Báo cáo nhanh về một số vấn đề dư luận phản ánh liên quan đến sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng (Uỷ ban) cho biết, năm 2020 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông (GDPT), bắt đầu từ khối lớp 1.
Theo quy định của Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục (2019), Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GDĐT ban hành các quy định, quy trình thành lập các Hội đồng thẩm định CT, SGK; tổ chức thẩm định CT, SGK lớp 1; ban hành CT, SGK lớp 1 và hướng dẫn chọn lựa SGK.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận có những sai sót trong SGK Tiếng Việt 1 thuộc bộ "Cánh Diều" |
“Do điều kiện cụ thể, Chính phủ đã xin ý kiến Quốc hội để Bộ GDĐT không biên soạn một bộ SGK, mà tạo điều kiện cho việc xã hội hóa biên soạn SGK” – báo cáo nêu.
Theo chủ trương này, đến nay đã có 5 bộ SGK lớp 1 được thẩm định và Bộ trưởng Bộ GDĐT đã phê duyệt cả 5 bộ SGK này để sử dụng cho năm học 2020-2021.
Tuy nhiên, hiện nay trên báo chí và mạng xã hội có nhiều phản ánh về CT, SGK. Cụ thể là về chương trình còn nặng, đặc biệt môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ, trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây mệt mỏi, áp lực .
Trong 5 bộ sách phát hành, theo Uỷ ban, 4 bộ sách chưa thấy ý kiến phản ánh. Các ý kiến góp ý chủ yếu tập trung vào sách Tiếng Việt 1 của bộ “Cánh Diều” (Sách do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên và Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM phát hành).
Các ý kiến cho rằng sách còn nhiều thiếu sót, chưa chuẩn; một số bài có nội dung và hình ảnh sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch từ nước ngoài không phù hợp với tâm lý lứa tuổi và thiếu tính định hướng giáo dục.
Sách có nhiều từ ngữ mang tính địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1; một số thuật ngữ còn trừu tượng; một số tình huống còn gượng ép .
Về việc chuẩn bị các điều kiện dạy học, các phản ánh cho rằng cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo CT, SGK mới; còn tồn tại mâu thuẫn giữa yêu cầu cao của CT, SGK mới với sự hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở nhiều địa phương.
Vẫn theo Uỷ ban, sau khi có phản ánh của dư luận về CT, SGK lớp 1 mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có phiên họp với Bộ GDĐT và các cơ quan liên quan để nắm thông tin và chỉ đạo Bộ GDĐT lắng nghe dư luận, tiếp thu ý kiến xã hội và chỉnh sửa các “hạt sạn” trong sách Tiếng Việt 1 bộ sách “Cánh Diều” (Bộ sách có 5 quyển, cho 5 môn học).
Bộ trưởng Bộ GDĐT đã chỉ đạo kiểm tra, đề nghị Hội đồng thẩm định quốc gia SGK môn Tiếng Việt lớp 1 tiến hành rà soát, báo cáo Bộ GDĐT trước ngày 17/10/2020 để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện.
Theo chương trình kế hoạch công tác năm 2020, Ủy ban cho biết đang hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 “về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Trước ý kiến dư luận và cử tri về SGK, Ủy ban đã yêu cầu Bộ GDĐT có báo cáo riêng về nội dung này .
Bước đầu, Thường trực Ủy ban cho rằng, trên cơ sở của các quy định ban hành, việc thẩm định CT GDPT và các bộ SGK đã được Bộ GDĐT triển khai đúng quy trình, bảo đảm theo quy định của Luật Giáo dục. Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký ban hành CT, SGK GDPT theo Luật định.
Tuy nhiên, trước việc có những nội dung chưa chuẩn trong bộ sách Cánh Diều như dư luận xã hội đang phản ánh, thường trực Uỷ ban nhận định, việc ban hành CT GDPT chưa được công bố lấy ý kiến rộng rãi và thực nghiệm một cách đúng quy định (Điểm đ, khoản 1, Điều 31, Luật Giáo dục 2019).
Hội đồng thẩm định chất lượng sách giáo khoa chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định (Khoản 2, Điều 32, Luật Giáo dục 2019). Theo các điều 31, 32, Luật Giáo dục (2019) thì việc đảm bảo chất lượng CT, SGK thuộc về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
“Ủy ban sẽ tiếp tục theo dõi và tổ chức khảo sát về việc triển khai CT, SGK lớp 1, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát Nghị quyết 88 để gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH tại Kỳ họp thứ 10” – báo cáo khẳng định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bộ trưởng Nhạ nói không có kiến thức và kinh nghiệm dạy ngữ văn lớp 1 Làm rõ thêm về sự cố SGK tại phiên thảo luận tại Quốc hội hôm nay (4/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng điều này đã được quy định rất kỹ trong Luật Giáo dục (sửa đổi). “Tôi nhớ đó là khoản 3 Điều 32, quy định rất rõ về trách nhiệm. Ai chịu trách nhiệm về SGK, từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn như thế nào? Thành lập Hội đồng và quy trình thẩm định ra sao, đến việc phê duyệt sách như thế nào?” – ông Đam nhấn mạnh. Theo Phó Thủ tướng, Luật quy định rất rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GDĐT chịu trách nhiệm về SGK ở tất cả các khâu đó. Việc này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chính phủ hay của Thủ tướng Chính phủ. Ông Đam cũng cho biết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói với ông là Bộ trưởng “không hề có kiến thức và kinh nghiệm về dạy Ngữ văn lớp 1”. Nhìn nhận về "sự cố" SGK, ông Đam cho rằng cần phải được tiếp thu một cách rất cầu thị, một cách rất khoa học. “Có những việc liên quan đến chuyên môn về dạy ngôn ngữ cho trẻ mới bắt đầu đi học thì người bình thường không hiểu thì phải trao đi, đổi lại một cách rất cởi mở và trên hết là cầu thị” – ông Đam nêu quan điểm. Vẫn theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nhạ đã báo cáo là Bộ trưởng đã nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó trách nhiệm theo luật định là thuộc về Bộ trưởng, phải chỉ đạo và Bộ trưởng cũng đã có các bước chỉ đạo. Cho rằng một chương trình nhiều bộ SGK là để phát huy sáng tạo, để không độc quyền, Phó Thủ tướng lưu ý, dù một bộ sách hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải tốt, ít nhất là bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. “Chúng tôi đã chỉ đạo, Bộ GDĐT cần phải tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí là trong quá trình thẩm định để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên và những người có kinh nghiệm dạy trẻ người ta sẽ góp ý, qua đó mình tiếp thu, chắt lọc những ý kiến đúng để tiếp thu” – ông Đam nói. |
Tác giả: Hải Triều
Nguồn tin: Báo Công an TPHCM