Trong vụ việc này, hành động của ông “vua” áo đen này được so sánh với cách mà SLNA phản ứng. Bên cạnh việc làm ầm ỹ, kiện trọng tài, đội bóng xứ Nghệ còn đẩy vấn đề đi xa khi nghi ngờ cái sai xuất phát từ tư tưởng, từ lý do khác, mà nói thẳng ra là tiêu cực. Sau đó, SLNA gửi công văn tới VFF, VPF, Ban trọng tài rồi Ban tổ chức giải yêu cầu “xem xét không sử dụng ở các giải chuyên nghiệp”.
Bị thua thiệt và có lẽ, việc mùa trước từng làm ầm ỹ để rồi “chiến thắng” khi khiến trọng tài Hà Anh Chiến bị treo còi vĩnh viễn vì sai lầm trong trận đấu với FLC Thanh Hóa, nên SLNA một lần nữa đòi “cạch mặt” trọng tài. Không phải lần đầu tiên đội bóng xứ Nghệ làm thế. Và không chỉ họ, nhiều đội bóng cũng có thói quen và cách hành xử như thế trước cái sai, hoặc cho rằng và đổ lỗi cho trọng tài sai. Đó là nghịch lý, chỉ có ở bóng đá Việt Nam.
Việc trọng tài Trung Kiên B xin lỗi được nhiều người liên tưởng tới trọng tài Clattenburg ở giải Ngoại hạng Anh, khi công nhận bàn thắng cho Arsenal mới đây và sau đó chủ động tìm tới các cầu thủ Hull City xin lỗi giữa giờ nghỉ. So sánh thì khập khiễng, nhưng rõ ràng đó là hành động đáng để tôn trọng, ít nhất nếu so sánh sự khác biệt giữa hình ảnh quen thuộc ở sân cỏ Việt Nam khi cầu thủ SLNA quây lấy trọng tài phản ứng với thái độ của cầu thủ Hull City.
Từ giải Ngoại hạng Anh đến V.League, từ trọng tài Clattenburg đến Trung Kiên B, rõ ràng đó là cách cư xử văn minh. Và bóng đá Việt cần nhiều hơn những lời xin lỗi cùng sự văn minh như thế, không chỉ với các ông “vua” áo đen, để bóng đá bớt đi sự xấu xí lẫn ác cảm và tốt đẹp hơn.
Tác giả bài viết: GIANG ANH/ Theo báo giao thông