Theo ông Bh’riu Liếc, qua khảo sát cây đa này có đường kính thân cây rộng gần 5m, tán lá tỏa rộng 80m bao phủ cả quả đồi nhỏ và dáng rất đẹp. Thân cây cao gần 100m với hàng chục nhánh với những tán lá xum xuê, đan kín nhau và có hơn 15 rễ cọc nhánh mọc ra từ tán lá hướng xuống đất, dài từ 30-50m.
Ông Bh’riu Liếc khẳng định, đây là cây đa lớn nhất tại huyện Tây Giang, bước đầu ước tính cây đa này có niên đại xấp xỉ 1.000 năm. Tuy nhiên phải nhờ đến các nhà khoa học tiến hành khoan mới có thể xác định chính xác độ tuổi.
Hiện chính quyền huyện Tây Giang đang xúc tiến lập hồ sơ đăng ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xem xét công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây đa cổ thụ này. Việc lập hồ sơ đăng ký cây đa này là Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch phát triển du lịch sinh thái tại địa phương.
Hiện nay, huyện Tây Giang có 725 cây pơmu và 2 cây đa sộp được công nhận là cây di sản Việt Nam, đưa Tây Giang là địa phương có số lượng cây di sản nhiều nhất nước.
Tuy nhiên, việc đi vào các địa điểm này vô cùng khó khăn do đường sá chưa thuận tiện. Muốn vào được vị trí này phải đi bộ gần 1 giờ đồng hồ, men theo con đường khá hiểm trở.
Tác giả bài viết: Công Bính
Nguồn tin: