Giáo dục

Sinh viên thoát cảnh thực tập online

Sau thời gian dài uể oải làm việc từ xa, các sinh viên năm cuối được gặp gỡ sếp, đồng nghiệp, được “cầm tay chỉ việc” trực tiếp để quá trình thực tập ý nghĩa hơn.

Kỳ thực tập của Phạm Thị Như Quỳnh (22 tuổi), sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bắt đầu từ ngày cuối tháng 12 năm ngoái. Thế nhưng, cô lại mắc kẹt ở quê nhà Thái Bình từ sau khi kết thúc chuyến kiến tập hồi tháng 6/2021.

Như Quỳnh, hiện thực tập tại một tờ báo điện tử, cho biết tòa soạn không yêu cầu các sinh viên phải lên văn phòng làm việc trực tiếp để đảm bảo sức khỏe.

Cô có thể đóng góp bài vở online và đi tác nghiệp khi cần thiết. Trong thời gian tránh dịch ở Thái Bình, cô tìm kiếm những đề tài tại địa phương để thực hiện.

Như Quỳnh đi tác nghiệp tại một triển lãm đầu xuân 2022.

Tuy nhiên, Như Quỳnh chủ động trở lại Hà Nội vào khoảng giữa tháng 1.

“Dù sao, Hà Nội là mảnh đất màu mỡ để tác nghiệp với những chủ đề liên quan đến định hướng của tờ báo. Hơn nữa, được các anh, chị đồng nghiệp trực tiếp hướng dẫn vẫn thích hơn làm việc online”, cô chia sẻ.

Thay vì phải thực tập trực tuyến, các sinh viên năm cuối mừng rỡ khi có cơ hội đến tận cơ quan, công ty làm việc. Nhiều bạn trẻ cảm thấy học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn, khiến chuyến thực tập trở nên có ý nghĩa.

Được làm việc trực tiếp

Từ khi trở lại Hà Nội vào tháng trước, Như Quỳnh ghé qua tòa soạn chỉ 2-3 lần để hoàn tất một số thủ tục thực tập còn dở dang, đồng thời lắng nghe một số góp ý về sản phẩm. Sau đó, cô và một sinh viên thực tập khác tiếp tục hỗ trợ nhau trong quá trình tác nghiệp.

Như Quỳnh thừa nhận việc ít được thực tập trực tiếp tại tòa soạn là một sự thiệt thòi lớn đối với cô và các bạn sinh viên khác, nhất là khi bị hạn chế tương tác với người hướng dẫn. Theo cô, được “cầm tay chỉ việc” sẽ giúp cô có nhiều kinh nghiệm thực tế và tiến bộ nhanh hơn.

Cô cho biết nhờ có thời gian từng kiến tập và cộng tác cũng tại tòa soạn này, quá trình thực tập của cô diễn ra không quá khó khăn.

Phương Khanh cảm thấy may mắn khi được đi làm trực tiếp tại cơ quan.

“Tuy nhiên, tôi vẫn thích được tới trực tiếp văn phòng để làm việc hơn. Với tôi, như vậy mới đúng chất đi làm, hơn là phải ở nhà và tự mày mò. Tôi cũng muốn được học hỏi nhiều hơn từ các phóng viên dày dặn kinh nghiệm”, cô chia sẻ.

Phương Khanh (21 tuổi, Hà Nội), sinh viên năm 3 Học viện Ngoại giao, khó giấu được niềm háo hức khi bước vào kỳ thực tập đầu tiên. Điều khiến cô vui nhất là được đi thực tập trực tiếp tại cơ quan.

Kể với Zing, Phương Khanh cho biết cô nộp CV xin thực tập tại Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao một thời gian nhưng không có phản hồi. Cô đinh ninh rằng mình đã trượt cơ hội thực tập tại đây.

Tuy nhiên, ngày 27 Tết, cô bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo trúng tuyển và bắt đầu đi làm tại cơ quan sau Tết Nguyên đán.

“Tôi rất mừng vì không phải thực tập online. Sau tổng cộng 3 kỳ học trực tuyến, tôi chỉ mong từ giờ tới lúc tốt nghiệp, tôi được đi học, đi làm trực tiếp để đem lại hiệu quả hơn. Ngoài ra, tôi được gặp bạn bè và tham gia những chương trình ngoại khóa tại học viện”, cô nói.

Phương Khanh cảm thấy may mắn khi có cơ hội được làm việc trực tiếp tại Cục Ngoại vụ. Cô đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ các cán bộ làm hồ sơ và dịch tài liệu.

Cô cho biết mình học hỏi được nhiều điều, cũng như làm quen với một số thực tập sinh khác. Nhờ được anh, chị đồng nghiệp hướng dẫn chi tiết, 2 tuần thực tập đầu tiên của Phương Khanh trôi qua suôn sẻ.

“Trước khi nộp CV, tôi đã tìm hiểu trước những đầu việc sẽ phải làm nên không quá bỡ ngỡ. Mục đích của tôi ở chuyến thực tập này là có những trải nghiệm thực tế, cũng như định hướng công việc sau khi tốt nghiệp. Do đó, ngoài hành trang kiến thức, tôi chủ yếu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng tiếp thu học hỏi”, cô chia sẻ.

Thử thách bản thân

Thay vì chọn thực tập ở gần trường, nhóm sinh viên năm 4 Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, gồm Nguyễn Thị Mai Loan, Phạm Thị Hiếu và Nguyễn Thị Thanh Huyền, muốn thử sức mình tại Hà Nội.

Trước khi thực tập, Mai Loan và các bạn đã đi làm để lấy kinh nghiệm thực hành được một thời gian.

Trong 4 tháng tiếp theo, các cô gái sẽ thực tập điều dưỡng nha khoa tại Bệnh viện Xanh Pôn (quận Ba Đình).

“Lớp chúng tôi bốc thăm ngẫu nhiên để chia thành 2 nhóm thực tập ở Hải Dương hoặc Hà Nội. Thật trùng hợp khi cả 3 người bốc lá phiếu thực tập tại Bệnh viện Xanh Pôn”, Hiếu (22 tuổi, Bắc Ninh) kể lại.

Trước đó, song song với việc học trên lớp, các cô gái cũng đã đi làm ở thành phố Hải Dương để lấy kinh nghiệm thực hành. Đặc biệt, Mai Loan còn dành gần 2 tháng tham gia chống dịch ở tỉnh Bình Dương hồi tháng 7 vừa qua.

Do đó, họ không còn bỡ ngỡ với công việc thực tập. Thậm chí, Thanh Huyền (22 tuổi, Hà Nam) cho biết khối lượng công việc còn nhẹ hơn so với thời điểm họ vừa đi học, vừa đi làm.

“Các dụng cụ, đầu việc vẫn vậy nhưng mỗi bác sĩ có một phong cách làm việc khác nhau. Tôi cần tìm cách thích ứng với họ để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, cô chia sẻ.

Bởi vậy, các cô gái vẫn có chút hồi hộp vào ngày đầu tiên đi thực tập. Mặc dù 7h mới phải có mặt và nhà trọ chỉ cách bệnh viện chưa đầy 1 km, họ dậy sớm từ 5h30 để chuẩn bị.

Nhóm sinh viên mua sắm nhu yếu phẩm vào ngày đầu tiên ở Hà Nội.

Mai Loan (22 tuổi, Bắc Giang) thừa nhận điều vất vả nhất với họ là làm quen đường xá đông đúc, nhộn nhịp và tìm phòng trọ phù hợp. So với ở Hải Dương, chi phí thuê phòng trên Hà Nội đắt đỏ hơn nhiều.

Các cô gái mất hơn 2 ngày để tìm nhà trên mạng, rồi nhờ người quen tới tận nơi xem hộ. Sau cùng, họ cũng chốt được một phòng vừa ý, có cửa sổ thông thoáng và nằm ở khu vực đảm bảo an ninh, trật tự.

“Lỡ chẳng may ngày đó, lá phiếu của tôi là ở Hải Dương, tôi cũng sẽ đổi với người khác để được lên Hà Nội. Tôi thấy mình như con cá bơi trong ao nhà quá lâu rồi, giờ muốn lao ra biển lớn. Hy vọng tôi học được nhiều thứ ở đây”, Hiếu cười, nói.

Tác giả: Hồng Chang

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP