Trong nước

Thanh Hóa: Tái chế dầu diezen không phép bán cho các đại lý

Xưởng tái chế dầu diezen ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) hoạt động từ nhiều năm nay mà không gặp sự can thiệp nào của các cơ quan chức năng.



Đi theo con đường đất đỏ, dốc quanh co, nằm sâu trong vùng đồi núi của xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), chúng tôi bất ngờ trước cảnh tượng xưởng tái chế dầu diezen không phép hoạt động tại địa bàn.

Con đường quanh co dẫn vào xưởng tái chế, chưng cất dầu diezen không có giấy phép.

Nằm trong vùng đồi núi sâu, xưởng tái chế dầu trở thành nơi "nội bất xuất, ngoại bất nhập", được bảo vệ nghiêm ngặt. Chỉ cần có người lạ lai vãng gần nơi xưởng hoạt động, lập tức những bảo vệ, người làm ở đây sẽ can thiệp ngay.

Trong công xưởng này có hàng chục công nhân làm việc; còn ở khuôn viên xưởng chế biến, hàng trăm thùng phuy, bể chứa chất đống. Ngay đối diện cổng vào là lò đốt với 3 ống khói chọc thẳng lên trời.

Xưởng nằm sâu trong vùng đồi núi.

Hàng ngày, những chiếc xe ô tô chở các thùng phuy, can dầu thải được thu mua từ các cảng biển, gara ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An... về nhà xưởng. Việc tái chế, chưng cất dầu thải diễn ra vào ban đêm.

Quá trình chưng cất sẽ cho ra lò một loại dầu mới giống như các loại dầu thông thường được bán ngoài thị trường.

Lò chưng cất, tái chế dầu thải.

Hàng nghìn lít dầu sau khi tái chế đã được vận chuyển đi khắp địa bàn và sang Nghệ An.

Theo tìm hiểu, cơ sở này đã mua dầu thải tại các cảng cá, gara ô tô với giá rất rẻ, khoảng 50.000 đồng/can 20 lít. Sau khi chưng cất, tái chế tại đây, loại dầu mới này được bán với giá chỉ khoảng một nửa giá thị trường, tức khoảng 7.000 đồng/lít.

Sau khi thu mua về, số dầu này sẽ được các cơ sở kinh doanh xăng dầu pha lẫn với các loại dầu thông thường để bán ra thị trường.

Ông Dương Văn Trường, chủ xưởng cho hay: “Xưởng chúng tôi chỉ là cơ sở tái chế nhỏ. Những năm gần đây, giá dầu xuống nên việc sản xuất và kinh doanh dầu tái chế cũng gặp nhiều khó khăn. Không phải là một xưởng tái chế quy mô lớn và công nghệ hiện đại, giờ mà làm giấy phép mất hàng tỷ đồng thì sao mà chịu nổi”.

Thùng phuy và tẹc chứa dầu.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Lê Đức Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia cho biết, xưởng tái chế của anh Dương Văn Trường đã hoạt động từ lâu. Chính quyền địa phương chỉ biết là không có phép. Việc xử lý như thế nào thì lại thuộc quyền của các cơ quan chức năng cấp trên. Xưởng hoạt động từ năm 2012 đến nay.

Một người dân địa phương cho biết: "Ngay sau khi xưởng tái chế dầu mọc lên, chúng tôi đã phản ánh với chính quyền địa phương nhưng rồi đâu cũng vào đó. Họ tái chế dầu, ống khói nghi ngút, bốc mùi rất khó chịu. Dầu tái chế còn chảy tràn ra các khe suối, ngấm vào đất, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường".

Các vật dụng liên quan đến việc tái chế và chưng cất dầu thải.

Đáng nói cuối năm 2015, xưởng tái chế này đã xảy ra vụ cháy lớn. Lực lượng PCCC đã phải huy động 4 xe cứu hỏa để dập tắt vụ hỏa hoạn. Thế nhưng, sau đó, xưởng tái chế này vẫn quay lại hoạt động bình thường.
Việc tái chế, chưng cất đã diễn ra từ lâu nhưng không gặp bất cứ sự can thiệp của các cơ quan chức năng.

Được biết, xưởng tái chế dầu do ông Trường làm chủ từng hoạt động tại xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nhưng sau khi bị lực lượng chức năng tỉnh và C49 – Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện và xử lý thì cơ sở đã bị tháo dỡ và ngừng hoạt động.

Không lâu sau, xưởng tái chế dầu lại mọc lên ngay vùng đồi núi của xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia.

Tác giả bài viết: GIÁP TUẤN – QUỐC HOÀN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP