Trong nước

Sắp xếp đơn vị hành chính cần lưu ý đến văn hóa, truyền thống

Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh xoay quanh việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

Việc sắp xếp là điều tất yếu

Người Đưa Tin (NĐT): Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính được Bộ Nội vụ, Chính phủ, Quốc hội đánh giá mang lại hiệu quả nhất định, với việc tiếp tục rà soát ở những giai đoạn tiếp theo ông sẽ mang lại những hiệu quả gì?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Trong quá trình cải cách hành chính Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang chỉ đạo rất quyết liệt phải sắp xếp lại các đơn vị hành chính và các cơ quan tổ chức của cơ quan Nhà nước theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tinh giản bộ máy.

Bởi, thực tiễn cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được thì bộ máy hành chính còn cồng kềnh cần phải tinh gọn lại, đảm bảo hiệu lực hiệu quả. Đồng thời, tinh giản bộ máy để nâng cao chất lượng đội ngũ bộ máy hơn. Vì vậy, tôi cho rằng việc sắp xếp là điều tất yếu.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

NĐT: Có ý kiến lo ngại việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ khiến cán bộ dôi dư, khó sắp xếp công ăn việc làm, theo ông vấn đề này đã được giải quyết như thế nào ở các lần sắp xếp trước?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Khi sáp nhập như vậy thì bộ máy, con người sẽ có trường hợp dôi dư, do đó cần phải có những chính sách đề xuất liên thông.

Trước đây, đã có Nghị định 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và mới đây là Nghị định 29 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Khi thực hiện theo tinh giản biên chế này thì phải đảm bảo chính sách cho người cán bộ, công chức dôi dư không đủ điều kiện để sắp xếp được việc làm.

Thêm nữa, cơ sở vật chất cần phải tính toán, nếu để không sẽ rất lãng phí, nhưkhi sáp nhập hai xã thì chỉ còn một trụ sở…

NĐT: Tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết số 35 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Theo rà soát của các địa phương, giai đoạn 2023-2025 có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã của 58 tỉnh, thành phố thuộc diện phải sắp xếp. Vậy, theo ông việc sắp xếp các đơn vị hành chính cần phải được sắp xếp như thế nào để tránh cơ học?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Trong Nghị quyết 35 của UBTVQH đã nêu rất rõ, thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì các địa phương phải tiến hành rà soát, xây dựng các đề án để sắp xếp theo Nghị quyết 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính có tiêu chí về diện tích, dân số. Nếu không đạt được tiêu chí như trong Nghị quyết thì tiến hành sắp xếp.

Việc sắp xếp ngoài việc phải căn cứ vào diện tích và dân số thì cần chú ý đến văn hóa, truyền thống, lịch sử dân tộc, tôn giáo, an ninh… để nghiên cứu, đề xuất.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 35 cũng đề cập đến việc xem xét cơ chế chính sách đặc thù trong quá trình thực hiện sắp xếp huyện, xã.

Vì vậy, tôi cho rằng các địa phương cần phải căn cứ vào các Nghị quyết trên để tiến hành sắp xếp. Vì đây là chủ trương chung rất hợp lý. Cụ thể thế nào cần phải xây dựng đề án và báo cáo.

Cần chú ý đến văn hóa, truyền thống, lịch sử dân tộc... khi sắp xếp đơn vị hành chính (Ảnh: Hữu Thắng).

Xem xét lại việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm

NĐT: Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin Hà Nội có một đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025. Quan điểm của ông như thế nào về nội dung này?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Liên quan đến thông tin quận Hoàn Kiếm nằm trong diện sáp nhập giai đoạn tới, bởi quận Hoàn Kiếm có diện tích rất nhỏ so với Nghị quyết 1211 đã đề ra.

So với tiêu chí thì quận Hoàn Kiếm có tiêu chí rất nhỏ, thuộc diện sáp nhập. Nhưng, Hoàn Kiếm có yếu tố về văn hóa, truyền thống lâu đời… nên, vấn đề này cần phải xem xét. UBND Tp.Hà Nội cần xem xét lại, có ý kiến của Tp., làm đề án để đề xuất cấp trên.

NĐT: Còn đối với Tp.HCM cũng có 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 149 đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp trong giai đoạn này. Hiện, chưa có phương án chính thức nhưng người dân rất quan tâm thông tin sắp xếp, sáp nhập địa bàn hành chính tại Tp.HCM vì lo ngại bất cập. Theo ông, việc sắp xếp cần phải lưu ý gì?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Cũng như Hà Nội thì như tôi phân tích ở trên, Tp.HCM cũng cần căn cứ vào các Nghị quyết 35, Nghị quyết 1211 cần làm đề án, báo cáo lên cấp trên để xem xét, quyết định. Có nghĩa là chúng ta không sắp xếp một cách cơ học mà cần phụ thuộc, xem xét nhiều yếu tố, trước hết căn cứ vào Nghị quyết 1211.

Các đơn vị, các tỉnh thành trong đó có Hà Nội và Tp.HCM cũng cần làm đề án, xem xét, có quan điểm của mình “sáp nhập hay không sáp nhập?”, “sáp nhập thì thế nào và không sáp nhập thì thế nào?” để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lộ trình để sắp xếp đơn vị hành chính có kết quả

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 diễn ra ngày 31/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn này được tiến hành khẩn trương hơn, kỹ hơn, nhanh hơn.

Về thuận lợi, lần sắp xếp này được triển khai khi có nhiều kinh nghiệm tích lũy được từ giai đoạn trước. Các địa phương cơ bản đã xác định rõ số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, giai đoạn này có một số khó khăn, số lượng phải sắp xếp nhiều hơn giai đoạn trước.

Cả nước có 58 tỉnh, thành phố phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; chỉ 5 địa phương không thuộc diện phải sắp xếp. Số phải sắp xếp là 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã.

Lần này việc sắp xếp đô thị còn có thể nhập một phần hoặc toàn bộ đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị; việc sắp xếp phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị. Vì vậy, phải được làm đồng thời với công tác quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, thời gian không có nhiều, từ ngày 1/8, các địa phương bắt đầu triển khai cụ thể, kế hoạch phải xong trước 30/9/2024, tức là có 13 tháng để thực hiện. Điều này đòi hỏi từng địa phương phải ban hành kế hoạch, có lộ trình với từng việc cụ thể thì mới triển khai có kết quả.

Tác giả: Hoàng Thị Bích

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP