Kinh tế

Quán quân lợi nhuận ngân hàng quý I đổi chủ

Quý I, lợi nhuận của hầu hết nhà băng tăng so với cùng kỳ năm 2021. Một ngân hàng tư nhân đã vượt lên dẫn đầu, trở thành quán quân lợi nhuận sau 3 tháng đầu năm.

Trong quý I, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 11.146 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước, cũng là con số lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà nhà băng này ghi nhận được từ trước đến nay. VPBank lý giải một phần nguyên nhân đến từ việc ghi nhận khoản phí trả trước từ thỏa thuận bảo hiểm độc quyền với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam.

Với kết quả trên, VPBank là ngân hàng duy nhất lãi vượt 10.000 tỷ đồng và giành ngôi quán quân trong bảng xếp hạng lợi nhuận toàn hệ thống quý I. Năm nay, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 29.662 tỷ đồng, tăng tới 107% so với năm ngoái.

Trong khi đó, Vietcombank tụt xuống vị trí thứ hai với lợi nhuận trước thuế đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, hoạt động chứng khoán kinh doanh, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, lãi từ hoạt động kinh doanh khác 3 tháng đầu năm của Vietcombank đều giảm.

Trước phiên họp đại hội cổ đông diễn ra vào cuối tháng 4, Vietcombank cho biết sẽ tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng thông tin, lộ trình nhận chuyển giao tổ chức tín dụng trên sẽ không quá 8 - 10 năm.

(Biểu đồ: Văn Hưng).

Tại bảng xếp hạng lợi nhuận các ngân hàng quý I, đứng ở vị trí thứ ba và thứ tư lần lượt là Techcombank và MB.

Techcombank báo lãi 6.785 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Ngân hàng do ông Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch HĐQT đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021.

Hết quý I, MB lãi trước thuế 5.909 tỷ đồng, tăng 29%. Ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23%. Trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn, lợi nhuận trước thuế của MB dự kiến tăng lên 19.000 tỷ đồng.

Tương tự Vietcombank, MB sắp nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái chia sẻ với cổ đông tại đại hội thường niên mới đây rằng việc nhận chuyển giao vừa là nhiệm vụ, vừa là tự nguyện, lộ trình chuyển giao khoảng 7-8 năm. Sau khi triển khai tái cơ cấu, MB có 3 phương án xử lý: một là sáp nhập vào MB để quy mô MB lớn lên, hai là bán tổ chức tín dụng này đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần.

Đứng ở vị trí thứ năm về kết quả kinh doanh quý I là VietinBank khi lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 5.822 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Ở quý I/2021, VietinBank về nhì, chỉ sau "ông lớn" Vietcombank.

Bên cạnh VietinBank, chỉ còn 4 ngân hàng khác ghi nhận lợi nhuận quý I giảm so với cùng kỳ là Kienlongbank (giảm 82%, còn 127 tỷ đồng), OCB (giảm 34%, còn 836 tỷ đồng), VietBank (giảm 9%, còn 113 tỷ đồng) và NCB (giảm 6%, còn 26 tỷ đồng).

Còn lại hầu hết nhà băng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Eximbank bứt phá ấn tượng với lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 3,8 lần so với cùng kỳ, đạt 809 tỷ đồng (xếp thứ 17), hay lợi nhuận trước thuế của VietABank tăng gấp 3,2 lần, đạt 399 tỷ đồng (xếp thứ 20).

SHB cũng báo lãi trước thuế tăng 94% so với cùng kỳ, đạt 3.226 tỷ đồng và xếp thứ 8. Năm nay, SHB đặt mục tiêu lãi trước thuế 11.686 tỷ đồng, tăng 87% so với năm trước. Ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT SHB, chia sẻ với cổ đông cơ sở của kế hoạch lợi nhuận trên đến từ việc năm 2021, ngân hàng trích lập 7.887 tỷ đồng để xử lý nợ VAMC. Năm nay, ngân hàng dự kiến trích lập 4.700 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với năm ngoái, do đó khả năng đạt được con số lợi nhuận là khả thi.

Tác giả: Văn Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP