Giáo dục

Căng thẳng ‘vé vào’ trường có tỷ lệ chọi 1/30 và câu chuyện của phụ huynh chỉ sợ…con đỗ

Mệt mỏi, lo âu là tình trạng chung của nhiều phụ huynh đưa con đi thi vào lớp 10 chuyên của Hà Nội trong cái nóng đến 40 độ.

Chú Nguyễn Viết Thanh (Dương Nội, Hà Nội) chia sẻ việc đưa con đi thi vào 3 trường chuyên. Ảnh: Đỗ Hợp

“Vay tiền cho con học tôi cũng cam lòng”

Đưa con đi thi trong suốt 8 ngày vừa qua, chú Nguyễn Viết Thanh (Dương Nội, Hà Nội) luôn trong trạng thái bất an, lo lắng.

Chú Thanh không ngại ngần chia sẻ mong muốn con đỗ vào một trong 3 trường luôn là mục tiêu của con trai và cũng là kỳ vọng của cả gia đình chú.

“Tuy nhiên, sau ngày thi ở trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, con về không vui và tự tin đỗ lắm. Con nói rằng đề thi năm nay không khó, do đó con lo sợ nhiều bạn sẽ đạt điểm cao hơn mình. Tôi vẫn nhớ năm trước đón con chị cháu đi thi, ra cổng trường cháu nào cũng nhăn nhó thì đề khó. Đề thế, con chị cháu đã đỗ ”- chú Thanh nói.

Mặc dù không gây áp lực cho con về chuyện trượt đỗ, nhưng vẫn kỳ vọng sẽ đỗ vào chuyên Toán hoặc chuyên Hóa theo đúng sở thích của con.

Năm nay, con trai chú đăng ký vào chuyên Toán, chuyên Hóa của các Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên và Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội.

Dù con sẽ đi thi 8 ngày liên tiếp đầy vất vả và mệt mỏi cùng con, phải nghỉ việc nhưng chú không nề hà..

“Tôi thấy, bây giờ cạnh tranh để vào trường chuyên vô cùng khốc liệt. Nhiều gia đã đầu tư ngay từ lớp 6, học đầy đủ các thầy trong những trường nổi tiếng về các môn tự nhiên đôi khi còn chẳng ăn ai. Đằng này con tôi chỉ ôn thi ở nhà, bần cùng lắm mới đi học thêm nhà thầy cô dạy ở trường nên khi đưa con ra đây đi thi, thấy các phụ huynh kể đi học nhiều, là tôi thấy lo lắm”- chú Thanh nói.

Cũng theo chú Thanh chia sẻ, việc cho con đi thi ai chẳng muốn đỗ. Tuy nhiên, năm nay, việc học online kéo dài cũng khiến chú phấp phỏng không yên. Nhà không có điều kiện, không cho con đi học thêm trên Hà Nội được, chú Thanh bảo chỉ biết động viên con và tin tưởng con mà thôi.

Chú Thanh chia sẻ, là công nhân làm nghề xây dựng, mỗi ngày công ở quê kiếm được 250.000 nghìn đồng. Vợ chú, một thợ may, lương còn thấp hơn chồng. Bàn tới bàn lui, chú là người nghỉ việc 8 ngày đưa con đi thi. Trong túi, có đủ ít tiền để cho xăng xe, nước nôi, tiền ăn, hai cha con đã bước sang ngày thứ 8 để con “lai kinh ứng thí” đủ ở cả ba trường chuyên.

Chia sẻ về việc nếu con đỗ trường chuyên, mong ước của chú là gì, chú nói: “Tôi không mong ước con phải là những con mọt sách. Tôi chỉ mong con có một môi trường tốt để học hỏi, có kiến thức, rèn kĩ năng để sau này có một nghề nghiệp vững chắc, không phải phập phù như bố mẹ chúng”.

Tuy nhiên, đọng lại trên đôi mắt khắc khổ, mệt mỏi vì thiếu ngủ do 8 ngày đưa con đi thi triền miên, là nỗi lo lắng.

“Đúng là con không đỗ thì buồn mà đỗ thì lại lo. Trong ba trường, tôi mong cháu đỗ được vào trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên nhất vì vừa gần nhà và vì con sẽ có chị gái đang học chuyên Hóa. Thực ra, với vợ chồng tôi, nuôi hai con học trường chuyên trên này thì cũng quá sức. Nhưng tôi nghĩ, đằng nào nợ thì cũng nợ rồi, nhưng mong cháu được học hành tử tế, có phải đi vay tiền, tôi cũng cam lòng”- ông bố bộc bạch.

Chị Vũ Thu Thủy (Chương Mỹ, Hà Nội) mệt mỏi đợi con ngoài cổng trường thi THPT Chuyên Sư phạm. Ảnh: Đỗ Hợp

Nếu đỗ được thì tốt, nhưng không đỗ cũng không sao

Có con dự thi vào 3 trường chuyên trong 7 ngày liên tục, chị Vũ Thu Thủy (Chương Mỹ, Hà Nội) là người đã luôn đồng hành cùng con tới trường thi.

Gần 5h sáng mẹ con chị đi từ Chương Mỹ lên trường THPT chuyên Sư phạm để thi vào lớp chuyên Anh, một khối chuyên mà có tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng, cao nhất vào lớp 10 năm nay: 1/29,7.

Là một giáo viên cấp hai, chị Thủy cho biết, dù xác định thi chuyên, nhưng con chị biết gia đình không khá giả gì nên con không học thêm nhiều. Từ tết đến giờ, cháu mới xin mẹ cho đăng ký học mấy khóa học online của các thầy cô ôn luyện có tiếng ở Hà Nội, với học phí lên tới gần 20 triệu.

“Vì cháu thích học môn ngoại ngữ và có người chị đang học ở trường THPT chuyên Ngoại ngữ chỉ dẫn, nên khi con xin học và nói ra tiền học phí như vậy, tôi cũng choáng. Nhưng sau trấn tĩnh lại khi con nói rằng con thích vào đây để có cơ hội tốt trong học tập thì tôi ủng hộ. Giờ tôi mong mỏi nhất là con có thể thi đỗ vào ngôi trường chuyên mà mình vẫn mơ ước”- chị Thủy nói.

Nhà ở Chương Mỹ, cách điểm thi Trường THPT Chuyên Sư phạm hơn 30 cây số, buổi thi sáng nay, sau khi con vào phòng thi lúc 6h30 phút sáng, chị ngồi ở ngoài cổng để chờ con.

Chị Thủy chia sẻ, con gái chị vốn tự giác và học tập tốt. Tuy nhiên, con hơi nhút nhát. Nên từ khi lớp 7, lớp 8 con nói sau này con sẽ thi chuyên thì tôi ủng hộ: “Việc nếu con được học các trường chuyên, tôi nghĩ con sẽ có môi trường rộng mở hơn. Tôi nghĩ tiếng Anh sẽ khiến con dễ dàng tiếp xúc với nền tri thức, học hỏi được nhiều hơn”- chị Thủy nói.

Chị Thủy cho rằng, nếu đỗ được thì tốt, nhưng không đỗ cũng không sao vì theo chị, nếu con có sự tự giác, dù trong môi trường nào cũng có thể phát huy thế mạnh của mình.

Chia sẻ về việc nếu con đỗ vào một trường chuyên và sẽ đi học trên này, nhà thì xa, sẽ phải tiền thuê trọ, tiền học, gia đình chị sẽ tính thế nào: “Với tiền lương vỏn vẹn của hai vợ chồng đều là giáo viên thì sẽ không đủ đâu. Đằng nào cũng phải vay mượn rồi, thì cháu có đỗ thì cũng phải cố cho cháu đi học bằng bạn bằng bè chứ”-chị Thủy bộc bạch.

Tác giả: Đỗ Hợp

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP