Pháp luật

Phát hiện doanh nghiệp sản xuất rượu có dấu hiệu sử dụng giấy chứng nhận giả

Bộ Công Thương vừa có thông tin liên quan đến việc một số doanh nghiệp sản xuất rượu nghi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công

Bộ Công Thương cho biết, trước phản ánh của một số cơ quan báo chí về hoạt động sản xuất rượu “siêu rẻ” tại tỉnh Hưng Yên, các lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra và thu được kết quả bước đầu.

Cụ thể, với trường hợp của Công ty CP Akasha (trụ sở tại huyện Kim Động), sản xuất và kinh doanh rượu, các đoàn kiểm tra đã phát hiện một số hành vi vi phạm.

Về hồ sơ, giấy tờ hành chính pháp lý theo quy định trong sản xuất rượu, Công ty Cổ phần Akasha chưa có giấy phép sản xuất rượu, chưa công bố hợp quy đối với sản phẩm rượu nhưng đã pha 3 can rượu, dán nhãn, bán thu tiền 500.000 đồng là không đúng quy định và có dấu hiệu sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm giả.
Vì vậy, Ban chỉ đạo 389 huyện Kim Động đã chuyển hồ sơ vụ việc kiểm tra tại Công ty Cổ phần Akasha có liên quan đến hành vi dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho Công an huyện Kim Động xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.

Cũng tại tỉnh Hưng Yên, lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh Cổ Việt (đại chỉ tại huyện Kim Động) sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hiệu lực.

Tại tỉnh Bắc Ninh, Chi cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Ninh kiểm tra cơ sở sản xuất rượu của ông Nguyễn Văn Hải (thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), tạm giữ 2.000 lít rượu, lấy 4 mẫu rượu để kiểm nghiệm bằng hình thức test nhanh. Kết quả cả 4 mẫu rượu thử có nồng độ methanol trong ngưỡng cho phép.

Hiện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với cơ quan liên quan trên địa bàn triển khai kiểm tra và lấy mẫu tại chỗ thử test nhanh các mẫu rượu đối với các hộ dân nấu rượu thủ công trên địa bàn, yêu cầu các hộ dân nấu rượu thủ công cam kết không pha chế cồn công nghiệp và chất cấm sử dụng vào rượu.

Ngộ độc do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, rượu pha cồn công nghiệp là vấn đề đang rất được dư luận quan tâm. Liên tiếp trong những tháng đầu năm, hàng loạt vụ ngộ độc rượu đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Lực lượng chức năng các địa phương đã tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rượu, tổ chức kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…), đặc biệt là rượu sản xuất thủ công để ngăn chặn tình trạng ngộ độc rượu.

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu tháng 3-2017 đến nay, các Chi cục quản lý thị trường thuộc địa bàn trọng điểm (Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hưng Yên...) đã kiểm tra 1.514 vụ, xử lý 818 vụ, phạt tiền trên 1,740 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 1,468 tỷ đồng.

Cùng đó, lực lượng chức năng tạm giữ, tịch thu 52.777 lít rượu, 2.121 chai rượu các loại, 2 can, 17 bình rượu, 2 chum rượu ngâm 67 kg, 4,9 kg men rượu, 1.559 vỏ chai rượu, 28.500 nhãn rượu, 230 nắp chai.

Một số vụ việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tác giả bài viết: Hà Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP