, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của bộ từ ngày 18 đến 30-7. Sau khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh phải xác nhận đăng ký nguyện vọng trên điện thoại của mình.

Đặc biệt, nếu thí sinh không xác nhận nhập học sau khi trúng tuyển đúng thời gian cũng có thể sẽ trượt đại học. "Hệ thống xét tuyển vận hành và sẽ không chờ đợi bất cứ một vài cá nhân nào, do vậy thí sinh cần hết sức lưu ý để thao tác đúng thời gian để tránh trượt oan", bà Thủy nói.

Mỗi trường chỉ trúng tuyển một chương trình đào tạo

Giải đáp thắc mắc từ phụ huynh, TS Vũ Thị Hiền - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Ngoại thương - cho biết thí sinh có thể trúng tuyển sớm ở nhiều trường khác nhau, nhưng với mỗi trường chỉ được xác định trúng tuyển vào một chương trình đào tạo.

"Với các nguyện vọng thí sinh đều đáp ứng vượt ngưỡng điểm trúng tuyển thì nguyện vọng nào thí sinh xếp trước sẽ được xác định là trúng tuyển" - TS Hiền nói.

Tác giả: NGUYÊN BẢO

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP