>>Sai phạm tại dự án Đại Thanh (Hà Nội): Bức tranh “xập xệ” trong công tác quản lý?
>>Sai phạm tại DA Đại Thanh (Hà Nội): Các sở TN&MT, Xây dựng kiểm tra, giám sát thế nào?
>>Sai phạm tại DA Đại Thanh (Hà Nội): Trách nhiệm lớn nhất thuộc về 2 sở chủ quản?
>>Sai phạm tại DA Đại Thanh (Hà Nội): Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát...
>>Vụ Mường Thanh - "tập đoàn ông trời”: Đề nghị xử lý hình sự sai phạm tại DA Đại Thanh
>>Vụ Mường Thanh hay “tập đoàn... ông trời”: Dư luận đang chờ công lý được thực thi!
>>Mường Thanh hay “tập đoàn... ông trời”?
Như Thương hiệu & Công luận đã thông tin, theo Thanh tra Chính phủ, dự án Đại Thanh có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội.
Theo kết luận, UBND TP. Hà Nội đã có những vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng dẫn đến nhiều chủ đầu tư sử dụng đất của nhà nước từ lâu, nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất (tính đến ngày 31/12/2014 là 7.166 tỷ đồng).
Đặc biệt là dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh đến thời điểm thanh tra, dự án chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp, chủ đầu tư chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước nhưng chủ đầu tư đã khởi công xây dựng từ tháng 3/2012, trong quá trình xây dựng có nhiều sai phạm.
Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển cơ quan công an điều tra vụ việc của Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội.
Vấn đề đặt ra lúc này là những lãnh đạo nào của các Sở, ban, ngành Hà Nội phải chịu trách nhiệm về những sai phạm nghiêm trọng trên? Nếu không làm rõ trách nhiệm cá nhân thì những sai phạm trên sẽ sớm bị “chìm xuồng”.
Cụ thể, tại Báo cáo thanh tra của UBND thành phố Hà Nội năm 2013 đã chỉ đích danh trách nhiệm của Sở TN&MT trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của tại dự án Đại Thanh.
Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 18/1/2010 của UBND TP. Hà Nội về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và làm nhà nông thôn nêu rõ:
“Đối với các dự án đầu tư không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư thì phải thực hiện thẩm định nhu cầu sử dụng đất. Chủ đầu tư nộp hồ sơ, Sở TN&MT có trách nhiệm gửi hồ sơ đến các Sở ngành, UBND cấp huyện (nơi có đất) để lấy ý kiến bằng văn bản đối với dự án.
Sau khi nhận đủ ý kiến các Sở ngành, trong thời gian 05 ngày, Sở TN&MT tổng hợp ý kiến và có văn bản báo cáo kết quả thẩm định nhu cầu sử dụng đất để trả Chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án và quyết định đầu tư dự án theo quy định”.
Đối với dự án Đại Thanh: Năm 2011, Sở Tài nguyên Môi trường nhận được hồ sơ của Công ty CP Đầu tư Hải Phát (đại diện liên danh) xin chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh.
Sau đó, các Sở, ngành Thành phố và UBND huyện Thanh Trì đã có văn bản gửi Sở TN&MT tham gia ý kiến thẩm định nhu cầu sử dụng đất của dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra (tháng 9/2013) Sở TN&MT chưa có văn bản thông báo kết quả thẩm định nhu cầu sử dụng đất để trả chủ đầu tư là vi phạm Điều 10, Quyết định 02/2010/QĐ-UB ngày 18/1/2010 của UBND Thành phố.
Sở TN&MT đã có Văn bản số 2557/STNMT-ĐKTK ngày 27/7/2011 gửi các đơn vị: Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch đầu tư, Cục Thuế Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì, đề nghị tham gia ý kiến thẩm định nhu cầu sử dụng đất của Công ty CP đầu tư Hải Phát.
Về thẩm định hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Sau khi nhận hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công ty Hải Phát từ năm 2011, theo báo cáo của đại diện Sở TN&MT tại cuộc họp với Thanh tra Thành phố ngày 07/8/2013: Hiện Công ty Hải Phát đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất nên Sở Tài nguyên chưa lập Tờ trình, dự thảo quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trình UBND TP.
Theo hồ sơ tài liệu do Sở TN&MT cung cấp, Thanh tra Thành phố thấy: Từ năm 2011 đến thời điểm thanh tra, Sở TN&MT có 02 văn bản số 2002/STNMT-ĐKTK ngày 30/5/2012 và Văn bản số 3164/STNMT-SSKTK ngày 14/8/2012, gửi Công ty CP đầu tư Hải Phát đề nghị bổ sung, hoàn thiện các hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Như vậy, thời gian giải quyết hồ sơ của Sở TN&MT quá dài, vượt quá thời gian quy định tại Quyết định số 02/2010/QĐ-UB ngày 18/1/2010 của UBND TP. Sở TN&MT chưa làm hết trách nhiệm, chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ, chưa kịp thời hướng dẫn, yêu cầu đơn vị bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Về thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai: Sở TN&MT chưa nắm bắt, theo dõi, kiểm tra, giám sát kịp thời việc thực hiện pháp luật đất đai của dự án Đại Thanh.
Trước những sai phạm trên của dự án Đại Thanh, Thanh tra TP. Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo: Kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở TN&MT (thời điểm ông Nguyễn Trọng Đông hiện vẫn giữ chức Giám đốc Sở) vì: Buông lỏng quản lý, không kiểm tra giám sát chặt chẽ dẫn đến để tồn tại một dự án phát triển nhà ở có nhiều vi phạm trên địa bàn TP. Hà Nội.
Câu hỏi đặt ra là, liệu ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội có bị kiểm điểm hay không? Và hình thức kiểm điểm là gì? Vì sao mà dự án vẫn tiếp tục tồn tại sai phạm cho đến nay (Thanh tra Chính phủ phải đề nghị xử lý hình sự)? Vì sao để Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên liên tục vi phạm pháp luật về xây dựng nhưng chưa thấy lãnh đạo Sở ngành nào của Hà Nội bị kỷ luật?
Trước đó, ngày 29/8/2013, Sở TN&MT Hà Nội đã công bố quyết định của UBND TP. Hà Nội bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Bí thư Quận ủy Long Biên làm Giám đốc Sở; Thừa ủy quyền của UBND TP, đại diện Sở Nội vụ đã công bố các quyết định của Chủ tịch UBND TP về việc nghỉ hưu theo chế độ đối với ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN&MT và quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Bí thư Quận ủy Long Biên làm Giám đốc Sở TN&MT, kể từ ngày 1/9/2013, thời hạn 5 năm.
Điều 285 Bộ luật hình sự nêu rõ: Tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" "1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm". |
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: Thương hiệu & Công luận