Nếu ngữ liệu trong SGK chưa phù hợp, thầy cô có quyền linh hoạt lựa chọn nội dung tương tự để học sinh dễ hiểu.
Trao quyền cho giáo viên
Những ngày qua, trên một số diễn đàn mạng xã hội xuất hiện thông tin, hình ảnh về việc sử dụng ngữ liệu được cho là trong SGK để dạy học sinh nhưng chưa phù hợp khiến dư luận xã hội bức xúc. Ví như bài: Giã gạo thổi cơm, Bắn tung tóe, Bạn An dũng cảm, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó... Trước thông tin trên, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, nội dung trên không có trong SGK được giảng dạy tại nhà trường.
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên cao cấp tại Học viện Quản lý Giáo dục, khi tiếp nhận thông tin này, Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng phối hợp với cơ quan an ninh để vào cuộc xác minh những tổ chức/cá nhân cố tình đăng thông tin sai sự thật nhằm bôi xấu danh dự ngành Giáo dục và Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, cơ quan chức năng phải xử lý người vi phạm theo các chế tài của pháp luật thật nghiêm minh.
“Học sinh ở lớp nhỏ chưa có kiến thức xã hội, tư duy phản biện nên có thói quen học và làm theo. Vì thế, mỗi hình ảnh, thông tin đưa vào SGK phải có tính sư phạm nhằm giáo dục đạo đức cho các em”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh. |
Về phía Bộ GD&ĐT và các nhà xuất bản cần chủ động rà soát, kiểm tra phản ánh đó có nằm trong SGK không? Nếu phản ánh đúng, Bộ GD&ĐT cần tiếp thu, chỉnh sửa, hiệu đính theo quy định để đảm bảo tính chính xác về mặt ngữ liệu. Bởi ngữ liệu trong SGK ngoài đúng về mặt chuyên môn phải đảm bảo tính sư phạm.
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, giáo viên được giao quyền tự chủ và phát triển chương trình. Thầy cô phải là người rà soát, nếu ngữ liệu trong SGK chưa chuẩn có thể thay thế bằng nội dung khác cho phù hợp, đảm bảo tính khoa học.
“Trong nhà trường, tổ chuyên môn có thể họp và thống nhất thay thế đoạn này bằng đoạn khác, linh hoạt trong sử dụng nội dung chương trình. Về bản chất, giáo viên giúp cho Bộ GD&ĐT hoàn thiện và phát triển Chương trình GDPT mới”, nữ chuyên gia khẳng định.
Cần xử lý theo pháp luật
Trao đổi với Báo GD&TĐ, TS.LS Đặng Văn Cường – giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Thủy lợi cho hay, việc Bộ GD&ĐT ra thông báo đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ xác minh, kiểm tra nguồn gốc thông tin trên mạng xã hội; có giải pháp ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai sự thật là động thái cần thiết và đúng đắn.
Hình ảnh về một bài thơ xuất hiện trên mạng xã hội được cho có ngữ liệu không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ảnh: INT |
Vị giảng viên cũng phân tích, trường hợp hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội chưa gây nguy hiểm cho xã hội sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định số 15/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông. Mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân; 10 - 20 triệu đồng với tổ chức vi phạm.
Điều 101 của Nghị định 15/2020 được sửa đổi bởi Khoản 37 của Điều 1 Nghị định 14/2022 của Chính phủ cũng quy định rõ, ngoài phạt hành chính, tổ chức/cá nhân vi phạm phải thực hiện gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Trường hợp đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội tạo ra dư luận xã hội xấu, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội thì tổ chức/cá nhân vi phạm có thể bị xử lý về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Theo nhà giáo Đinh Thị Kim Liên - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), hầu hết giáo viên và học sinh nhận ra đây là những nội dung không có trong SGK. Những lời bình luận “ác ý” thường đến từ người chưa một lần đọc sách và có cái nhìn thiếu thiện cảm với giáo dục.
Ngạc nhiên với thông tin sai lệch về SGK được đăng tải trên mạng, chị Nguyễn Ngọc Anh có con học Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm học, chị luôn theo sát con học và thấy trong bộ sách Cánh diều lớp 1 không có những nội dung được chia sẻ.
“Những bình luận ác ý khiến nhiều người có cái nhìn sai lệch về chương trình, SGK mới. Tôi nghĩ trước khi chia sẻ nội dung thông tin, mọi người cần tìm hiểu kỹ để tránh hiểu lầm, gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy của các nhà trường”, chị Ngọc Anh cho biết.
Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam cho biết: Dựa vào thông tin trên mạng xã hội, một tờ báo chính thống đã đăng thông tin không chính xác về ngữ liệu trong SGK, cụ thể là bài “Vẽ gì khó” được chú thích nằm trong SGK lớp 1 bộ sách Cánh diều. Từ hình ảnh của bài báo, nhiều tài khoản Facebook đã tiếp tục đăng tin sai sự thật.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn cho rằng: Phê bình, góp ý cho SGK hay bất kỳ tài liệu, bài báo, công trình khoa học nào cũng cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, động cơ và mục đích phê bình, góp ý, cũng như thái độ và cách làm cần trong sáng, tôn trọng nhau, đặc biệt cần nêu thông tin đúng và trung thực, có căn cứ, bằng chứng cụ thể, rõ ràng. Đừng chỉ nghe nói đâu đó rồi đưa lại mà không kiểm chứng.
Từ thực tế trên, TS.LS Đặng Văn Cường khuyến cáo người dân khi sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo, không bình luận, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng. Đặc biệt, thông tin, hình ảnh liên quan đến SGK xuất hiện trên một số diễn đàn mạng xã hội những ngày qua cần được cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của tổ chức/cá nhân đăng lên mạng. Tùy theo kết quả điều tra của lực lượng chức năng có hướng xử lý thích đáng với người vi phạm. |
Tác giả: Đình Tuệ - Lê Cường
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn