Theo chân Quang - một thổ địa, PV Tiền Phong về vùng Thung Khẳng (xã Thọ Hợp) tới khu mỏ của ông L. mất hàng giờ di chuyển trên con đường dốc đứng trơn trượt. Mỏ đá này chỉ cách trung tâm xã 2 km. Hai máy xúc lớn đang rầm rập gạt đá loại xả xuống chân núi. Ba công nhân thay nhau khoan khối đá trắng trên đỉnh… Thành, quê ở Thanh Hóa, có kinh nghiệm làm mấy năm ở đây. Thành không găng tay, không giầy, không khẩu trang, khuôn mặt đen kịt cùng bộ quần áo đã sờn rách, đôi dép tổ ong và chiếc mũ cối. Cứ thế, Thành trèo thoăn thoắt trên mỏm đá, hai tay đè giữ mũi khoan rung lên từng hồi.
Thành cho biết: “Làm ở đây, mỗi ngày chủ mỏ trả 170.000 đồng và được ăn bữa trưa. Nghỉ ngày nào thì mất tiền ngày ấy, không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm. Việc khoan đá, nổ mìn do công nhân tự học nhau làm chứ chẳng qua trường lớp nào. Ai nhanh tay, nhanh mắt thì làm được, không cẩn thận mất mạng như chơi”. Số thợ đá như Thành ở Quỳ Hợp rất nhiều và chủ yếu là lao động tự do đến từ các huyện Tĩnh Gia, Như Thanh (Thanh Hóa) do quen biết dẫn mối. Mỗi đội thợ đá có một người đứng ra nhận tiền thù lao và công việc được giao mỗi ngày.
Công nhân đang khoan đá để nhồi mìn tách đá.
Tại mỏ đá của doanh nghiệp tư nhân Long Anh, công nhân cũng đầu trần, tay không khai thác đá. Cách đó không xa là mỏ đá của Cty Hùng Mạnh ở Bản Íng; xuống Bản Kèn có Cty Dương Đông, rồi vào xã Liên Hợp có Cty An Sơn, số công nhân được trang bị đồ bảo hộ lao động chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mìn nổ những ngày mưa
Tại bãi nổ mìn của Cty N.H. (Thọ Hợp), hơn chục công nhân xẻ đá đã được tạm nghỉ, chỉ còn lại 2 người đang nổ máy khoan đá. Thuốc nổ được nhồi đều vào để tách đá thành từng phiến. Sau đó, công nhân sẽ dùng kích chập điện cho nổ đồng loạt.
Một thùng kíp nổ đã được sử dụng.
Theo tìm hiểu của PV, các mỏ đá ở đây đều phải sử dụng mìn để khai thác. Nhưng để xin được giấy phép, doanh nghiệp phải có công nhân được đào tạo và được cấp chứng chỉ. Bởi vậy số công ty có giấy phép chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trước đây, vì tiết kiệm kinh phí, dùng ít thuốc nổ, doanh nghiệp phải cho công nhân đào núi theo kiểu hàm ếch rồi mới nổ mìn, như thế có khi mìn chưa nổ nhưng công nhân có thể đã bị đè chết bởi đá lở. Tuy nhiên, hiện nay, các mỏ đều dùng mìn nổ vừa tiết kiệm sức người, sức máy. Những quả mìn nặng từ 3 - 5 tạ được sử dụng có thể đánh sập cả mảng núi hàng nghìn mét khối. Sau đó, những khối đá đẹp được chọn khoan, nhồi thuốc nổ để tách ra.
Ông Nguyễn T. (người dân ở Thung Khẳng, Thọ Hợp) cho biết: “Những ngày mưa, không có ai vào kiểm tra, mìn nổ bất cứ lúc nào”.
Chỉ riêng ở vùng Thung Khẳng có hàng chục điểm mỏ đang hoạt động. Có công ty chỉ được cấp phép khai thác ở một điểm nhưng sở hữu từ 2-3 mỏ trong cùng một xã.
Bốn tháng chưa xử phạt trường hợp nào? “Tính từ đầu năm 2016 đến nay (thời điểm PV tới làm việc cuối tháng 4), chúng tôi chưa xử phạt trường hợp nào do cán bộ luân chuyển, bận công tác chuẩn bị bầu cử”-ông Nguyễn Minh Khôi, Phó trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quỳ Hợp nói. |
Tác giả bài viết: Đức Anh