Giáo dục

Thầy giáo dạy Địa lý quên học trò vì 'người thứ 3'

Vấn đề trong lớp học của thầy giáo dạy địa là quá chú ý tới "người thứ 3" mà quên mất học trò của mình.

Tham gia chương trình truyền hình thực tế "Thầy cô chúng ta đã thay đổi” của VTV7, thầy giáo Hà Văn Thắng, giáo viên dạy Địa lý Trường Trung học thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM đặt mục tiêu cho mình, đó là xây dựng một lớp học hạnh phúc, vui vẻ cho học trò và mong muốn được học trò yêu quý.

Khác với phần đông giáo viên khác, thầy giáo Thắng có một ưu điểm lớn, đó là ứng dụng công nghệ tốt vào lớp học của mình. Thầy thường xuyên tổ chức các trò chơi, hoạt động nhóm giúp tiết học sôi nổi, sinh động và không khí thoải mái.

Trong mắt học trò, thầy là một giáo viên đầy nhiệt huyết, năng động, trẻ trung, tận tâm và sáng tạo.

Tuy nhiên, trong các tiết học, thầy quá chăm chú vào chiếc máy tính, thiếu sự giao tiếp, thể hiện cảm xúc giữa thầy và trò.

Thầy liên tục trình chiếu các clip, chú ý vào máy móc. Đôi khi thầy giảng nhanh khiến các em không ghi kịp, cảm thấy mệt khi phải di chuyển quá nhiều trong lớp học. Thậm chí, có học sinh buồn ngủ, ngủ gật, thầy cũng không nhận ra. Đặc biệt, sự kết nối giữa thầy Thắng và học trò thiếu cởi mở, tạo ra khoảng cách với học trò.

Thầy giáo Hà Văn Thắng, giáo viên dạy Địa lý Trường Trung học thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM

Các cố vấn của chương trình nhận xét rằng, thầy Thắng đang dành quá nhiều thời gian cho công nghệ trong lớp học và gọi đây là “người thứ 3” trong mối quan hệ thầy trò.

Bản thân thầy Thắng cũng nhận ra yếu điểm này của mình. Thầy chia sẻ: “Nhiều khi tôi cảm thấy ngượng, không muốn để lộ cảm xúc của mình ra nên không dám nhìn trực diện vào các em”.

Chương trình đặt ra một nhiệm vụ cho thầy Thắng: hoàn thành một tiết học không sử dụng công nghệ.

Thầy giáo dạy Địa lý bắt đầu tìm những cách thức khác để điều hướng lớp học của mình mà không cần tới máy vi tính hay máy chiếu. Thầy tổ chức trò chơi theo nhóm, thầy đi xuống trò chuyện, trao đổi với học sinh. Những tiếng cười dần xuất hiện mà không cần sự xuất hiện của công nghệ.

ThS. Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội chia sẻ: “Khi thầy quá yêu công nghệ, thầy sẽ không còn thời gian để thể hiện tình yêu với học trò, và như thế thì rất khó để học trò cũng yêu thầy và cảm nhận được những tâm huyết mà thầy dành cho các em”.

Mở rộng từ nhiệm vụ 1, nhiệm vụ thứ 2 dành cho thầy Thắng là “kết nối cảm xúc thầy và trò”.

Trăn trở với nhiệm vụ này mỗi ngày, thầy Thắng đã chủ động trao đổi, trò chuyện với các em nhiều hơn. Thầy cũng tham gia vào các trò chơi cùng học trò, chứ không còn đứng ngoài như trước nữa. Thầy giáo trẻ đã biết tặng cho học trò những món quà dễ thương sau mỗi câu trả lời đúng. Hình ảnh của thầy dần thay đổi trong mắt các em. Thầy trở nên dễ thương hơn, cười nhiều hơn, quan tâm tới các em nhiều hơn.

Đặc biệt, sau khóa học về kỹ năng sống và giá trị sống dành cho các giáo viên, thầy thực sự cảm thấy mãn nguyện vì đã nhận ra những giá trị của bản thân và biết rằng những giá trị đó cần phải được thể hiện và truyền tải tới các em.

“Lâu nay tôi vẫn làm nhưng làm không rõ, hiểu không đúng. Từ trước tới giờ tôi chỉ suy nghĩ đến nội dung dạy, chứ chưa suy nghĩ học sinh sẽ có cảm xúc như thế nào trước những thông tin được tiếp nhận và trước những hành động của mình”.

Thầy Thắng cho biết, những thay đổi trong suốt thời gian tham gia chương trình thực sự là bước ngoặt trong cuộc đời đi dạy của thầy. Từ trước tới nay, thầy vẫn theo đuổi hình mẫu người giáo viên quá hình tượng, chỉn chu, nghiêm túc, bởi thầy không chỉ là giáo viên phổ thông, mà còn là giảng viên giảng dạy cho các sinh viên sư phạm. “Sau chương trình, mình thấy nhận thức của mình không còn hợp lý trong bối cảnh này nữa. Mình rất vui khi nhận ra điều đó”.

Thầy giáo trẻ cam kết sẽ tiếp tục thay đổi bản thân để mang lại những bài học hay nhất, bổ ích và vui nhất tới học trò của mình.

Tác giả: Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP