Trong nước

Phòng "chạy" tín nhiệm

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIV bắt đầu từ hôm nay, 22-10, đánh dấu QH khóa này đã trải qua đúng nửa nhiệm kỳ hoạt động 5 năm.

Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 6 là việc lấy phiếu tín nhiệm với tất cả chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đó là những chức danh trong những cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước.

Việc lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát tối cao của QH nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng nhằm giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đây cũng là một cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ, nhất là những cán bộ giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước.

Thời gian 2 năm rưỡi kể từ kỳ họp thứ nhất tới nay đã đủ để QH, nhất là mỗi đại biểu QH, có đánh giá cơ bản về mỗi chức danh mà mình đã bỏ phiếu bầu hoặc phê chuẩn hồi tháng 4-2016. Để giúp cho việc lấy phiếu tín nhiệm được chính xác, mỗi chức danh đưa ra lấy phiếu tín nhiệm có bản tóm tắt việc thực hiện nhiệm vụ nửa nhiệm kỳ vừa qua cùng nhận xét của các cơ quan thẩm quyền, cư dân nơi cư trú...

Mỗi đại biểu QH ngoài việc tham khảo những tài liệu này cũng có đánh giá của riêng mình về người được lấy phiếu tín nhiệm, những đánh giá mà phần nào có được từ việc lắng nghe ý kiến cử tri trong các cuộc tiếp xúc.

Việc lấy phiếu tín nhiệm chính xác sẽ mang lại hiệu quả và hiệu ứng tích cực để người tín nhiệm cao tiếp tục những nỗ lực đã được QH ghi nhận đánh giá cao và người tín nhiệm chưa cao nhìn lại mình, khắc phục những tồn tại, nỗ lực cao hơn nữa thực hiện trọng trách được giao phó.

Sự chính xác của việc lấy phiếu tín nhiệm vì thế không kém phần quan trọng. Do vậy, QH đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ngay vào đầu kỳ họp nhằm tránh những tác động dẫn tới sự thiếu công bằng, công tâm có thể có như sau các phiên chất vấn "nóng".

Cũng do ý nghĩa quan trọng của "chỉ số tín nhiệm" nên không loại trừ có thể có những tác động nhất định từ những người trong cuộc. Điều này đã được Tổng Thư ký QH cảnh báo trong cuộc họp báo về kỳ họp thứ 6 này khi nhắc đề nghị của Chủ tịch QH đến các đại biểu QH tránh những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, tiệc tùng, nhất là vào dịp lấy phiếu tín nhiệm, vì "điều này có thể gây hiểu nhầm".

Dư luận từng đề cập tới nhiều kiểu "chạy". Mỗi nhiệm kỳ QH thường chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần nên chưa từng thấy dư luận râm ran về vấn đề này. Song không phải vì thế mà không lên tiếng cảnh báo, cảnh tỉnh. Phòng và ngăn ngừa kiểu "chạy" này không để xảy ra với bất kỳ hình thức và mức độ nào là để việc lấy phiếu tín nhiệm được chính xác, công bằng và công tâm nhất.

Tác giả: Phạm Dương

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP