Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp sáng nay, 26.4, nhiều phóng viên đã đề cập đến sự vụ hỗn loạn đã khiến người được xin lỗi không thỏa mãn, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến cơ quan nhà nước nhưng không được hoãn lại mà vẫn “cố gắng làm cho xong”?
Ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước cho biết, Điều 51 luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã quy định về việc xin lỗi người bị oan sai. Việc tổ chức xin lỗi phải được cơ quan chức năng liên quan thực hiện tại nơi cư trú hoặc đăng tải trên báo.
“Luật hiện hành chỉ nói rằng việc xin lỗi phải nghiêm túc, công khai, còn tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thành phần tham dự ra sao thì luật hiện hành chưa quy định rõ ràng. Chính vì thế, tại cuộc xin lỗi ông Hàn Đức Long đã xảy ra tình trạng nhiều thành phần tham gia, một số người trong gia đình nạn nhân đã có hành vi vượt quá quy định. Tôi không bình luận nhiều về chuyện này, nhưng phải khẳng định việc xin lỗi ông Hàn Đức Long và việc cơ quan tố tụng chưa tìm ra hung thủ thực sự trong vụ án là hai việc khác nhau”, ông Hưng nói.
Theo ông Trần Việt Hưng, dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đang được sửa đổi sẽ quy định cụ thể về việc người bị oan sai yêu cầu cơ quan làm sai tổ chức xin lỗi.
“Chúng tôi cũng sẽ quy định lại cụ thể địa điểm, thành phần, nội dung, trách nhiệm của cơ quan xin lỗi trong quá trình tổ chức xin lỗi công khai. Luật mới sẽ hạn chế việc gây rối khi quy định về phương án bảo vệ, tổ chức cuộc xin lỗi đảm bảo tính nghiêm minh, đúng nội dung, vai trò trách nhiệm của nhà nước đối với người bị oan trong quá trình xin lỗi”, ông Hưng cho biết.
Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, buổi xin lỗi công khai đối với ông Hàn Đức Long diễn ra tại trụ sở UBND xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang chiều 25.4 đã trở nên hỗn loạn khi nhiều người nhà nạn nhân xông vào phản đối. Thậm chí, trong khi ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, đọc lời xin lỗi đã bị một số người dân ném dép, chai lọ vào người.
Tác giả bài viết: Thái Sơn
Nguồn tin: