Cụ tổ của dòng họ Đào là ông Đào Xuyến. Cách đây khoảng 250 năm do chạy nạn Đại Hồng Thủy, từ tỉnh lị Vinh ông Đào Xuyến đã đến mảnh đất này lập nghiệp, kết duyên với bà Hồ Thị Thành rồi sinh con đẻ cái. Đến năm 1917 để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, người chắt của ông tổ Đào Xuyến là lý trưởng Đào Ngoạn đã khởi xưởng cùng nhiều người con họ Đào xây dựng nên nhà thờ. Với 2 dãy nhà hình chữ “L”, bên trong có 3 bàn thờ chạm trổ nhiều hình chim hạc và rồng, biểu tượng của văn hóa truyền thống và khí phách. Trải qua 100 năm, qua nhiều lần tu sửa nhà thờ vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Dòng họ Đào ở xã Quỳnh Thuận là một trong những dòng họ có truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà thờ đã được sử dụng để cất giấu súng đạn, bể nước làm nơi chứa lương thực thực phẩm phục vụ cho bộ đội và dân quân địa phương chiến đấu. Nhiều người con của dòng họ như Đào Quang, Đào Vĩ, Đào Chí Thành, Đào Thị Cơ đã tham gia rất tích vào phong trào yêu nước 1930 - 1931. Trong đó có ông Đào Quang - Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu, khi bị giặc Pháp và tay sai khủng bố gắt gao, ông vẫn kiên trung lãnh đạo phong trào cách mạng và sau đó ông bị giặc bắt, đưa đi tử hình vào ngày 15/2/1931.
Tiếp nối truyền thống của cha ông đi trước, đến nay nhiều thế hệ con cháu họ Đào đã trở thành những sỹ quan quân đội, doanh nhân thành đạt, những nông dân lao động giỏi và có 50 người đậu vào các trường Đại học và học lên thạc sĩ…
Tác giả bài viết: Thanh Toàn (Đài Quỳnh Lưu)
Nguồn tin: