Trong tỉnh

Sau khi sát nhập vào thành phố Vinh: Địa danh du lịch Cửa Lò biến mất?!

Sau khi sáp nhập vào TP Vinh, bảy phường của thị xã Cửa Lò vẫn được giữ nguyên tên, còn riêng Cửa Lò, một địa danh du lịch nổi tiếng trải qua 117 năm hình thành và 30 năm xây dựng phát triển, lại bỗng dưng biến mất trên… bản đồ.

Sau khi sáp nhập vào TP Vinh, địa danh du lịch Cửa Lò được hình thành hơn 100 năm qua và trải qua 30 năm xây dựng phát triển, đã biến mất trên bản đồ Ảnh: B.LÂM

Trước băn khoăn, thắc mắc của dư luận “vì sao không còn tên gọi Cửa Lò”, chúng tôi đã tìm hiểu vấn đề này.

Cửa Lò, một tiểu vùng văn hóa đặc sắc

Lần tìm “gốc tích” của danh xưng Cửa Lò, chúng tôi thấu hiểu thêm một số vấn đề lịch sử, văn hóa và cách mạng từ vùng đất cổ, trước khi thị xã Cửa Lò sáp nhập.

Trong bài viết Cửa Lò, một số vấn đề lịch sử và văn hóa, cố GS Đinh Xuân Lâm cho biết, Cửa Lò là một vùng đất được cấu tạo từ xa xưa. Đó là một vùng cát bồi trên bờ biển thuộc huyện Nghi Lộc trước đây. Trên vùng cát này xuất hiện các làng và một dòng nước rất trong chảy từ biển vào nên nơi này mới có ruộng chuyên trồng các loại cây trên cạn. Căn cứ vào các loại hóa thạch được tìm thấy tại các đồi cát ở đây, có thể khẳng định dấu vết trải qua các giai đoạn trong quá trình biển lùi, bắt đầu từ cuối Đệ tứ kỷ. Rõ ràng, sự cổ kính, tính xa xưa của các làng cát trong vùng cứ vơi dần độ cao từ phía quốc lộ 1 ngày nay ra phía biển. Còn sự bồi đắp vào thời kỳ sau này, từ thời cận đại thì có thể căn cứ vào gia phả của các dòng họ lớn trong vùng như họ Nguyễn ở Thượng Xá (Cửa Lò - Nghi Lộc) hay họ Nguyễn ở Tiên Điền (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) để biết rằng, vào thế kỷ XIV, bờ biển còn lùi sâu vào phía trong, cách bờ biển hiện nay khoảng 2 km về phía Tây. Một hiện tượng biển lùi, kết quả của quá trình bồi đắp phù sa của các dòng sông trong vùng.

Đó là một số đặc điểm về cấu tạo địa chất vùng đất mà sau này có danh xưng là Cửa Lò. Vậy, Cửa Lò, tên gọi mộc mạc và dân gian được hình thành như thế nào? Cũng theo bài viết của cố GS Đinh Xuân Lâm, Cửa Lò (tên địa phương là Lạch Lò) xuất phát từ sông Cấm đổ ra biển. Phù sa của dòng sông bồi đắp nên vùng đất, sau này hình thành thị xã Cửa Lò. Vùng đất từng được nhiều người biết đến với tư cách là một địa chỉ nghỉ mát với bãi tắm dốc và thoải, cát mịn màng. Nước biển ở đây luôn trong, sạch tạo thành một vùng tiểu khí hậu lý tưởng, đồng thời là một vùng đất in đậm những nét riêng của một tiểu vùng văn hóa nằm trong vùng văn hóa chung Xứ Nghệ, một trong những cái nôi văn hóa đặc sắc của dân tộc mà trong khuôn khổ bài báo chúng tôi không thể chuyển tải hết.

Về địa danh Cửa Lò, trước đây mới chỉ là tên riêng của một dòng sông Cấm đổ ra biển như bao dòng sông khác. Dòng sông này chảy qua dãy núi thuộc xã Nghi Thiết bên tả ngạn và phường Nghi Thủy ngày nay bên hữu ngạn. Từ tháng 4.1986, Cửa Lò trở thành tên gọi của một thị trấn cảng thuộc huyện Nghi Lộc. Từ tháng 8.1994, địa danh Cửa Lò trở thành tên riêng của thị xã trên cơ sở thị trấn Cửa Lò trước đây cộng thêm đất đai, cư dân một số xã khác của huyện Nghi Lộc. Như vậy, từ tên riêng để chỉ một cửa sông đổ ra biển, Cửa Lò đã trở thành tên của một đơn vị hành chính. Theo cách giải thích của người dân địa phương, gọi Cửa Lò là cách nói chệch đi và gọn lại của tên gọi “Cửa Lùa” trước đây. Đoạn chỗ sông Cấm chảy ra biển, giữa một bên dãy núi của xã Nghi Thiết (phía Bắc) và một bên là dãy núi Lô (Lô sơn) thuộc hai phường Nghi Tân và Nghi Thủy (phía Nam). Cho nên khi gió từ ngoài biển thổi vào cũng như gió hướng Tây trong đất liền thổi ra biển tạo thành “cửa gió lùa”. Từ “cửa gió lùa”, người dân nói gọn lại thành “cửa lùa”, rồi trở thành Cửa Lò ngày nay.

Với ba mặt sông, biển, Cửa Lò hội tụ nhiều huyền thoại, truyền thuyết giàu tính văn hóa tâm linh. Ở phía Nam và phía Tây Cửa Lò, từ rất sớm “mở ra” không chỉ các lễ hội văn hóa phát triển tại chỗ mà còn là nơi giao lưu, tiếp cận tinh hoa văn hóa vùng lân cận. Riêng lễ hội du lịch Cửa Lò tổ chức thường niên đã phát triển quy mô lớn, khai trương mùa hè du lịch hằng năm của thị xã Cửa Lò. Từ lễ hội này, du khách mở rộng diện tham quan tới các đền, chùa nổi tiếng ở những vùng lân cận. Bàn thêm về Cửa Lò, cố GS Đinh Xuân Lâm đã nêu triển vọng: “Có thể khẳng định Cửa Lò ngày trước đến thị xã du lịch Cửa Lò sau này đã kế thừa, phát triển và nâng cao. Cửa Lò ngày nay xứng đáng với đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (WTO): Đó là nơi thích hợp cho du lịch văn hóa và du lịch phiêu lưu cũng như du lịch sở thích đặc biệt. Về lâu dài, Cửa Lò có thể là một trong những điểm thu hút đông khách đến thăm nhất Việt Nam”.

Quy mô TP Vinh sau sáp nhập, không có tên Cửa Lò

“Nếu đặt tên như vậy không giải quyết được vấn đề gì cả”

Thị xã Cửa Lò ra đời năm 1994. Cuộc xây dựng, phát triển thị xã du lịch biển đặc biệt gắn liền với cá nhân ông Phạm Văn Thìn, suốt 10 năm làm Chủ tịch thị xã này. Thị xã Cửa Lò ra đời với quy mô 5 phường, 2 xã, 4,6 vạn dân, diện tích 28.600 ha. Những năm đó, người dân Cửa Lò còn ngại ngùng chuyện ra sống gần biển thay vì biện pháp chỉ định của xã… Sau 10 năm (1994-2004) với hơn 200 dự án triển khai đã làm nên hình hài một đô thị biển. Từ một làng chài xơ xác cát bụi, biển xanh hoang dã đầy rác thải; dân làng chài từ người lớn đến trẻ em có tập quán đợi đến chiều tối ra biển ngồi phóng uế; làng nghèo lác đác một vài lớp học xiêu vẹo; học sinh quần đùi, chân đất…, nay Cửa Lò đã hóa thân thành một thị xã biển đẹp, xanh và hoa. Sự biến đổi kỳ diệu khiến thị xã Cửa Lò không chỉ được người dân trong nước biết đến, mà địa danh du lịch được hình thành hơn một thế kỷ qua này luôn được du khách quốc tế tìm đến.

Tôi không rõ việc đặt tên ở TP Hạ Long. Còn ở đây, bảy phường của thị xã Cửa Lò đã có tên cả rồi. Nếu đặt tên phường Cửa Lò cũng không nói lên gì cả, không giải quyết được vấn đề gì cả.

(Ông NGUYỄN VIẾT HƯNG, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An)

Trong Đề án sáp nhập thị xã Cửa Lò vào TP Vinh của Sở Nội vụ Nghệ An, không còn thấy tên gọi địa danh hành chính Cửa Lò, ngoài địa danh dân gian là “bãi biển Cửa Lò”. Chúng tôi mang câu hỏi này trao đổi với ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An. Trong hai cuộc điện thoại, chúng tôi xoay quanh nội dung “vì sao sau sáp nhập, tên gọi Cửa Lò bị biến mất”. Mở đầu, ông Hưng nói: “Cửa Lò vốn dĩ là một bãi biển. Cửa Lò không phải là một địa danh hành chính nên sau khi sáp nhập vào TP Vinh không còn tên thị xã Cửa Lò, nhưng địa danh bãi tắm Cửa Lò thì vẫn còn, thậm chí còn mãi”. Chúng tôi tiếp tục câu hỏi về “gốc tích” Cửa Lò xưa gắn với nhiều giá trị văn hóa và cách mạng, nhưng ông Hưng vẫn khẳng định: “Có thể tôi đọc chưa hết nhưng địa danh bãi tắm Cửa Lò với du lịch Cửa Lò, lễ hội sông nước Cửa Lò không bao giờ mất đi thì cần gì phải giữ tên trong một đơn vị hành chính sau sáp nhập. Địa danh Cửa Lò không thể mất được, giống như Cửa Hội”.

Việc đặt tên cho các phường của thị xã Cửa Lò sau sáp nhập, tôi nghĩ nên giữ tên gọi Cửa Lò. Ví như, đặt tên Cửa Lò cho một phường chẳng hạn. Còn trước dư luận, nếu bàn cách về việc giữ tên Cửa Lò, tôi nghĩ nên tham khảo hướng xử lý ở TP Hạ Long. Đây là một kinh nghiệm hay.

(Ông PHAN ĐỨC ĐỒNG, Bí thư Thành ủy TP Vinh)

Chúng tôi nêu chính kiến của một lãnh đạo tỉnh về tên gọi Cửa Lò: “Tại Quảng Ninh, khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long thì tên gọi Hoành Bồ vẫn được giữ nguyên, thành tên một phường. Thậm chí, thị trấn Chới trở thành khối Chới 1, khối Chới 2… của phường này. Nếu được bàn cụ thể về việc này, tôi sẽ bảo vệ tên gọi Cửa Lò, cụ thể là lấy Cửa Lò đặt tên cho một phường như phường Hoành Bồ chẳng hạn”. Trả lời về thông tin này, ông Hưng cười: “Tôi không rõ việc đặt tên ở TP Hạ Long. Còn ở đây, bảy phường của thị xã Cửa Lò đã có tên cả rồi. Nếu đặt tên phường Cửa Lò cũng không nói lên gì cả, không giải quyết được vấn đề gì cả”. Chúng tôi nêu tiếp câu hỏi: “Ông nói, Cửa Lò không phải là một địa danh hành chính, vậy thị xã Cửa Lò phát triển 30 năm nay là gì?”. Ông Giám đốc Sở Nội vụ cũng nêu một câu hỏi: “Nếu thay đổi tên phường thì theo nhà báo sẽ lấy phường nào?”. Chúng tôi không ngần ngại trả lời: “Rất có thể đó là phường Nghi Hải, quê hương của ông Phạm Văn Thìn, người có công lớn trong việc gây dựng nên thị xã Cửa Lò”. Ông Hưng cười nói: “Vậy, các phường khác họ không chịu thì sao”…

Trước khi viết những dòng này, chúng tôi trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ. Ông Vĩ nói trong niềm day trở và hào hứng: “Không nên nhầm lẫn giữa địa danh hành chính và địa danh dân gian. Địa danh hành chính có thể thay đổi qua các thời kỳ. Còn địa danh dân gian không mất đi nếu nó xứng đáng. Không có chuyện đặt tên địa danh hành chính làm mất tên của địa danh dân gian. Ngược lại, không phải địa danh dân gian nói thay cho địa danh hành chính. Trước khi sáp nhập, Cửa Lò đãlà một đơn vị hành chính, là thị xã thì sau khi sáp nhập không hà cớ gì không sử dụng tên gọi Cửa Lò cho TP Vinh. Bởi, tên gọi Cửa Lò có ý nghĩa nối tiếp truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng”.

Tác giả: VŨ TOÀN

Nguồn tin: baovanhoa.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP