Giáo dục

Sử dụng kết quả kỳ thi riêng tuyển sinh ĐH: Thí sinh có thể dự thi tối đa mấy đợt?

Các kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, kỳ thi đánh giá tư duy của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm nay thu hút số lượng lớn thí sinh đăng ký dự thi và nhiều trường ĐH lấy kết quả xét tuyển. Do đó, cần thiết xây dựng bộ công cụ chuyển đổi thang điểm giữa các bài thi riêng để giảm tải thi cho thí sinh.

Thống kê cho thấy với nhiều trường đại học (ĐH), chỉ tiêu lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ THPT đã giảm đáng kể, thay vào đó là các phương thức xét tuyển kết hợp. Đồng thời, việc sử dụng kết quả kỳ thi riêng của các cơ sở giáo dục ĐH lớn cũng là một phương thức xét tuyển được nhiều trường ĐH sử dụng.

Đến thời điểm này, kỳ thi đánh giá năng lực được ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đã có 50 trường ĐH đăng ký lấy kết quả tuyển sinh trong năm nay. Còn kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM năm nay có tới 80 trường ĐH phía Nam lấy kết quả để xét tuyển sinh. Kỳ thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có nhiều trường ĐH thông tin sẽ lấy kết quả.

Chỉ với 3 kỳ thi trên đã thu hút được khoảng 150 trường ĐH đăng ký lấy kết quả xét tuyển sinh với số lượng hàng trăm ngàn thí sinh và chắc chắn số đăng ký sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Cần có bộ công cụ chuyển đổi thang điểm

Theo kế hoạch, ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực vào tháng 3 và tháng 5; ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 16 đợt thi; trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 1 đợt thi; trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng dự kiến tổ chức một kỳ thi đánh giá chuyên biệt để xét tuyển kết hợp.

Như vậy, bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt buộc đối với tất cả thí sinh chưa tốt nghiệp, những thí sinh muốn xét tuyển bằng kết quả kỳ thi riêng vào các trường ĐH yêu thích có thể phải thi tối đa tới 4 đợt thi (của cả 4 đơn vị tổ chức kỳ thi riêng) hoặc 1-2 đợt thi tuỳ nhu cầu. Thực tế này đòi hỏi các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức kỳ thi riêng cần có giải pháp để giảm thi cho các thí sinh nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi xét tuyển ĐH.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội phân tích, xu hướng các trường ĐH trong thời gian tới sẽ sử dụng các phương thức khác nhau để tuyển được các thí sinh chất lượng là điều có thể dự báo trước.

Đối với các ngành đào tạo có tính cạnh tranh cao, điểm chuẩn cao thì việc xét tuyển sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hoá góp phần quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội đã liên hệ với các trường đại học phía Nam để đặt địa điểm và tổ chức các đợt thi tại TPHCM vào tháng 5 và tháng 7 - 8 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Trung tâm cũng đã và đang phối hợp với Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia TPHCM nghiên cứu xây dựng bộ công cụ chuyển đổi thang điểm giữa hai bài thi đánh giá năng lực của 2 đơn vị trong thời gian tới.

Mùa tuyển sinh ĐH 2022, xu hướng tự chủ tuyển sinh, giảm sự lệ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT đã hiện rõ trong nhiều thông tin tuyển sinh được các cơ sở đào tạo ĐH đưa ra. Các bài thi cũng có cấu trúc, nội dung, kiến thức trải rộng giúp đánh giá năng lực người học hết sức toàn diện.

Tác giả: Nghiêm Huê

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP