Nghệ sĩ Hữu Lộc được rất nhiều người dân Long An yêu mến vì tính tình giản dị, hiền lành, thường ngồi cà phê vỉa hè bình dân những năm cuối đời vui vẻ với mọi người - Ảnh: BÙI GIANG |
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Lộc, một trong những người dành cả cuộc đời đóng góp rất lớn đến việc phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương, đã qua đời vào lúc 15h30 ngày 4-11 sau khi phải vào viện cấp cứu hơn một ngày vì bị nhồi máu cơ tim.
Nghệ sĩ Hữu Lộc tên thật là Võ Phú Hữu, quê huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Với ngoại hình và giọng hát thiên phú, ông trở thành kép chính trong nhiều đoàn hát nổi tiếng từ năm 18 tuổi. Từ năm 1975 đến 1985, nghệ sĩ Hữu Lộc hát chính và làm phó Đoàn nghệ thuật cải lương Tây Ninh.
Sau đó, nghệ sĩ Hữu Lộc về công tác tại Đoàn nghệ thuật cải lương Long An. Ông được xem là người đóng vai trò rất lớn để phát triển nghệ thuật cải lương ở Long An, nâng đỡ cho nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh trên sân khấu, đồng thời soạn và dàn dựng nhiều tác phẩm để đời gắn liền với Đoàn nghệ thuật cải lương Long An như "Hoàng tử và tên ăn mày", "Hãy yêu nhau thật lòng", "Trà hoa nữ", "Trái tim mù", "Giọt đắng", "Người đánh rơi hạnh phúc", "Chỉ còn là kỷ niệm"...
Đến khi về hưu, ông cùng vợ là Nghệ sĩ ưu tú Ánh Hồng vẫn ở trong căn phòng tập thể nhỏ được nhà nước cấp cách đây hơn 30 năm phía sau sân vận động Long An. Và ông vẫn miệt mài tham gia vào nhiều hoạt động của sân khấu cải lương như làm giám khảo, sáng tác, cho đến gần những ngày cuối đời.
Tang lễ NSƯT Hữu Lộc được tổ chức tại nhà riêng số 382/14 Hưng Phú, phường 9, quận 8, TP.HCM. Đến 13h ngày 8-11, linh cữu của ông sẽ được đưa đi hỏa táng và đưa tro cốt về quê hương ông ở TP Cần Thơ.