Trong nước

Sở có 2 nhân viên, 44 lãnh đạo: ‘Lãnh đạo ai, ai lãnh đạo’?

Chúng ta giao nhiệm vụ cho những người có trách nhiệm là chưa tốt nên mới để xảy ra những câu chuyện như bổ nhiệm ồ ạt cán bộ, “lạm phát” quản lý, “sếp nhiều hơn nhân viên”.

Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) về chuyện lãnh đạo nhiều hơn nhân viên (44/46 lãnh đạo) xảy ra tại sở LĐ,TB-XH tỉnh Hải Dương.

ĐBQH Nguyễn Thái Học: "Đó là việc không bình thường".


ĐBQH Nguyễn Thái Học khẳng định: “Tôi cho đó là việc không bình thường. Và nó không phải phổ biến trong xã hội. Sự không bình thường này cần phải được xem xét đánh giá vì sao lại như thế. Nếu đúng, phải có chấn chỉnh, xử lý.

Không thể để một thực tế là lãnh đạo nhiều hơn nhân viên vì như thế thì lãnh đạo ai, ai lãnh đạo. Và quá trình triển khai hoạt động mang lại hiệu quả như thế nào?

Quan trọng nhất chúng ta phải xem xét lại trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc sử dụng cán bộ. Nếu như việc sử dụng cán bộ không đúng, không tốt, để tồn tại thực tế như thế thì phải xử lý trách nhiệm.

Chưa biết người đứng đầu có tiêu cực gì trong việc sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ hay không nhưng anh để một thực tế không bình thường như thế rõ ràng phải xem xét trách nhiệm”.

Trước việc vị giám đốc sở này có “phân trần” với các phương tiện thông tin đại chúng là mới về nhận nhiệm vụ và đây là việc kéo dài từ nhiệm kỳ trước, ĐB Nguyễn Thái Học cho rằng: “Giám đốc sở về nhận nhiệm vụ mà thực trạng đó đã kéo dài thì phải xem xét trách nhiệm của người bàn giao lại công việc cho giám đốc sở mới. Trách nhiệm của vị giám đốc sở cũ ra sao trong việc sắp xếp cán bộ không bình thường như thế. Bên cạnh đó, tôi nghĩ cũng phải xem xét thái độ của vị giám đốc Sở nhận ra sao khi nhận nhiệm vụ với một tồn tại như vậy”.

ĐBQH Nguyễn Thái Học cho rằng, gốc gác của những câu chuyện về bổ nhiệm, “lạm phát” quản lý tại một số nơi thời gian qua đều có là sự bất cập trong công tác cán bộ.


“Theo tôi, Chính phủ phải rà soát, đánh giá lại cơ quan nào, bộ ngành nào, địa phương nào để xảy ra thực tế như thế và đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa. Quan trọng là thời gian qua chúng ta thấy được yếu kém, tiêu cực ở các cơ quan, đơn vị nhưng người đứng đầu chưa bị xử lý. Bây giờ phải xử lý người có trách nhiệm đứng đầu thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự chuyển biến tích cực và đồng bộ.

Có thể nói việc tồn tại, bất cấp trong việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ là cả một quá trình chứ không phải bây giờ chúng ta mới thấy sự bất cập, không hiệu quả. Nhưng bây giờ, chúng ta mới xét lại, tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh nên mới thấy nhiều vấn đề bất cập như thế.

Chính vì thế cử tri tin tưởng vào việc chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thực thì sẽ có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Làm sao, sự chấn chỉnh khắc phục đó phải quyết liệt, đồng bộ không phải chỉ ở Trung ương mà ở cả tất cả các địa phương.

Cán bộ là gốc, mọi việc cũng từ cán bộ mà ra, có yếu kém, có tiêu cực trong công tác cán bộ và kể cả các lĩnh vực khác thì cũng là do chúng ta làm công tác cán bộ chưa tốt. Và có những kết luận, nhận định của cơ quan chức năng cho thấy, chúng ta chọn người chưa đúng.

Chúng ta giao nhiệm vụ cho những người có trách nhiệm là chưa tốt nên mới để xảy ra những câu chuyện như bổ nhiệm ồ ạt cán bộ, “lạm phát” quản lý, “sếp nhiều hơn nhân viên”.

Chúng ta đã thấy được yếu kém và quan trọng nhất là phải khắc phục được trong thời gian tới. Cử tri, người dân đang quan tâm đến sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ”, ĐB Nguyễn Thái Học nói.

Tác giả bài viết: Đỗ Thơm – Dương Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP