Giáo dục

Phụ huynh cần bỏ qua thành tích khi trẻ lớp 1 học online

Chuyên gia cho rằng nỗi lo của cha mẹ sẽ phóng chiếu tới trẻ. Do đó, khi con học online, phụ huynh cần tạm bỏ qua thành tích, tạo cho con sự hào hứng khi học.

Trẻ lớp 1 học online là nỗi lo của nhiều người. Giáo viên, phụ huynh và những đứa trẻ 6 tuổi sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi buổi đầu học chữ, thầy cô không thể cầm tay uốn nắn các con từng nét viết.

“Học sinh lớp lớn từng học online sẽ có phần dễ dàng hơn. Nhưng học sinh lớp 1 rất khó khăn. Học trực tuyến không thể bằng học trực tiếp, ai cũng biết, nhưng phải chấp nhận và cố gắng”, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), nhắn nhủ.

Cô giáo dạy online cho trẻ lớp 1. Ảnh minh họa: Duy Anh.

Chuẩn bị cho trẻ về mặt cảm xúc

Thầy Khang cho rằng dù học trực tiếp hay trực tuyến, trẻ lớp 1 khó tránh cảm giác lo sợ khi học trường mới, lớp mới, cô giáo mới, bạn mới...

Quá trình học online, thiếu vắng các hoạt động cùng ăn, chơi, ngủ nghỉ với bạn bè, tiếp xúc giáo viên khiến việc củng cố tâm lý cho các con càng khó khăn hơn.

Vì thế, trong những tuần đầu hoặc trước khi tựu trường, các trường cần chuẩn bị cho phụ huynh, học sinh tâm thế phải học trực tuyến vào đầu tháng 9.

Theo thầy Khang, những học sinh này còn nhỏ tuổi, chưa thể tự kết nối với lớp học, giáo viên qua máy tính, điện thoại. Vì thế, muốn triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả cho học sinh lớp 1, hai việc cần làm là tập huấn phụ huynh và để giáo viên làm quen với các con.

Giáo viên cần có buổi sinh hoạt trực tuyến với học sinh để cô trò giới thiệu, làm quen. Lớp học có thể có một vài hoạt động văn nghệ đơn giản (hát, múa) để các bé được thể hiện mình... Những "hoạt động mềm" như thế sẽ gắn kết cô với trò với nhau.

TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng cho rằng việc chuẩn bị về mặt cảm xúc, nề nếp, thái độ cho trẻ rất quan trọng.

Trẻ lớp 1 chưa thể vừa thao tác trên máy vừa chú ý theo dõi bài giảng. Với khả năng chú ý của trẻ, trong những tuần đầu tiên, giáo viên chỉ tập trung vào rèn nếp.

Phụ huynh cần ở bên để giúp con rèn thói quen đến giờ học là ngồi vào bàn, ngồi đúng tư thế, nghiêm túc nghe cô giảng.

Quan trọng, người lớn cần tạo cho trẻ tâm thế học là vui, được gặp bạn mới, thầy cô, có nhiều hoạt động thú vị. Ngày khai giảng, dù phải ở nhà, trẻ vẫn hào hứng.

Ông hiểu khi trẻ lớp 1 phải học online, cha mẹ sẽ rất lo lắng. Tuy nhiên, như vậy, họ sẽ phóng chiếu nỗi lo đó cho con.

Vì thế, ông hy vọng trong khó khăn chung, phụ huynh nghĩ đến những điều tích cực, cách để con hứng thú, vui vẻ với việc học. Đây cũng là khoảng thời gian để bố mẹ, con cái có mối quan hệ thân thiết hơn.

Ngoài ra, tâm thế của giáo viên cũng rất quan trọng trong việc chuẩn bị cảm xúc cho học sinh lớp 1 khi học online. Sự chăm chú, yêu thương, hỏi han từng học trò từ thầy cô sẽ giúp hỗ trợ những đứa trẻ rất nhiều trong giai đoạn căng thẳng này.

Với khả năng chú ý của trẻ, trong những tuần đầu tiên, giáo viên chỉ tập trung vào rèn nếp. Ảnh: Duy Anh.

Cần sự phối hợp, kèm cặp của phụ huynh

TS Trần Thành Nam cũng cho rằng khi trẻ lớp 1 học online từ đầu, phụ huynh nên tạm bỏ qua thành tích, không cần đặt mục tiêu hết học kỳ I, con đọc, viết được bao nhiêu chữ trong một phút. Thậm chí, con viết chữ không đẹp cũng được vì ngày nay, mọi người phần lớn dùng máy tính gõ chữ.

Thay vào đó, họ nên hỗ trợ con rèn nề nếp, dạy con biết nói ra nhu cầu của bản thân, giơ tay trong giờ học, làm quen với các nút bấm khi học online, ngồi đúng, cầm bút đúng và chơi những trò chơi như cho con tô nét theo đường mê vào mê cung để luyện cách cầm, nắm bút.

“Tôi nghĩ có hai câu rất đúng trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt với các con lớp 1, là ‘giảm kỳ vọng, tăng kỳ công’, tức bố mẹ cùng ngồi trò chuyện, hỗ trợ con, và ‘giảm chỉ trích, tăng chỉ dẫn’ - hướng dẫn con bắt đầu giai đoạn học tập”, TS Thành Nam nói.

Ngoài học trực tuyến, phụ huynh cần có phương án dự phòng như kênh online phù hợp, sử dụng kho sách điện tử từ các nhà xuất bản để hướng dẫn con.

Trước khi vào học kỳ I, giáo viên cũng cần có buổi tập huấn cho phụ huynh, thậm chí cho gia đình ký cam kết, xác nhận sẽ có một người đồng hành với con trong năm học khó khăn.

Ngoài giờ học trực tuyến, giáo viên gửi bài giảng để phụ huynh giúp con học bù khi có thời gian, phòng trường hợp trục trặc kỹ thuật, con bỏ lỡ nội dung đó khi học online.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng khi trẻ lớp 1 học online, phụ huynh cần đóng vai trò trợ giảng, phối hợp với cô giáo trong suốt buổi học, học cùng với con. Vì thế, thầy nghĩ nên ưu tiên cho trẻ học vào buổi tối để nhiều gia đình có thể có người kèm cặp trẻ.

Theo thầy, trong những buổi đầu, bố mẹ cần theo sát con. Khi con quen hơn với việc học, phụ huynh chỉ cần hỗ trợ con kết nối lớp học ở đầu buổi hoặc khi hướng dẫn con viết.

TS Trần Thành Nam lưu ý thêm khi đồng hành cùng con trong việc học online, phụ huynh cũng cần học một số kỹ năng như kiểm soát cảm xúc. Bên cạnh đó, nhà trường chuẩn bị, hướng dẫn cha mẹ học sinh kỹ năng sử dụng ứng dụng mới, đặc biệt những người lần đầu có con học lớp 1, kỹ năng làm cha mẹ tích cực, tôn trọng việc học của con…

“Nếu quyết định cho học online, trường cần hiểu khó khăn phụ huynh gặp phải như không có không gian, thiết bị... Từ đó, trường có sổ tay hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ về mặt tinh thần, gợi ý trong tình huống nhất định, họ nên làm gì”, TS Nam nói thêm.

Giáo viên cần có bài giảng linh hoạt, đa dạng khi dạy online cho trẻ lớp 1.

Trẻ học 2 tiếng mỗi ngày, bài giảng đa dạng

Học online đối với trẻ lớp 1 sẽ rất vất vả. Vì thế, ngoài sự đồng hành của gia đình, nhà trường, giáo viên cũng cần điều chỉnh công tác dạy học.

Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết không nên bắt trẻ lớp 1 học online cả 7-8 môn học. Việc dạy trực tuyến nên được áp dụng trước cho hai môn Tiếng Việt, Toán.

Ở môn Tiếng Việt, giáo viên chú trọng cho trẻ học đọc vì phần này dễ hơn. Dạy viết là thứ yếu vì nó khó hơn, đương nhiên vẫn dạy được. Ở môn Toán, học sinh có thể với các chữ số, học tính.

Với nội dung học như vậy, mỗi ngày, trẻ học online 3 tiết, trong khoảng thời gian 2 tiếng.

Thầy nói thêm việc dạy online cũng có phần thuận lợi khi bộ “bật đèn xanh” để giáo viên linh hoạt trong dạy học. Với cùng một nội dung, thầy cô có thể căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng nắm bắt của học sinh để dạy trong một tiết hay hai tiết. Miễn cuối kỳ I, lớp hoàn thành chương trình học kỳ II và hết học kỳ II, lớp học xong chương trình năm học.

TS Trần Thành Nam đồng ý việc chỉ nên cho trẻ lớp 1 học online khoảng 2 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh đó, giáo viên cần điều chỉnh bài giảng. Trước hết, bài giảng cần có định dạng đa dạng để phụ huynh, học sinh có thể xem cả trên những thiết bị đơn giản.

Cách thức giảng dạy phải thay đổi so với năm ngoái. Theo TS Trần Thành Nam, năm học vừa qua, nhiều giáo viên mang bài giảng trực tiếp lên trực tuyến, dẫn đến số liệu điều tra của UNICEF cho thấy 75% trẻ thấy bài giảng trực tuyến khó hiểu, không thích học online.

Ông cho rằng đối với lớp 1, việc học online khó do khả năng chú ý chưa tốt, trẻ thường chỉ có thể ngồi yên 10 phút. Vì vậy, tương tác giữa cô trò qua màn hình chỉ nên kéo dài tối đa 10 phút.

TS Nam gợi ý giờ học nên thiết kế tối giản, chia thành các pha, xen kẽ giữa việc cần tương tác qua màn hình và thời điểm trẻ làm bài tập dưới sự giám sát của phụ huynh. Các pha cần trẻ nhìn vào màn hình là khi cô hướng dẫn, giảng bài hay phản hồi bài tập học sinh. Các pha khác, phụ huynh cho con làm bài, thực hành rồi ghi lại, gửi giáo viên đánh giá.

Như vậy, để việc học online của trẻ hiệu quả, giáo viên cần nghiên cứu kỹ bài giảng, xem có thể vận dụng những gì, chia thành pha như thế nào. Đồng thời, họ phải dành nhiều thời gian hơn để nghĩ các ứng dụng, trò chơi, hoạt động cho cả học sinh và phụ huynh tham gia.

“Dạy học online cho trẻ lớp 1 là giải pháp tình thế lúc này và chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức. Nhưng chúng ta phải khẳng định người lớn đang làm để trẻ dừng đến trường nhưng không dừng học”, TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Tác giả: Nguyễn Sương

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP