Bộ Công Thương chỉ đạo việc xử lý thủ tục phá sản tại Nhà máy Ethanol Phú Thọ. Ảnh: Bình Phương. |
Lấy lương… để trả lương
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Vượng nhắc lại lời phê bình nghiêm khắc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với PVN, vì chưa cố gắng để xử lý những tồn tại ở các dự án thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc PVN, việc xử lý 5 dự án thua lỗ của tập đoàn khoảng một năm qua chưa có chuyển biến gì trên thực tế. “Chúng tôi xin nhận lỗi, ngoài khách quan thì chưa có sự quyết liệt chỉ đạo của PVN, chủ đầu tư, chủ thầu”- ông Sơn nói. Tuy nhiên, theo ông Sơn, có 3 nhóm vấn đề được PVN đưa ra với các dự án nói trên. Dự án Công ty đóng tàu thủy Dung Quất (DQS), chuyển từ Vinashin (cũ) sang, các nhà máy Ethanol Phú Thọ, Quảng Ngãi…, ngoài nỗ lực tự thân, PVN cần sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương.
Quan điểm của Bộ Chính trị là “Nhà nước sẽ không cấp thêm vốn” vào các dự án trên. “Đây là điều vướng nhất, dẫn đến không triển khai việc bơm thêm vốn để cứu các dự án. Trong khi đó, hầu hết các cổ đông đều là doanh nghiệp nhà nước”, ông Vũ Trường Sơn cho biết, phương án cuối cùng là thuê tư vấn đánh giá tài sản và lên phương án thoái vốn, phá sản. “Thời gian hoàn thành việc đánh giá cũng mất khoảng 18-20 tháng. Phá sản là phương án tiêu cực nhất, nhưng cũng cần có chi phí nhất định như thuê tư vấn, duy trì điện nước… Riêng tiền điện ở Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex) đến 500 triệu đồng/tháng, như vậy cũng phải mất mấy trăm tỷ đồng rồi”- ông Sơn nói.
Ông Phạm Văn Chất, Chủ tịch HĐQT PVTex cho biết, nhà máy này đã ở “trạng thái tĩnh” 22 tháng qua. Nếu muốn khởi động, phải mất 1 năm, cả tuyển nhân sự, đào tạo… “Dự trù kinh phí trước đó là khoảng 250 tỷ đồng, trong đó trả nợ cũ 172 tỷ đồng, 40 tỷ đồng bảo dưỡng, 17 tỷ đồng cho đào tạo…Tuy nhiên, con số khởi động bây giờ có thể cao hơn”- ông Chất nói.
Liên quan vấn đề tại PVTex, ông Phan Đình Đức, thành viên HĐTV, Tổ trưởng công tác xử lý vấn đề PVTex cho biết, các phương án đều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là không được bỏ đồng vốn nhà nước nào vào các dự án này. Theo ông Đức, hiện tại PVTex đang có 140 người, chủ yếu để bảo vệ và PVN phải dùng tiền lương của cán bộ đang đi công tác nước ngoài để duy trì đội ngũ trên. Còn khi chạy nhà máy, nếu tinh giản hết mức, cũng cần hơn 800 người.
Về việc Tòa án quận Hải An (Hải Phòng) tuyên PVTex thua kiện và buộc phải trả gần 73 tỷ đồng nợ Khu Công nghiệp Đình Vũ về tiền điện, nước, hạ tầng, ông Đức nói: “Bản án của tòa chắc chắn phải thực hiện. Đây là trường hợp đặc biệt và chúng tôi đề xuất với Chính phủ, các chủ đầu tư chấp nhận phương án góp khoảng 70-80 tỷ đồng để xử lý. Sau đó, làm việc với các ngân hàng, là chủ cho vay giãn nợ”- ông Đức nói.
Cho phá sản Ethanol Phú Thọ, Công ty đóng tàu thủy Dung Quất
Ông Phan Tử Giang, Tổng Giám đốc DQS cho biết, từ khi chuyển DQS sang PVN (tháng 7/2010) đến nay, DQS chưa được xử lý bất cứ một vấn đề gì về tài chính, liên quan những tồn tại thời Vinashin. “Hiện nay sản xuất dòng tiền vẫn dương, nhưng vì những tồn tại trước đây nên dòng tiền bị âm. Do vậy, cần cơ chế đặc biệt nhất trong đấu thầu, vì thấy công ty nợ nần, thua lỗ thì bị gạt ra ngoài”- ông Giang nói.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, tập đoàn cũng đã xin cơ chế chỉ định thầu trong ngành để hỗ trợ các đơn vị như DQS, nhưng Chính phủ đã có văn bản từ chối việc ưu đãi nói trên. Do vậy, theo ông Sơn, phương án cho phá sản DQS là tốt nhất. Ông Sơn cũng kiến nghị Chính phủ, đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm soát hồ sơ tàu 104 nghìn DWT để xử lý dứt điểm việc bàn giao. Trong khi đó, liên quan 3 dự án thua lỗ về Ethanol, hiện Nhà máy ở Phú Thọ chưa xong, còn Nhà máy Quảng Ngãi, Bình Phước sẽ tìm cách khởi động, rồi tính phương án thoát vốn dần, với cái “phao” từ đầu năm 2018, xăng A92 sẽ được thay thế bằng xăng sinh học E5 theo quy định của Chính phủ.
Với Nhà máy Ethanol Phú Thọ, do việc tiếp tục hay dừng lại đều lỗ hàng trăm tỷ đồng, nên PVN đã chỉ đạo PVOil tổ chức lựa chọn và thuê tư vấn giám định tài sản, tài chính… để xây dựng phương án thoái vốn khỏi dự án này. Đồng thời, trao đổi với các cổ đông để thực hiện thủ tục phá sản theo quy định. Nói về thủ tục phá sản, một lãnh đạo Vụ Pháp chế Bộ Công Thương cho biết: “Theo Luật Phá sản, cần lưu ý, với doanh nghiệp nhà nước, sau khi phá sản, người nắm cương vị chủ tịch, tổng giám đốc sẽ không được đảm đương vị trí nào trong doanh nghiệp nhà nước nữa”.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, yêu cầu của Chính phủ trong năm năm 2017 sẽ hoàn thành phương án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và trong năm 2018 sẽ tạo được chuyển biến căn bản trong xử lý tồn tại. Và đến năm 2020 không còn nhắc đến vấn đề thua lỗ của các dự án này nữa. Bộ phải hoàn thành báo cáo phương án đối với các dự án thua lỗ trước 15/7 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. “Tinh thần phải làm quyết liệt, nếu việc chuyển biến, thì nhân sự phải chuyển như chỉ đạo”- ông Vượng nói.
“Nếu để PVN hoặc các đơn vị thành viên bơm vốn, các cơ quan chính sách phải hiểu rõ, chứ làm rồi lại quy cho là sai trái, thì anh em không ai dám làm. Không có đồng nào thì không làm được gì, còn để đó không làm thì mất tiền thêm”
Ông Phan Đình Đức, thành viên HĐTV PVN
Tác giả: PHẠM ANH
Nguồn tin: Báo Tiền Phong