Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc được sáng tác trước năm 1975. Trước vấn đề này, nhạc sĩ Thụy Kha đã có những chia sẻ với phóng viên VTC News.
Hai ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương là "Rừng xưa" và "Chuyện buồn ngày xuân" vừa bị Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định tạm dừng lưu hành.
- Thưa nhạc sĩ Thụy Kha, quan điểm của ông thế nào về việc mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc gồm: "Cánh thiệp đầu xuân" (Lê Dinh - Minh Kỳ), "Rừng xưa" (Lam Phương), "Chuyện buồn ngày xuân" (Lam Phương), "Đừng gọi anh bằng chú" (Diên An) và "Con đường xưa em đi" (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương)?
Trước tiên, ta cần phải nói qua về dòng nhạc bolero. Đây có thể coi là thành tựu Việt hóa của người Nam Bộ. Từ một điệu cung đình, sang trọng của châu Âu, người Nam Bộ đã sử dụng, biến tấu nó để sáng tác nên những ca khúc bình dân, dễ đi vào lòng người. Chỉ cần hát nhạc bolero, người ta đã biết đó là người Việt Nam rồi. Không đâu trên thế giới có dòng nhạc này.
Còn các tác giả nêu trên đều có những sáng tác đã được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Lam Phương được không ít người mệnh danh là "ông vua nhạc bolero", Minh Kỳ nổi tiếng với Mưa trên phố Huế, còn bài Trở về của Châu Kỳ cũng nằm trên môi của không ít người yêu nhạc.
Tuy nhiên, việc Cục Nghệ thuật biểu diễn tạm dừng lưu hành 5 tác phẩm trên là đúng và dễ hiểu. Đó là những ca khúc ca ngợi người lính trong chế độ trước năm 1975 - chế độ đã không còn hiện diện. Bất cứ thể chế chính trị nào cũng cần có những chính sách, những biện pháp và công cụ để bảo vệ sự tồn tại của mình.
Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp giấy phép lưu hành cho 8 ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn.
- Có nhiều người cho rằng, làm như thế sẽ gây thiệt thòi cho nền nghệ thuật. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Không có gì gọi là thiệt thòi cho nền nghệ thuật ở đây cả. Bolero có hàng nghìn ca khúc, phần lớn đều khá giống nhau. 5 bài trên không phải là những ca khúc đại diện, tiêu biểu nhất của dòng nhạc này. Các nghệ sĩ không hát bài này thì hát bài khác, không có vấn đề gì cả.
Trước đây, tôi được Cục Nghệ thuật biểu diễn mời lên thẩm định những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Có ý kiến cho rằng, những bài nào có chữ lính không nên được thông qua. Tuy nhiên, tôi đưa ra ý kiến, nếu người lính đó đang chờ hòa bình, đón đợi hòa bình, tại sao phải cấm? Thế nên, ban đầu Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ có ý định cấp phép cho 3 ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, sau đó đã nâng lên 8 ca khúc.
Nói như thế để thấy, chúng ta luôn ghi nhận đóng góp của mọi nhạc sĩ đối với nền âm nhạc nước nhà. Tuy nhiên, việc phổ biến những ca khúc ca ngợi người lính hay chế độ trước năm 1975 là điều cần phải xem xét.
Công chúng đôi khi không biết được những câu chuyện đằng sau các ca khúc đó, còn các ca sĩ, nhiều người có trình độ hạn chế, họ chỉ cần biết bài nào dễ hát, dễ thuộc, dễ nổi tiếng thì thể hiện thôi. Chính vì thế, mới cần đến sự quản lý của các cơ quan có thẩm quyền.
- Thưa ông, hiện có rất nhiều bài hát ca ngợi người lính trong chế độ trước năm 1975 được các ca sĩ biểu diễn trong các show lớn, thậm chí trên cả các chương trình của VTV. Ông nghĩ sao về điều này?
Theo tôi, những ca khúc này, trong một khuôn khổ nào đó, có thể vẫn được cấp phép lưu hành nhưng để xuất hiện trong những chương trình trên TV, nơi công chúng với đầy đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần thì cần phải cân nhắc.
Ngày càng có nhiều chương trình về nhạc bolero trên truyền hình.
- Ông nghĩ sao về sự sống lại một cách mạnh mẽ của dòng nhạc bolero, việc bùng nổ các gameshow về thể loại nhạc này?
Bùng nổ là đúng thôi, bởi bolero là những ca khúc bình dân. Nó rất phù hợp với tâm lý của phần lớn công chúng. Nó giúp họ giãi bày tâm trạng, an ủi họ trong những lúc buồn và dỗ dành người ta trong những lúc chán nản.
- Nhiều người cho rằng, sự bùng nổ của dòng nhạc bolero chứng tỏ sự "xuống cấp" của nhạc Việt. Ông thấy ý kiến này thế nào?
Bolero không đại diện cho âm nhạc Việt Nam. Nó chỉ là một dòng chảy trong nền âm nhạc Việt giống như pop, rock hay dân ca đương đại. Chúng ta không cần phải quá lo lắng về sự phát triển của nó hay đưa ra những nhận định phiến diện như trên.
- Xin cảm ơn ông!
Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết lý do tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trên là do có lời không đúng với bản gốc và có những tác phẩm không đúng tác giả. Trong khi đó, trên truyền thông, trả lời câu hỏi về nội dung, tư tưởng của các ca khúc trên có gì vướng mắc hay không, ông Nguyễn Thu Đông, Trưởng phòng Quản lý băng đĩa (Cục Nghệ thuật biểu diễn), băn khoăn: “Chiến trường anh bước đi là chiến trường nào đây?” (bài Con đường xưa em đi). |
Tác giả bài viết: Thu Giang
Nguồn tin: