Trong tỉnh

Phóng sự: Gặp lại “thần y” của núi rừng

Dẫu mưa hay nắng, dù ngày lễ hay ngày bình thường, hễ có người bệnh đến xin cứu chữa, bà lại vào rừng tìm thuốc. Đã không ít người con dân bản khỏi bệnh. Bà được người dân trong vùng xem như một “thần y” của núi rừng. “Thần y” ấy chính là bà Sầm Thị Khiêm, người dân tộc Thái, trú tại bản Xăng, xã Châu Bính (huyện miền núi Qùy Châu, Nghệ An).

“Thần y núi rừng” Sầm thị Khiêm đang bốc thuốc cho người bệnh

“Thần y” của bản

Ngôi nhà sàn của bà Khiêm nằm khuất bên sườn núi. Từ trung tâm thị trấn Tân Lạc đi vào phải mất một quảng thời gian dài. Hầu như khắp các bản làng thuộc vùng núi Tây Bắc Nghệ An ai cũng biết danh tiếng của “thần y” này. Cơn mưa xối xả, bản làng ngập trong nước và gió. Thế mà vẫn có bệnh nhân đội nón đến từ nhiều nơi về đây xin được chữa bệnh.

Thấy anh em chúng tôi lặn lội vào nhà, bà Khiêm ngỡ là bệnh nhân. Được anh bạn quê gốc Qùy Châu giới thiệu bằng loạt tiếng Thái, bà Khiêm cởi mở mời anh em vào nhà. Bên căn nhà ấy, bà Khiêm đã kể lại những vui buồn cuộc đời và cái nghề “lang y” của bà.

Sinh ra và lớn lên ở bản Kẻ Cọc. Lấy chồng từ thuở 13 tuổi. Ngày đó mới học xong lớp 4 ở trường bản bà Khiêm đã theo bố mẹ vào rừng làm nương phát rẫy như bao cô gái khác của miền sơn cước.

Trước ngày đi lấy chồng, ông bố đã truyền cho con gái cái nghề gia truyền này. Ông bố còn đưa cho bà 3 quyển sách viết bằng tay, hướng dẫn cụ thể từng loại bệnh, từng loại thuốc cứu chữa. Bà Khiêm một lòng vâng lời bố rồi ngày đêm miệt mài tự nghiên cứu thêm để chữa bệnh cho đồng bào. Ban đầu bà chỉ bốc thuốc chữa các bệnh lặt vặt trong bản Xăng, sau đó chữa cho nhiều người ở bản khác.

Sau thời gian tự mò mẫm, tiếng lành đồn xa, bà Khiêm ngày càng chữa khỏi nhiều căn bệnh cho nhiều người. Hễ ai có bệnh gì thì chữa bệnh đó. Nhưng chủ yếu chữa các bệnh cảm cúm, đau bụng, sưng vú, gan, gãy xương, trật khớp, sỏi thận, tiểu đường…

Một số người dân bản kể lại, thảng trong từng ngày người ta lại thấy bà Khiêm chạy vào rừng hái thuốc. Có hôm gánh cây thuốc về như một gánh củi. Ai có bệnh gì thì bà bốc thuốc cho bệnh đó. Thuốc của bà được lấy từ cây dược liệu trong rừng. Tất nhiên, không phải bệnh gì cũng chữa được hoặc người nào cũng khỏi. Bà Khiêm cho biết, hầu hết những bệnh nhân đến với bà là đã qua khám bệnh ở các Trung tâm y tế, sau đó mang kết quả về báo bệnh để bà bốc thuốc. Nếu ai mang bệnh án về thường thì bà Khiêm bốc thuốc có hiệu quả hơn, vì đối với bà Khiêm khó khăn nhất vẫn là chẩn đoán bệnh. Đã gần hai mười năm nay, bình quân mỗi ngày có ít nhất từ 5-10 bệnh nhân tới xin thuốc.

Một điều rất đặc biệt là chữa bệnh xong bà không hề lấy tiền. Ai có thì biếu dăm bảy nghìn, còn nếu đưa nhiều bà nhất quyết không lấy.

Bà Khiêm tâm sự: “Thấy bà con đi chữa bệnh mà tôi thương quá! Nhiều người nghèo xơ nghèo xác mà còn bị mang bệnh. Vì thế tôi không bao giờ lấy tiền của bệnh nhân”.

Theo quan sát, mỗi thứ thuốc được bà Khiêm bó lại thành từng bó, sau đó hướng dẫn cụ thể cho bà con mang về sắc uống. Người nào trúng thuốc thì chỉ trong vòng một hai tuần là khỏi (đối với bệnh bình thường). Bệnh nhân ở gần thì chỉ cần uống theo tuần, khi nào hết thuốc thì đến lấy về tiếp tục sắc uống.

Ông Cao Đình Đông (một nghệ sỹ nhiếp ảnh, trú ở phường Cửa Nam, TP Vinh) kể lại: "Cách đây chừng 20 năm, ông cùng con trai mang video lên bản Xăng, Châu Bính chiếu phim cho bà con dân bản xem. Cậu con trai của ông theo trai bản trèo lên lèn đá bắt chim chẳng may rơi xuống. Chân bị gãy, vai gãy, một số chỗ khác bị dập xương và xây xước da".

"Thấy vậy, bà Khiêm đã dùng thuốc chế ra từ cây lá rừng của mình chữa các vết thương. Kết quả chỉ hơn một tháng sau là cháu Trung bắt đầu khỏe mạnh. Bây giờ ngồi nhớ lại lúc con trai mình bị nạn, NSNA Cao Đình Đông vẫn chưa hết bàng hoàng. Bị nặng như thế mà bà Khiêm vẫn chữa khỏi”, ông Đông chia sẻ.

Thoát khỏi mệnh trời

Ban đầu nghe dân Qùy Châu về xuôi đem câu chuyện chữa bệnh của bà Khiêm bao người vẫn chưa tin lắm. Cho đến lúc tới ngôi nhà sàn của bà tôi mới biết. Cách chữa bệnh của bà thật đơn giản. Ai đau bệnh gì thì bà đưa cho nắm lá hoặc bó lại từng bó y đúc bó củi.

“Thần y núi rừng” Sầm thị Khiêm đang bốc thuốc cho người bệnh

Điều đặc biệt là không có bất kỳ một dấu hiệu nào mang tính dị đoan hay bói toán như một số “lang y” núi rừng khác. Và cứ thế, sau khi có thuốc, bệnh nhân chỉ đem về nhà sắc uống là xong. Chỉ thế thôi mà bao người gần xa đã được bà Khiêm cứu chữa.

Một số người bệnh đã từng đi bệnh viện để chữa trị nhưng không khỏi, cuối cùng họ cũng tìm đến bà Khiêm. Anh Lang Văn Dũng, một bệnh nhân trú tại bản Xăng kể lại: "Năm 2014 bị đau bụng, cả nhà vét sạch gia sản để đưa anh đi chữa bệnh nhưng các y, bác sỹ bệnh viện đã “bó tay.” Khi gia đình chỉ biết ngồi chờ ngày “ra đi” thì bà Khiêm đã bốc thuốc cho anh ấy uống thử. Rất may, chỉ sau chữa đầy hai tháng mọi người đã thấy anh Dũng khỏe mạnh trở lại. Đến nay anh Dũng đã đi làm rừng như bao người khác".

Gần bản Xăng còn có ông Lang Văn Biên bị đau gan. Bằng phương pháp của mình, bà Khiêm đã chữa khỏi bệnh cho ông ấy một cách nhẹ nhàng mà gia đình không phải bỏ ra một đồng xu nào.

Mới đây nhất, có anh Lương Thái, một người con dân tộc Thái trú ở địa bàn huyện miền núi Qùy Châu thuộc diện bị nghiện ma túy nặng. Mỗi khi cơn lên Thái phải dùng kim tiêm chích trúng động mạch nên máu cứ từ từ phun ra. Thái đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác đều bị trả về. Những tưởng cuộc đời của mình thế là chấm hết. May sao, một hôm bà Khiêm đi rừng về tình cờ ghé thăm, thấy người bệnh đáng thương bà liền bốc thuốc thử cho uống xem sao. Khi người nhà sắc lên cho Thái uống, thấy ngày một đỡ hơn và máu không còn rỉ ra nữa. Cứ thế bốn tháng trời trôi qua, cơ thể Thái đã trở lại bình thường. Khi chúng tôi tìm đến nhà mục sở thị thì được người nhà Thái cho biết, nay anh đã khỏe mạnh và theo trai bản vào rừng lao động. Điều đặc biệt, từ khi khỏi bệnh cũng là lúc Thái không còn thèm khát gì đến ma túy nữa.

Một trường hợp khác đó là chị Nguyễn Thị Hiền, quê Hà Tĩnh. Trước đây Hiền vào TP Hồ Chí Minh lao động, ngày trở về trên thân thể đầy những lở loét, rụng tóc, mất hết chu kỳ kinh nguyệt. Nghe tin bà Khiêm ở bản Xăng chữa nhiều thứ bệnh, chị Hiền đã tìm đường ra tận bản Xăng làng xem sao.

Tại đây, bà Khiêm đã không ngần ngại bốc thuốc cho chị Hiền. Sau 8 tháng kiên trì uống thuốc, chị Hiền đã khỏe mạnh như người bình thường. Sau khi khỏe mạnh, chị Hiền đã không quên quay trở lại thăm hỏi, cám ơn bà Khiêm rồi giới thiệu thêm hai bệnh nhân khác cũng mang mầm bệnh na ná như mình để được chữa trị. Được biết, sau khi uống thuốc được một thời gian ngắn, hai cô gái này cũng đã khỏe mạnh và đi làm trở lại.

Chuyện về “thần y” Sầm Thị Khiêm chữa bệnh ở vùng này như một câu chuyện lạ ở Việt Nam. Bởi, thế cũng cần có các tổ chức nghiên cứu, kiểm nghiệm xem loài thuốc chữa bệnh đó như thế nào? Có thực sự có sức đề kháng với các căn bệnh hiểm nghèo hay không. Nếu đúng vậy thì rất có thể đưa tên các loài cây đó vào danh mục cây dược liệu để tiếp tục nghiên cứu phục vụ y học cổ truyền./.

Tác giả: Phan Sáng

Nguồn tin: thoivietbao.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP