Trong nước

Sáp nhập sở, ngành: Tinh giản là hợp lý, song sẽ “đụng chạm”

Như Lao Động đã thông tin, dự thảo Nghị định “Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến công khai lần thứ 5. Một số phương án được đưa ra như sáp nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính, Sở Xây dựng với Sở GTVT… Đã có nhiều ý kiến trái chiều, xung quanh việc thực hiện tinh giản bộ máy, khiến mất ghế, mất quyền lợi... Phóng viên Báo Lao Động đã trao đổi vấn đề này với một số chuyên gia.

2 3 opt BLOS
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Sáp nhập 4 sở, quy định “cứng” cán bộ

Dự thảo đưa ra phương án sáp nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính. Cơ cấu tổ chức của Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính sẽ gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 10 phòng chuyên môn. Sở Xây dựng và Sở GTVT hiện nay ở các tỉnh sẽ được sáp nhập thành Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị hoặc có tên gọi là Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị. Riêng Hà Nội và TPHCM thì sở mới này được hợp nhất giữa Sở Xây dựng với Sở GTVT và Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Cơ cấu Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (trên cơ sở tổ chức lại 12 phòng hiện có của các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải). Các sở sẽ có giám đốc sở là Ủy viên UBND cấp tỉnh và số lượng phó giám đốc sở không quá 3 người.

Ông Phạm Văn Chung - Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum - bày tỏ quan điểm: Điểm nhấn đầu tiên của dự thảo Nghị định là việc sáp nhập một số sở, ngành có chức năng tương tự nhau nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối. Điểm nhấn tiếp theo là khống chế đơn vị cấp phòng, chi cục và chức danh lãnh đạo, quản lý ngay trong các đơn vị ấy. Mặt khác, việc giao cho UBND cấp tỉnh quy định số lượng chức danh cán bộ cấp phòng trở xuống nên dẫn đến bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo, quản lý gây bức xúc trong xã hội. Minh chứng là Sở LĐTBXH Hải Dương có đến 44 người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, trong khi chỉ có 46 biên chế.

Không nên để 2 bộ chỉ đạo 1 sở

11
PGS-TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng.

Đóng góp với bản dự thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng - cho rằng, trước đây, đã từng sáp nhập các Bộ Thủy sản, Lâm Nghiệp, Nông nghiệp thành Bộ NNPTNT rồi, nên việc sáp nhập lần này nên tiếp thu kinh nghiệm từ trước. Theo ông Hùng, nếu sáp nhập thì nên sáp nhập Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải trước để thống nhất hệ thống. “Chứ chỉ riêng sáp nhập Sở Xây dựng và Sở Giao thông vào thì 2 bộ chỉ đạo 1 sở, như vậy có thể không thống nhất. Nếu giả sử đụng vào lợi ích riêng của ngành xây dựng hoặc giao thông thì ông GĐ sở mới biết nghe bộ nào” - ông Hùng nói. Ngoài ra, theo nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội, phải tránh việc sáp nhập nhưng chỉ tinh giản được các lãnh đạo mà đội ngũ các phòng, ban vẫn vậy.

Về phần mình, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sở có cùng quan điểm với UBND TP.Hà Nội là không đồng tình với đề xuất trên. Theo ông này, lượng công việc của Sở GTVT tại TP.Hà Nội và TPHCM rất lớn nên nếu ghép cùng với 2 sở nữa và giảm biên chế thì sẽ rất khó khăn trong việc đáp ứng các vấn đề xã hội cũng như yêu cầu của người dân.

Mất ghế, mất quyền lợi thì sự phản ứng sẽ mạnh mẽ

12
TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính).

Trước những ý kiến trên, TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho rằng: Việc cải cách, tinh giản là hợp lý nhưng đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người. Thường xu hướng khi thực hiện cải cách hành chính, nếu “đẻ” thêm thủ tục hành chính thì người ta phản ứng ít. Nhưng nếu thực hiện tinh giản bộ máy, mất ghế, mất quyền lợi thì sự phản ứng sẽ mạnh mẽ.

Theo tôi, chủ trương tinh giản bộ máy là cần thiết. Trước mắt, có đề án cải cách bộ máy hành chính địa phương, việc cải cách nên làm đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Tránh trường hợp chỉ thực hiện cải cách ở địa phương mà không làm trung ương thì sẽ tạo ra sự không đồng nhất.

Sáp nhập sở có đảm bảo việc loại những người kém, giữ lại người giỏi không?

13
Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng.

Đó là băn khoăn của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng về bản dự thảo. Ông nói: “Tôi cho rằng để bộ máy công quyền làm việc hiệu quả hơn thì việc sắp xếp lại một số sở có chức năng tương đồng với nhau là một trong những giải pháp mạnh mẽ”. Ông Thắng cũng cho rằng, vấn đề ở đây là khi chúng ta nhập hay tách sở thì không chỉ là bộ máy mà còn là vấn đề về con người. Vậy bao nhiêu lãnh đạo của các sở này sẽ bố trí như thế nào, bao nhiêu cấp phó, trưởng phòng sẽ bố trí công việc ra sao. Đây là bài toán khó.

Theo ông Thắng, bài toán lớn nhất khi tính chuyện sáp nhập sở, đó là rõ ràng ở 2 cơ quan tương tự nhau hoặc gần nhau thì cơ quan chuyên môn, nhân sự của sở đó sẽ thừa ra. Vậy giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động thế nào, đây là điều khiến ông Thắng băn khoăn nhất.

Về thực tế thì câu chuyện lựa chọn, bố trí cán bộ, nhân viên không hề đơn giản. Từ việc đánh giá như thế nào về năng lực thực tế của cán bộ hiện nay, đến cán bộ, nhân viên đó là con em của ai còn là bài toán khó, hiện chưa có lời giải cuối cùng và triệt để. Do vậy nếu làm không cẩn thận thì việc sáp nhập sở hoặc sẽ không giảm được bao nhiêu hoặc thậm chí có thể sẽ giảm “những người không cần giảm” và giữ lại “những người không cần giữ”.

Tạm dừng luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, tránh tình trạng “chạy chức”

Ông Phạm Văn Chung đóng góp thêm: Cơ quan chủ trì cần quy định thêm việc sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ để thành lập Sở Công nghệ và Thông tin, vì chức năng nhiệm vụ của các đơn vị này khá tương đồng nhau. Tương tự, có thể sáp nhập Sở Ngoại vụ và Sở Du lịch trong trường hợp một địa phương đủ điều kiện thành lập cả 2 sở này để thành lập Sở Ngoại vụ và Du lịch, thậm chí có thể nhập Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở NNPTNT để thành lập Sở Tài nguyên và Nông nghiệp... Ngoài ra, hạn chế tối đa việc thành lập chi cục ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, vì đây là nguyên nhân làm bộ máy, biên chế phình to. Ông Chung đề xuất: Để việc triển khai Nghị định đạt kết quả khi được thông qua, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản tạm dừng việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bổ nhiệm khi trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Tác giả bài viết: NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP