Forbes mới chỉ ghi nhận 6 tỷ phú USD ở Việt Nam (Ảnh: Tổng hợp Forbes). |
Theo thống kê của Forbes, đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/10 - Ngày Doanh nhân Việt Nam - số lượng tỷ phú USD của Việt Nam vẫn là 6 người.
Trong đó, đứng đầu vẫn là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup - với khối tài sản ròng trị giá 7,3 tỷ USD, xếp thứ 374 trong danh sách những người giàu nhất thế giới hiện nay. Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng trong ngày 13/10 tăng thêm 94 triệu USD tương ứng tăng khoảng 1,31%.
Kế đến là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - khi sở hữu 3,8 tỷ USD giá trị tài sản ròng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO VietJet - với tài sản cổ phiếu là 2,8 tỷ USD đứng thứ 3. Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank - với 2,4 tỷ USD xếp thứ 4. Tiếp đó là ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group với 1,9 tỷ USD; ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco Group với 1,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, với việc nhiều cổ phiếu tăng giá cũng như niêm yết mới cổ phiếu lên sàn trong thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ghi nhận tới... 9 tỷ phú USD.
Bên cạnh 6 tỷ phú USD được Forbes điểm danh (trong đó ông Trần Bá Dương, công chúng khó xác định tài sản cổ phiếu vì doanh nghiệp chưa niêm yết) thì Việt Nam còn 3 tỷ phú USD khác.
Đó là ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - với giá trị tài sản cổ phiếu đạt 32.686 tỷ đồng (1,4 tỷ USD); ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes - với 28.217 tỷ đồng (1,2 tỷ USD) và ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Phát Đạt - với 26.346 tỷ đồng (1 tỷ USD).
Cổ phiếu NVL của Novaland hôm qua (13/10) giảm phiên thứ 3 về mức giá 102.600 đồng/cổ phiếu, mất thêm 0,39%, nâng thiệt hại trong vòng một tuần giao dịch lên 2,29%. Tuy nhiên so với mức giá hồi đầu năm, giá cổ phiếu NVL hiện vẫn tăng hơn gấp rưỡi.
Trong năm nay, Novaland triển khai phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông tổng tỷ lệ 60%, trong đó trả cổ tức tỷ lệ 31% và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 29%, tương ứng tổng số cổ phiếu phát hành lên đến 884 triệu đơn vị. Dự kiến sau phát hành cổ phiếu trả cổ tức và cổ phiếu thưởng, Novaland tăng vốn điều lệ lên gần 23.578 tỷ đồng.
Trong khi đó, SSH của Sunshine Homes đã có tới 8 phiên liền giảm giá. Thị giá của SSH tại thời điểm đóng cửa ngày 13/10 là 100.800 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh so với đỉnh ngày 19/8 là 112.700 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn tăng 4,6 lần so với giá tham chiếu của phiên chào sàn ngày 4/8. Ông Đỗ Anh Tuấn sở hữu 162,5 triệu cổ phiếu SSH tương ứng 65% vốn điều lệ Sunshine Homes.
Bên cạnh đó, ông Tuấn còn là Chủ tịch của CTCP Tập đoàn KSFinance với sở hữu trực tiếp tại công ty là 162,72 triệu cổ phiếu KSF tương ứng chiếm tỷ lệ 54,24% cổ phần.
Việc đưa cổ phiếu KSF lên sàn ngày 6/10 đã đưa tên tuổi đại gia gốc Thanh Hóa nhanh chóng vào danh sách tỷ phú USD và là một trong những sự kiện đáng chú ý của thị trường những tháng cuối năm.
Với giá tham chiếu của phiên giao dịch đầu tiên là 36.000 đồng/cổ phiếu, đến nay KSF đã có 6 phiên tăng trần liên tiếp, đóng cửa phiên 13/10 ở mức thị giá 75.100 đồng (tăng hơn gấp đôi so với giá chào sàn). Tuy nhiên thanh khoản tại mã này rất thấp, bình quân chỉ vài ba chục nghìn đơn vị mỗi phiên.
Trái ngược với diễn biến ở SSH hay NVL, cổ phiếu PDR của Phát triển Bất động sản Phát Đạt lại có chuỗi tăng giá rất ấn tượng trong thời gian vừa qua. Mã này tăng giá liên tục và đã tăng 7,5% trong một tuần, tăng gần 13% trong vòng một tháng và tăng 76% so với đầu năm. Nếu so với mức đáy hồi tháng 10 năm ngoái, PDR cũng đã tăng giá hơn 138%.
Mặc dù cổ phiếu VJC của Vietjet Air vẫn tăng hơn 7% so với đầu năm song tốc độ tăng giá cổ phiếu này vẫn tương đối khiêm tốn.
Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Vingroup lại giảm tương đối mạnh gần 14% và đã về dưới mốc 100.000 đồng.
Về diễn biến cổ phiếu sáng 14/10, tạm đóng cửa phiên sáng, VIC giảm 0,9%; MSN giảm 0,4%; VJC giảm 0,4%; TCB tăng 0,2%; PDR tăng 1,1%. Trong khi đó, SSH tiếp tục nối dài chuỗi giảm, mất thêm 0,59% thị giá; NVL giảm 0,19%.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí