Giáo dục

Rào cản đối với phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ mẫu giáo

Các địa phương đã làm tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nhưng hướng đến trẻ 3-4 tuổi, nhiệm vụ này còn gặp nhiều khó khăn.

Học sinh Trường Mầm non xã Suối Giàng đa phần là người đồng bào dân tộc Mông.

Đổi mới phương pháp dạy giúp trẻ yêu thích đến trường

Trường Mầm non xã Suối Giàng nằm trong khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Nơi đây có gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chủ yếu dựa vào công việc nương rẫy.

Tuy nhiên, từ nhiều năm trước, Trường Mầm non xã Suối Giàng đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Nhiều năm liền, trường đạt tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp là 100%. Trẻ 5 tuổi trước khi bước vào lớp Một đều nhận biết được chữ cái, chữ số, có phần mạnh dạn và tự tin.

Kết quả trên thể hiện sự nỗ lực của nhà trường trong việc triển khai tích cực các biện pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Trong đó, phải kể đến sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học, đồ chơi mới giúp học sinh hứng thú khi đến lớp.

Lớp học của cô giáo Đỗ Thùy Quyên, giáo viên Trường Mầm non xã Suối Giàng là một ví dụ. Lớp nằm tại điểm lẻ của trường, cách trường trung tâm 12km. Ở đây, việc trẻ học theo lớp ghép, sĩ số đông với nhiều độ tuổi, trình độ nhận thức khác nhau là chuyện không hiếm gặp.

Đơn cử, lớp do cô Quyên chủ nhiệm năm học 2022 – 2023, là lớp ghép 3 trình độ với sĩ số là 41 em. Hiểu những khó khăn, vất vả của trẻ và gia đình các em, cô Quyên không chỉ đến từng nhà vận động phụ huynh cho trẻ ra lớp. Nữ giáo viên còn tìm hiểu các phương pháp dạy học mới, ứng dụng những đổi mới vào lớp học để tạo sự hứng thú, say mê cho trẻ đến trường.

Giáo viên ứng dụng thiết bị công nghệ vào dạy học.

Năm 2018, cô Quyên tham gia Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam của Microsoft và có cơ hội giao lưu, học hỏi từ đồng nghiệp trên mọi miền tổ quốc. Nhờ đó, nữ giáo viên đã ứng dụng nhiều phần mềm công nghệ thông tin trong việc dạy học, khơi gợi hứng thú của trẻ.

Đơn cử, cô giáo ứng dụng Skype mở lớp học “xuyên biên giới” bằng cách kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy cô giáo khác tại Việt Nam và nước ngoài.

Cô Quyên kể: Một lần, tôi kết nối lớp học với một cô giáo ở Hà Nội rồi tổ chức cho lớp đi tham quan Hồ Gươm trực tuyến. Cho đến khi tôi đọc truyện ‘Sự tích Hồ Gươm’, các bé vẫn nhớ những hình ảnh, nội dung buổi tham quan đó và liên kết với câu chuyện. Các bé không chỉ hứng thú hơn với câu chuyện mà có thêm nhiều hiểu biết.

Tại xã Suối Giàng, trẻ em ít có cơ hội được tiếp cận công nghệ thông tin như Internet, máy tính... Vì vậy, khi dạy học, cô Quyên cố gắng lồng ghép những nội dung này. Hiện, lớp của cô Quyên đang sử dụng 2 robot thông minh là robot Mtiny và robot Vex 123 để giáo dục STEM.

Theo nữ giáo viên, các hoạt động trên đã rút ngắn khoảng cách giữa thầy trò, từ đó góp phần giảm thiểu chênh lệch giáo dục giữa các vùng miền. Khi trẻ mở lòng với giáo viên, các em cũng thích đi học, thích đến trường; phụ huynh cũng hiểu giá trị của giáo dục và thêm phần tin tưởng vào nhà trường. Từ đó, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi dân tộc thiểu số tại xã Suối Giàng được nâng cao.

Rào cản vùng miền khiến phổ cập giáo dục mầm non gặp khó khăn.

Chênh lệch giáo dục giữa các vùng miền

Tuy nhiên với Đề án phổ cập Giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi, cô Quyên cho rằng việc triển khai sẽ khó khăn hơn so với công tác phổ cập trẻ 5 tuổi. Một trong số đó là trẻ em người dân tộc Mông còn nhút nhát, rụt rè, tự ti; đồng thời, nhận thức của các em chưa cao như trẻ 5 tuổi. Nhu cầu đưa trẻ 3 – 4 tuổi ra lớp tại địa phương còn ít.

Đây cũng là khó khăn mà cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường Mầm non xã Bằng Lãng, tỉnh Bắc Kạn, ghi nhận khi gắn bó với trẻ dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đặc biệt với các bé trong độ tuổi 3 tuổi, mức độ quan tâm của phụ huynh trong việc đưa trẻ ra lớp chưa được như các cấp học khác.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị giữa trường trung tâm và điểm trường lẻ chưa đồng đều, có dấu hiệu xuống cấp.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Cù Thị Thuỷ, thách thức và khó khăn vùng miền là rào cản lớn trong việc phổ cập giáo dục mầm non nói chung và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi nói riêng.

Cụ thể, chất lượng giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Tại các địa phương này còn thiếu điều kiện để chăm sóc, giáo dục trẻ. Số trẻ mầm non được tổ chức ăn bán trú còn thấp, dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao so với bình quân chung toàn quốc.

Nhằm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, các thầy cô giáo đều bày tỏ chung mong muốn tiếp tục được quan tâm, đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng; quan tâm, chăm lo và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho giáo viên vùng khó. Đồng thời, tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho giáo viên.

Phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo (3-4 tuổi) và duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong GDMN nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ em mầm non được tiếp cận giáo dục. Công tác phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo nhằm duy trì, nâng cao kết quả đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi; chuẩn bị tốt cho trẻ em vào lớp 1 đối với tất cả các vùng miền trong cả nước.

Tác giả: Phạm Khánh

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

  Từ khóa: rào cản ,giáo dục ,mầm non

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP