Kinh tế

Quỳnh Lưu: Rau sạch và vấn đề thương hiệu

Quỳnh Lưu là huyện có thế mạnh về sản xuất rau màu với các vùng chuyên canh lớn như Bãi Ngang, Tân Sơn… Những năm gần đây, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và từng bước khẳng định thương hiệu, huyện đã chỉ đạo các địa phương có diện tích trồng rau màu xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng Việt Gap. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề sản xuất rau sạch đối với người dân vẫn còn đó nhiều nỗi lo lắng, băn khoăn.

Nỗi niềm rau sạch

Sau 5 năm nỗ lực sản xuất rau an toàn (từ 2010 đến nay), tháng 11/2015 HTX Nông nghiệp Phú Lương, xã Quỳnh Lương được công nhận tiêu chuẩn ViêtGap. Hiện nay, ở HTX có 64 xã viên tham gia sản xuất ra sạch với diện tích canh tác 10ha, tại khu vực cánh đồng Nắc Am. Sản phẩm chủ yếu là các loại rau cải, su hào, cà rốt, cà chua, súp lơ, hành hoa…Sản lượng rau màu của HTX Phú Lương mỗi năm đạt từ 400 – 500 tấn/năm, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và được bán trực tiếp cho 2 siêu thị Metro, Big C…Nhờ sản xuất rau theo mô mình ViêtGao mà người sản xuất có thu nhập cao hơn 10% so với trước, đảm bảo môi trường, an toàn cho người tiêu dùng và chính người sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay để phát triển, mở rộng thêm diện tích và nâng cao giá trị sản xuất rau màu ở HTX Phú Lương đang còn đó nhiều trăn trở, băn khoăn của người dân.

Ông Hồ Lâm Thông – Chủ nhiệm HTX Rau màu Phú Lương, xã Quỳnh Lương cho biết: Để được chứng nhận bảo đảm tiêu chuẩn ViêtGap, người trồng rau phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật khắt khe do không được sử dụng tùy tiện phân bón, thuốc kích thích, do đó năng suất giảm hơn so với sản xuất tự do, chi phí nhân công chăm sóc cũng tăng lên khoảng 10-15%, nhưng sau khi hết hợp đồng bán cho 2 siêu thị Metro và Big C thì sản phẩm có hai công ty khác ở ngoài tỉnh đến bao tiêu. HTX rất mong được tiêu thụ tiếp ở siêu thị vì không phải qua trung gian, đỡ chi phí. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận với 2 siêu thị nói trên thì HTX đang gặp khó khăn và cần cấp trên hỗ trợ.

Rau sạch trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có mặt ở các siêu thị

Cùng với xã Quỳnh Lương, đến nay xã Quỳnh Bảng cũng đã xây dựng được 10 ha rau theo tiêu chuẩn VietGap với hơn 230 hộ tham gia, tập trung ở các thôn: Chí Thành, Đồng Văn, Đồng Tâm và Đồng Hưng. Tham gia quy trình này, người sản xuất phải tuân theo 4 bước gồm: làm đất đúng kỹ thuật; chọn giống rau tốt; phun thuốc theo quy trình; thu hoạch phải đảm bảo thời gian cách ly dư lượng hóa chất và dư lượng phân bón. Để áp dụng quy trình này, hàng năm xã Quỳnh Bảng tổ chức từ 3 – 4 lớp tập huấn với trên 200 học viên để chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con cách trồng rau an toàn.

Tuy nhiên, rau an toàn trên thực tế lại không được người tiêu dùng ưa chuộng nhiều. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo bà Bùi Thị Kế, một hộ trồng rau có thâm niên hàng chục năm ở xóm Đồng Văn, xã Quỳnh Bảng thì do rau an toàn có mẫu mã xấu hơn rau bình thường nên người tiêu dùng không mấy sử dụng. Hơn nữa quy trình trồng lại khắt khe, mất nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch lâu hơn trồng các loại rau khác nên giá thành cao hơn sản phẩm trồng theo phương pháp truyền thống. Song, giá bán rau an toàn lại không cao. Do đó, không thu hút người nông dân sản xuất rau an toàn.

Xã Quỳnh Bảng xây dưng thương hiệu rau sạch
Anh Hoàng Quang Dũng – Công chức nông nghiệp xã Quỳnh Bảng, (Quỳnh Lưu) mong muốn: Khi đã xây dựng được thương hiệu rau sạch rồi thì để các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra quản lí chặt đối với thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi trên thị trường, nhất là các loại thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc. Còn về đầu ra cũng đề nghị công ty đảm bảo cho bà con về giá cả và thời gian thu mua, để bà con yên tâm sản xuất.

Cần giải pháp cho thương hiệu rau sạch?

Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có hơn 1.000 ha sản xuất rau màu các loại, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng chuyên canh Bãi Ngang với diện tích khoảng 800 ha. Sản lượng rau màu toàn huyện đạt hơn 50 ngàn tấn/năm. Thời gian qua, cùng với các cơ chế hỗ trợ của cấp trên, huyện đã triển khai nhiều chính sách nhằm khuyến khích bà con sản xuất rau sạch, rau an toàn theo hướng VietGAP tại các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Minh và Quỳnh Bảng, với diện tích mỗi xã là 10 ha. Tuy nhiên, thực tế sản xuất rau màu sạch tại Quỳnh Lưu cũng gặp nhiều khó khăn như điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên; việc triển khai trồng rau trong nhà lưới, nhà kính còn khó khăn dẫn đến sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều; công tác tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị chưa hiệu quả, phần lớn bà con tự sản xuất, tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên việc áp dụng các tiến bộ KHKT còn hạn chế…

Hệ thống tưới phun tự động được nhiều người dân sử dụng tăng hiệu quả sản xuất

Để việc sản xuất rau sạch ngày càng phát triển và đem lại hiệu quả cao cho người nông dân. Thiết nghĩ, các ngành, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh việc kết nối, ký kết hợp đồng cung ứng, tiêu thụ nông sản VietGAP và tiếp tục theo dõi để tháo gỡ khi gặp vướng mắc, trong đó công tác tuyên truyền cần được đi trước một bước. Bên cạnh đó, người sản xuất cũng phải minh chứng được cho khách hàng sản phẩm của mình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP về mặt hình thức nhận diện. Khi sản phẩm đã có nhãn hiệu, gắn logo VietGAP, các nhà phân phối, nhà trung gian, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng.

Tác giả bài viết: Thanh Toàn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP