Thể thao

Phan Văn Đức: Chứng nhân lịch sử cho cuộc đổi thay của SLNA

Có nằm mơ Phan Văn Đức cũng không nghĩ đến ngày anh sẽ ở lại SLNA với số tiền lót tay cao kỷ lục 10,5 tỷ đồng, một con số mà chỉ có số ít đại gia ở V-League có thể chi trả. Nhưng đó là sự thật, Văn Đức trở thành chứng nhân lịch sử cho cuộc đổi thay chưa từng có tại sân Vinh.

Đi lên từ… cây lúa

Phan Văn Đức là cầu thủ đi lên từ cây lúa đúng theo nghĩa đen. Tiền vệ này sinh ngày 11/4/1996 tại Tăng Thành, Yên Thành - vựa lúa của Nghệ An. Miền quê này không sản sinh ra nhiều ngôi sao bóng đá trước khi Văn Đức và người bạn thân Xuân Mạnh xuất hiện. Mối lo cơm áo gạo tiền khiến đa số các gia đình ở đây hướng con cái đến những công việc ổn định, có thu nhập đều đặn.

Gia đình của Văn Đức vốn không khá giả gì, thậm chí rất khó khăn. Văn Đức là út trong nhà có hai anh em trai. Sau khi Văn Đức ra đời, bố anh phải lặn lội vào Bình Dương làm việc để tìm đường thoát nghèo. Ở thời điểm đó, mẹ Văn Đức - bà Vũ Thị Hiền vừa ở nhà làm nông, vừa chăm hai con nhỏ cùng sự giúp đỡ của bà nội và họ hàng.

Nhà nghèo, Văn Đức lớn lên có phần còi cọc so với bạn bè đồng trang lứa. Thế nhưng, anh chưa bao giờ thiếu niềm vui tinh thần. Từ khi biết chạy nhảy, Văn Đức đã có thể chơi với trái bóng cả ngày. Mẹ Văn Đức thương con, sợ con bị đau khi chơi bóng với đám trẻ cùng xóm, nhưng chưa một lần bà ngăn cản anh. Sự ủng hộ của gia đình là một trong những yếu tố quan trọng giúp Văn Đức thành công như ngày nay.

Thực tế, mẹ Văn Đức từng muốn anh theo hướng đi học và tìm công việc bàn giấy, bởi lẽ cầu thủ này thông minh, học giỏi mà lại có phần nhút nhát, thể hình cũng không nổi trội. Tuy nhiên, niềm đam mê và quyết tâm của Văn Đức với trái bóng tròn đã khiến bà thay đổi suy nghĩ.

Phan Văn Đức nhận số tiền lót tay kỷ lục khi đồng ý ở lại SLNA.

Năm 12 tuổi, khi Văn Đức lọt vào mắt xanh của các thầy giáo tại SLNA và được mời lên thành phố ăn tập bóng đá, bà Hiền đã quyết định cất việc đồng áng theo con. Anh trai Văn Đức cũng lên cùng. Thời đó, ba mẹ con Văn Đức chỉ đủ tiền thuê căn phòng rộng hơn chục mét vuông. Bà Hiền đi làm thêm chỉ đủ tiền thuê phòng. Tiền sinh hoạt hàng ngày và học phí cho con, bà phải nhờ vào tiền lương do chồng gửi về và tiền phụ cấp từ SLNA.

Đó cũng chính là lý do Văn Đức luôn nhắc đến mẹ như một người hùng, và là hình mẫu người phụ nữ lý tưởng. Nếu không có sự hy sinh của bà Hiền, từ những giọt mồ hôi trên cánh đồng lúa ở Tăng Thành cho đến cái nóng của đường phố Vinh ngày nào, Văn Đức chắc chắn không thể tiến xa đến vậy.

Có lẽ cũng vì những ký ức đặc biệt về một thời ăn tập khó khăn và hưởng phụ cấp từ SLNA, Văn Đức chưa bao giờ quên cái nôi đào tạo này. Để rồi khi SLNA sa sút và chạm đáy ở V-League mùa này, anh là người đầu tiên đứng lên xin lỗi, đứng lên kêu gọi sự đồng lòng của đội bóng và người hâm mộ để chiến đấu đến cùng. Ít ai biết ở thời điểm đó, Văn Đức đã sớm nhận được đề nghị bạc tỷ từ những CLB khác, nhưng tiền vệ tấn công này đều từ chối vì muốn tập trung giúp SLNA vượt khó trước khi đưa ra quyết định.

Chứng nhân lịch sử tại sân Vinh

Cũng nhờ tình yêu sắt son của Văn Đức với SLNA, anh đã có cơ hội trở thành chứng nhân lịch sử cho cuộc đổi thay lớn chưa từng thấy tại sân Vinh. Chỉ sau một đêm, SLNA từ đội bóng chìm sâu trong khủng hoảng bỗng chốc trở thành đại gia mới của bóng đá Việt. Tất cả nhờ vào sự chuyển giao nhà tài trợ CLB từ Ngân hàng Bắc Á sang Tập đoàn Tân Long.

Số phận như sắp đặt và tạo ra những biến chuyển đầy thú vị tại một trong những CLB giàu truyền thống nhất V-League. Nếu như 12 năm trước, Ngân hàng Bắc Á chỉ xuất hiện sau khi ngôi sao lớn nhất của SLNA - Lê Công Vinh ra đi thì hiện tại, Tân Long đã kịp thời có mặt để giữ chân biểu tượng mới nhất của đội bóng xứ Nghệ.

Vẫn còn nhiều tranh cãi về sự tiếp quản của Tân Long tại sân Vinh, về sự liên quan của tập đoàn này với T&T của bầu Hiển. Nhưng tất cả sẽ sớm lắng xuống khi SLNA hồi sinh, rũ bùn đứng dậy bằng chính những người con của họ, bắt đầu từ Văn Đức, ngôi sao thành danh đầu tiên tiếp tục ở lại CLB này sau khi kết thúc hợp đồng đào tạo trẻ.

Ngày 19/5, Văn Đức đã chính thức đặt bút ký hợp đồng mới kéo dài 3 năm với SLNA và hưởng số tiền lót tay lên đến 10,5 tỷ đồng. Sẽ có người đặt câu hỏi, liệu Văn Đức ở lại chỉ vì tiền? Câu trả lời là không. Tiền vệ chạy cánh này vốn nhận được đề nghị cao hơn thế. Nếu chỉ vì tiền, Văn Đức có lẽ đã sớm thỏa thuận với CLB và đang đếm ngày rời đi. Yếu tố tài chính đương nhiên quan trọng, nhưng nó chỉ là một phần trong quyết định cuối cùng của Văn Đức.

Một phần khác thuộc về tình cảm, về lòng tự tôn. Nghệ An đã cho Văn Đức tất cả và bây giờ là lúc anh đền đáp. Vai trò của Văn Đức trong 3 năm tới không gói gọn về chuyên môn, mà cả về tinh thần. Tầm ảnh hưởng của anh cũng phải đi xa hơn đường biên trên sân Vinh. Văn Đức sẽ trở thành một biểu tượng đúng nghĩa cho một trang sử mới của SLNA, đồng thời là người kết nối những "ông chủ" mới và người hâm mộ địa phương.

Phan Văn Đức hưởng lót tay cao thứ 4 trong lịch sử bóng đá Việt Nam

Với mức 10,5 tỷ cho hợp đồng 3 năm, Phan Văn Đức trở thành cầu thủ hưởng lót tay cao nhất lịch sử SLNA và cao thứ 4 trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Người nắm giữ kỷ lục này đang là Lê Công Vinh với thương vụ chuyển nhượng ầm ỹ từ Hà Nội T&T sang CLB Hà Nội vào năm 2011. Ở thời điểm đó, Công Vinh lấy lý do bầu Hiển can thiệp vào chuyện tình cảm giữa anh và ca sĩ Thủy Tiên để chuyển sang đối thủ cùng thành phố, hưởng phí lót tay 13 tỷ.

Cũng trong năm 2011, trung vệ Lê Phước Tứ chuyển từ Thanh Hóa vào Sài Gòn Xuân Thành với mức phí lót tay 12 tỷ đồng. Một ngôi sao khác của Thanh Hóa, thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng cũng ra đi, chuyển sang đội bóng "hàng xóm" Xi măng Vissai Ninh Bình sau khi nhận được khoản lót tay tương tự. Cả Phước Tứ và Mạnh Dũng đều giữ kỷ lục ở vị trí họ thi đấu cho đến tận bây giờ.

Tác giả: Đơn Ca

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP