Trong nước

Thủ tướng: Không để kéo dài tình trạng ở BOT Cai Lậy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là về công trình BOT Cai Lậy để có đánh giá toàn diện.

Liên quan đến tình trạng căng thẳng tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) phải xả trạm lần 3 vào sáng nay, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có báo cáo tổng hợp về BOT trình Thường trực Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh "đặc biệt là về công trình BOT Cai Lậy, Tiền Giang" để có đánh giá toàn diện.

Thủ tướng nêu rõ không để kéo dài tình trạng này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không để tình trạng ở BOT Cai Lậy kéo dài. Ảnh: VGP.

Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn chiều 1/12, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đang theo dõi sát các diễn biến tại trạm BOT Cai Lậy. Từ chiều 30/11, Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang để lên phương án cho sự việc diễn ra ở địa phương này.

"Trước mắt trạm thu phí sẽ tiếp tục hoạt động. Đây là sự việc phức tạp, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Tiền Giang lên kế hoạch xử lý. Trạm BOT này đã giảm 30% và miễn phí cho người dân sinh sống quanh trạm rồi", vị này nói.

Theo vị này, chiều nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật sẽ báo cáo cụ thể về vụ việc tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.

Người dân tiếp tục dùng tiền lẻ phản đối BOT Cai Lậy. Ảnh: Việt Tường.

'Không vì dân dùng tiền lẻ mà dừng thu phí'

Trả lời Zing.vn, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, khẳng định đã cử một Phó cục trưởng trực tiếp vào làm việc với tỉnh Tiền Giang.

"Quan điểm của Tổng cục là chủ đầu tư vẫn tiếp tục thu phí. Không vì người dân dùng tiền lẻ mà dừng thu. Chúng tôi yêu cầu trạm nếu ùn tắc phải xả trạm", ông Huyện nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ yêu cầu tỉnh Tiền Giang tiếp tục huy động lực lượng chức năng hỗ trợ chủ đầu tư giữ trật tự an ninh tại trạm.

Về việc người dân bức xúc khi UBND tỉnh huy động Cảnh sát cơ động ra trạm để trấn áp, ông Huyện nói rằng đó là việc của tỉnh Tiền Giang.

Người dân dùng heo quay cúng trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Việt Tường.

Bộ Giao thông đề nghị xử nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối

Chiều 1/12, Bộ GTVT phát đi thông cáo báo chí về sự việc xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy.

Theo Bộ GTVT, dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư, tổ chức thu giá dịch vụ từ 0h00 ngày 1/8. Tuy nhiên, do tình hình thu giá dịch vụ tại trạm Cai Lậy mất an ninh trật tự do tài xế dùng tiền lẻ qua trạm, nhà đầu tư phải tạm dừng thu phí từ ngày 14/8.

Để tránh hệ lụy xấu phá vỡ phương án tài chính của dự án, Bộ GTVT phối hợp với tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư hoàn chỉnh các công việc cần thiết. Nhà đầu tư đã giảm giá dịch vụ cho các phương tiện 30%.

Đến 30/11, trạm thu phí này tiếp tục tiến hành thu giá dịch vụ trở lại để hoàn vốn. Nhưng ngay sau khi thu trở lại, nhiều phương tiện vẫn tiếp tục sử dụng tiền lẻ, gây mất an ninh trật tự qua trạm thu giá. Nhà đầu tư phải nhiều lần xả trạm để tránh ùn tắc giao thông và có nguy cơ tiếp tục phải dừng thu giá.

Bộ GTVT đang tích cực phối hợp với Bộ Công an, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức việc thu giá tại trạm để hoàn vốn cho dự án. Các cơ quan có biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự tại trạm thu giá Cai Lậy.

Sau 3 tháng xả trạm, BOT Cai Lậy thu phí trở lại vào sáng 30/11 và tiếp tục vấp phải sự phản đối của các chủ phương tiện và người dân.

Hai ngày liên tiếp, các chủ phương tiện dùng tiền lẻ mệnh giá 100 đồng, 200 đồng, tiền xu để trả phí. Trong ngày 30/11 và 1/12, trạm BOT này đã phải xả trạm 6 lần.

Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 1/8. Sau hai tuần hoạt động, ngày 15/8, BOT Cai Lậy cho xả trạm, ngừng thu phí. Các tài xế cho rằng trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 là không hợp lý, mức phí quá cao nên phản đối bằng cách đưa tiền lẻ, gây kẹt xe, buộc chủ đầu tư phải nhiều lần phải xả trạm.

Sau đó, Bộ GTVT đã họp, thống nhất giảm giá vé cho tất cả các phương tiện. Cụ thể, mức phí thấp nhất với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 25.000 đồng/lượt (trước 35.000 đồng), mức cao nhất 140.000 đồng (trước 180.000 đồng) với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe đầu kéo container trên 40 feet.

Theo chủ đầu tư, mức phí sẽ giảm 30% so với trước đây. Người dân tại 4 xã, gồm Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An (huyện Cai Lậy) được miễn phí qua trạm nếu như không kinh doanh vận tải.

BOT Cai Lậy vang tiếng còi xe lúc nửa đêm 1h sáng, dòng xe kẹt cứng ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), tiếng còi xe rền vang trong khi tài xế tiếp tục dùng tiền lẻ để trả phí.

BOT

BOT là viết tắt của tiếng Anh "Build-Operate-Transfer", có nghĩa: Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao. Chính phủ có thể kêu gọi các công ty bỏ vốn xây dựng trước thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian và sau cùng là chuyển giao lại cho nhà nước sở tại. Có 3 loại hợp đồng: Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, xây dựng - chuyển giao.

Tác giả: Văn Chương

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: xả trạm ,bot ,cai lậy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP