Thế giới

Phát hiện người thứ hai tự khỏi HIV

Một phụ nữ ở Argentina vừa trở thành người thứ hai trên thế giới được ghi nhận sở hữu hệ miễn dịch có thể đã giúp cô tự khỏi HIV.

Các nhà nghiên cứu gọi trường hợp này - một người mẹ 30 tuổi được chẩn đoán nhiễm HIV năm 2013 - là “Bệnh nhân Esperanza” theo tên của thị trấn ở Argentina, nơi người phụ nữ sinh sống. Trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, “esperanza” có nghĩa là “hy vọng”.

“Tôi đang tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh” - “Bệnh nhân Esperanza” chia sẻ với NBC News bằng tiếng Tây Ban Nha qua email. Cô giữ kín danh tính vì sự kỳ thị xã hội liên quan tới HIV.

“Tôi có một gia đình khỏe mạnh. Tôi không phải uống thuốc và sống như chưa có chuyện gì xảy ra. Đây là một đặc ân”, cô cho biết thêm.

Hình ảnh quét màu của tế bào T dưới kính hiển vi. Nó mang màu xanh lam, xanh lục, tế bào bị nhiễm HIV là màu vàng. HIV tự xâm nhập và đánh lừa bộ máy tế bào, tạo ra các bản sao. Ảnh: NAID.

Tác giả của nghiên cứu trên - đăng tải trên tạp chí Annals of Internal Medicine hôm 15/11 - cho biết họ tin rằng phát hiện này sẽ mang tới hy vọng cho khoảng 38 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với HIV và cho cả lĩnh vực nghiên cứu chữa trị HIV đang ngày càng mở rộng.

Nhóm các nhà khoa học quốc tế này đã nghiên cứu ADN của “Bệnh nhân Esperanza” từ năm 2017 để lần dấu vết của virus. Họ thậm chí còn kiểm tra nhau thai của bệnh nhân HIV này khi cô sinh con vào tháng 3/2020. Sau khi giải trình tự hàng tỷ tế bào, các nhà khoa học xác nhận người phụ nữ này không còn nhiễm HIV.

Đây là một trong hai trường hợp được coi là bằng chứng cho khái niệm về cái được gọi là sự tự điều trị HIV thông qua khả năng miễn dịch tự nhiên.

“Đây thực sự là điều kỳ diệu của hệ miễn dịch con người”, tiến sĩ Xu Yu, nhà nghiên cứu miễn dịch virus tại Viện Ragon ở Boston cho biết. Vị chuyên gia này hợp tác với tiến sĩ Natalia Laufer, nhà khoa học điều trị tại Viện INBIRS ở Buenos Aries, Argentina, dẫn đầu cuộc nghiên cứu toàn diện về bất kỳ virus HIV nào còn tồn tại trong cơ thể “Bệnh nhân Esperanza”.

“Bây giờ chúng ta phải tìm ra cơ chế”, tiến sĩ Steven Deeks, nhà nghiên cứu chữa bệnh HIV nổi tiếng tại Đại học California, San Francisco, người không tham gia nghiên cứu, nói.

“Điều này đã xảy ra bằng cách nào? Và làm thế nào chúng ta có thể tổng hợp lại phương pháp điều trị đó cho mọi người?”.

Ngày nay, các bệnh nhân sống chung với HIV có thể uống thuốc hàng ngày để giảm lượng virus trong cơ thể, từ đó ngăn virus lây lan và giúp họ sống khỏe hơn.

Adam Castillejo - được gọi là "Bệnh nhân London" - đã lần đầu tiên xuất hiện công khai trên truyền thông vào năm 2020. Ảnh: New York Times.

Trong lịch sử, có 4 người từng được công bố chữa khỏi HIV. Tuy nhiên, 2 trong 4 người này, gồm “Bệnh nhân Berlin” và “Bệnh nhân London” được chữa khỏi sau khi cấy ghép tế bào gốc. Phương pháp này chứa quá nhiều rủi ro và các nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu để mở rộng điều trị cho những bệnh nhân khác nhưng không thành công.

Trước “Bệnh nhân Esperanza”, các nhà khoa học chỉ xác định một người nhiễm HIV tự khỏi mà không cần can thiệp y tế là "Bệnh nhân San Francisco", được ghi nhận vào năm 2020.

Tác giả: Hồng Đậu

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP