Trong tỉnh

Nghệ An có 8 vụ người điều khiển phương tiện gây tai nạn, bỏ trốn khỏi hiện trường

Thống kê của phòng CSGT tỉnh cho biết, từ đầu năm 2018 đến tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh có 8 vụ người điều khiển phương tiện gây tai nạn nhưng không giữ nguyên hiện trường mà bỏ trốn, làm 5 người chết, 4 người bị thương.

Khi mạng người bị xem nhẹ

Để xảy ra tai nạn giao thông là điều ngoài ý muốn, song đáng ra tài xế gây tai nạn nên đối diện với điều không may đó để xử lý hậu quả, đưa người bị nạn đi cấp cứu kịp thời thì dẫu biết người thân của mình khó qua khỏi, người nhà cũng bớt phần oán hận, bớt ám ảnh rất nhiều.

Anh N.N.T ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, từng có người thân tử vong do không được tài xế gây tai nạn đưa đi cấp cứu kịp thời

Không chỉ riêng trường hợp người thân của gia đình anh N.N.N, trong nhiều trường hợp, vì sự tắc trách, vô cảm của tài xế đã cướp đi mạng sống của nhiều người bị nạn. Đơn cử, vào khoảng 21h30 phút ngày 26/6, trên Quốc lộ 1A đoạn qua khu vực khối 2, thị trấn Diễn Châu xảy ra vụ tai nạn khiến 2 nam thanh niên điều khiển xe máy BKS 37B2 - 126.62 chạy theo hướng Vinh - Hà Nội tử vong.

Theo thông tin, sau tiếng va chạm lớn, người dân chạy ra thì phát hiện 2 nam thanh niên nằm sõng soài giữa đường, cách đó không xa chiếc xe máy lao lên dải phân cách. Điều đáng nói, sau khi vụ tai nạn xảy ra, chiếc xe ô tô có liên quan đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

Hiện trường vụ tai nạn vào 21h30 ngày 26.6 trên QL 1A đoạn qua Thị trấn Diễn Châu khiến 2 người tử vong. Ảnh tư liệu Đức Thành

Trước đó, vào khoảng 20h ngày 28/3, người dân phát hiện trên tuyến đường chính của xã Diễn Lộc (Diễn Châu) một người đàn ông tên P. (SN 1977, trú xóm 16, xã Diễn Lộc) nằm tử vong bất thường giữa đường. Tại hiện trường, cạnh thi thể của ông P. có một chiếc xe máy đã hư hỏng.

Tuy nhiên, qua xác minh, chiếc xe này không phải là của nạn nhân. Sự việc lập tức được báo lên chính quyền địa phương. Công an điều tra cũng có mặt khám nghiệm tử thi, hiện trường. Cơ quan công an nhận định, chiếc xe máy ở hiện trường là xe của người gây tai nạn. Có thể đối tượng gây ra vụ va chạm giao thông trên đã lấy xe máy của nạn nhân tẩu thoát.

Chưa hết, khoảng 18h30 phút ngày 26/1, một chiếc ô tô chở ngô màu vàng chạy trên đường Hồ Chí Minh, qua địa bàn xóm 9, xã Nghĩa Bình đang cố vượt một chiếc ô tô chở ngô màu trắng khác thì bất ngờ va chạm với xe máy mang BKS 37X2 - 6466 do anh Bùi Văn S. (SN 1979), trú ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn chở theo vợ là chị Vũ Thị N. (SN 1978). Cả 3 chiếc xe đều chạy cùng chiều theo hướng Tân Kỳ - Nghĩa Đàn.

Cú va chạm mạnh khiến anh S. ngã mạnh xuống đường tử vong tại chỗ, người vợ bị gãy cả tay và chân, được người dân đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Tại hiện trường, chiếc xe máy bị húc văng vào tận lề đường, hư hỏng nặng. Sau khi xảy ra tai nạn, 2 chiếc ô tô chở ngô không dừng lại cấp cứu nạn nhân mà bỏ chạy khỏi hiện trường.

Chiếc xe máy liên quan đến vụ việc xảy ra trên địa bàn xã Diễn Lộc (Diễn Châu) vào ngày 28/3 do 2 đối tượng gây tai nạn bỏ lại. Ảnh tư liệu Đức Thành

Mới đây vụ việc xảy ra ở quận Tân Phú (TP.Hồ Chí Minh) vào sáng 25/6 cũng đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Cụ thể, đoạn clip được trích từ camera giám sát đặt trước nhà dân cho thấy, vào khoảng 3 giờ 12 phút ngày 25/6, sau khi chiếc taxi va chạm với 2 người đi xe máy tại một ngã ba, tài xế taxi có xuống xe quan sát tình hình.

Tuy nhiên, khi bước lại gần, thấy 1 người nằm bất động, còn người kia liên tục bị co giật, tài xế lập tức lên xe và rời khỏi hiện trường, bỏ mặc người bị nạn nằm bơ vơ ngay trên đường.

Phạt nặng để làm gương

Theo Trung tá Nguyễn Trường Giang - Đội trưởng Đội xử lý, phòng CSGT tỉnh: Nhiều đối tượng điều khiển phương tiện ô tô, xe máy tham gia giao thông khi gây tai nạn bỏ mặc hậu quả xảy ra, điều khiển phương tiện chạy khỏi hiện trường, lợi dụng thời điểm ban đêm, trời mưa, đoạn đường tối, vắng người qua lại để bỏ trốn... Bên cạnh đó, để qua mắt lực lượng chức năng, số đối tượng này còn nhanh chóng đưa phương tiện bị tai nạn đi cất giấu, sửa chữa.

Hầu hết các trường hợp này, căn cứ trên dấu vết tại hiện trường kết hợp với nguồn tin, hình ảnh của người dân cung cấp, cơ quan chức năng đều truy tìm được người điều khiển phương tiện để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp xảy ra trên đường mòn Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, tại những khu vực hẻo lánh, vào ban đêm, hoặc khi trời mưa thì quá trình xác minh, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề này, Trung tá Võ Thế Quyền - Phó trưởng Công an huyện Diễn Châu cho rằng: Tài xế bỏ chạy khỏi hiện trường sau tai nạn gây ra rất nhiều hệ lụy. Trước tiên, đó là nạn nhân sẽ không được cứu giúp kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng, tiếp theo là gây khó khăn cho cơ quan điều tra bởi hiện trường bị xáo trộn... Hành vi vi phạm này phần lớn tập trung ở đối tượng thanh, thiếu niên.

Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện gây tai nạn phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất...

TS.LS Nguyễn Trọng Hải - Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự

Như vậy, việc lái xe điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn sau đó chạy trốn khỏi hiện trường thể hiện sự coi thường sức khỏe và tính mạng của người khác, coi thường pháp luật, vấn đề này phải được lên án và cần những quy định pháp luật bổ sung để răn đe.

Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ cần phải quy định cụ thể về thời gian phải đến cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo, tránh quy định chung chung để những người gây ra tai nạn lợi dụng kẽ hở để trốn tránh trách nhiệm.

Các mảnh vỡ, phụ tùng xe cơ quan công an thu giữ tại hiện trường một vụ tài xế ô tô bỏ chạy sau khi gây tai nạn. Ảnh tư liệu Công an Nghi Lộc

Theo phân tích của một giáo viên dạy bộ môn Tâm lý ở Trường Đại học Vinh, một số trường hợp lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn là do quá sợ hãi về việc sẽ bị người dân hoặc người thân của nạn nhân hành hung. Tuy nhiên, pháp luật cho phép lái xe khi gây tai nạn được rời khỏi hiện trường để đến cơ quan công an trình diện, chứ không có nghĩa “một đi không trở lại”.

Phân tích kỹ hơn, giáo viên này cho rằng, với tình huống gây tai nạn bỏ chạy, người lái xe lúc đó có thể nghĩ rằng việc không ai nhìn thấy có thể giúp mình thoát tội, nhưng họ quên rằng hình ảnh về vụ tai nạn, về nạn nhân bị chết do mình gây ra sẽ là nỗi ám ảnh, đeo đẳng lương tâm suốt cả cuộc đời.

Để giảm những tình huống lái xe gây tai nạn rồi rời khỏi hiện trường, trốn tránh trách nhiệm, thiết nghĩ ngoài việc tăng chế tài xử phạt với những người gây tai nạn, cơ quan chức năng cần thông tin rộng rãi về những vụ việc này nhằm răn đe người vi phạm, cũng như giáo dục, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Đồng thời với việc tăng mức độ trả giá cho hành vi bỏ trốn của tài xế thì cũng cần giảm nỗi lo sợ của họ bằng việc quy định xử phạt với những hành vi đe dọa, làm tổn hại đến tính mạng, ngăn cản tài xế thực hiện trách nhiệm sau tai nạn của mình...

Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng.

Mức phạt với hành vi này đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, người gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì sẽ bị phạt tù từ 3 - 10 năm.

Xả lũ sai quy trình khiến 1 người chết, thủy điện phải bồi thường 650 triệu đồng

Tác giả: Đặng Nguyễn

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP