Thế giới

Phản ứng “nước đôi” của Trung Quốc sau phán quyết Biển Đông

Phản ứng “nước đôi” của Bắc Kinh sau khi tòa trọng tài thường trực ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hồi tháng trước khiến dư luận chú ý khi một mặt nước này tiếp tục đưa ra những tuyên bố ngang ngược, nhưng mặt khác vẫn tránh để xảy ra những hành động có thể gây căng thẳng trên thực địa.


Trung Quốc hồi tháng 7 đã ngang nhiên điều một máy bay ném bom tầm xa H-6K áp sát bãi cạn Scarborough. (Ảnh: Weibo)

Phản ứng "nước đôi"

Trang tin National Interest ngày 17/8 đã đăng tải bài phân tích của Joel Wuthnow, chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu quân đội Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ (NDU), trong đó phân tích phản ứng “nước đôi” của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo đó, tòa đã bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý do Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông và khẳng định Bắc Kinh không có chủ quyền lịch sử đối với vùng biển quốc tế này.

Theo tác giả Joel, ngay sau khi tòa ra phán quyết, phản ứng của Trung Quốc khá tiêu cực, thậm chí bị đánh giá là diều hâu trên nhiều phương diện. Cả Bộ Ngoại giao và giới chức Trung Quốc đều lớn tiếng phủ nhận phán quyết của tòa và tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh rằng không tuân thủ phán quyết như cách nước này vẫn tuyên bố từ trước đến nay. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã đưa ra một tuyên bố mang tính khiêu khích khi kêu gọi chuẩn bị cho một “cuộc chiến tranh nhân dân trên biển”.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng thực hiện một số bước đi rõ rệt để thể hiện sự bất mãn của nước này với phán quyết của tòa như trắng trợn đưa máy bay dân sự ra Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngang nhiên tiến hành tập trận hải quân trên Biển Đông và đáng chú ý nhất là động thái điều máy bay ném bom H-6K cùng một số máy bay khác ra Biển Đông để thực hiện cái gọi là hoạt động tuần tra hàng không trong khu vực.

Tuy nhiên, ngoài những biểu hiện tiêu cực trên, Trung Quốc vẫn tránh để xảy ra những động thái có thể gây gia tăng căng thẳng trong khu vực, điều này nằm ngoài dự đoán của một số nhà quan sát trước đó. Cho đến nay, Bắc Kinh chưa liều lĩnh lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông hay bắt đầu các hoạt động cải tạo đất xung quanh bãi cạn Scarborough.

Ngoài ra, tác giả Joel cũng chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có vẻ muốn làm dịu tình hình thông qua con đường ngoại giao. Ngày 25/7, sau cuộc họp với bộ trưởng các nước thành viên của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) ở Lào, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng tình hình trên Biển Đông nên “hạ nhiệt” và khẳng định Bắc Kinh sẽ hợp tác với ASEAN để “cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định” tại Biển Đông. Ông Vương cũng đề nghị Mỹ giúp đỡ nối lại đàm phán với Philippines trong vấn đề giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Trong khi đó ở trong nước, Trung Quốc dường như cũng đang cố gắng xoa dịu tình hình bằng cách làm lắng xuống, thay vì kích động các hành động phản đối nhằm vào Mỹ và Philippines.

Lý giải phản ứng hỗn hợp của Trung Quốc sau phán quyết của tòa trọng tài

Chuyên gia Joel nhận định, phản ứng phức tạp của Trung Quốc có thể giải thích như một hành động nhỏ trong chiến lược cân bằng lớn hơn mà Bắc Kinh đang áp dụng trên Biển Đông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (đứng giữa, hàng dưới cùng) cùng các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị G20 tại Australia năm 2014 (Ảnh: AFP)

Một mặt, Trung Quốc tìm cách đánh tín hiệu để các nước nhận thức được quyết tâm của Bắc Kinh trong việc củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển cũng như mỏ rộng dần dần sự kiểm soát hiệu quả trong khu vực. Đây là trọng tâm trong mục tiêu muốn trở thành cường quốc biển của Trung Quốc trong tương lai. Ngoài ra, việc Trung Quốc có những phát ngôn mạnh mẽ và những động thái triển khai quân sự hung hăng trên Biển Đông sau phán quyết của tòa trọng tài cũng là nhằm trấn an giới chính trị trong nước, đặc biệt là những người mang nặng chủ nghĩa dân tộc, vốn luôn đòi hỏi chính phủ phải hành động quyết liệt trong vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ.

Mặt khác, giống các lãnh đạo tiền nhiệm, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như cũng hiểu tầm quan trọng của việc giữ ổn định ở Biển Đông, nơi các hoạt động thương mại của Trung Quốc diễn ra nhộn nhịp, cũng như sự cần thiết của việc duy trì mối quan hệ tích cực với các nước láng giềng và Mỹ.

Việc cân bằng giữa hai mục tiêu có vẻ mâu thuẫn này (vừa mở rộng tầm kiểm soát, vừa duy trì sự ổn định), đã dẫn tới chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh từng bước tăng cường năng lực quân sự và dân sự ở Biển Đông, thỉnh thoảng thử nghiệm giới hạn chịu đựng của các nước láng giềng, nhưng sau đó lại “xuống nước” để duy trì sự ổn định và tránh phải trả những cái giá quá đắt về ngoại giao.

Dựa trên những cơ sở này, Trung Quốc dường như đã điều chỉnh phản ứng của mình đối với phán quyết của tòa trọng tài để vừa củng cố mưu đồ bảo vệ lợi ích trên biển, vừa tránh được hai kết quả không thể chấp nhận. Một là không để vấn đề Biển Đông trở thành tiêu điểm được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 4-5/9 tới tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc). Trung Quốc từ lâu vẫn muốn xem G20 là cơ hội để nước này thúc đẩy sự phát triển của kinh tế toàn cầu cũng như thắt chặt quan hệ với các quốc gia quan trọng như Ấn Độ, Anh và Mỹ. Hai là tránh để ASEAN ra một tuyên bố chung ủng hộ phán quyết của tòa.

Tuy nhiên, ngay sau khi tình hình đã lắng xuống, Trung Quốc có thể quay lại cách tiếp cận cứng rắn như trước đây để thể hiện sức mạnh. Hội nghị G20 bế mạc sẽ làm giảm áp lực ngoại giao lên Trung Quốc và thời điểm sau hội nghị có thể sẽ là cơ hội để Bắc Kinh “khuấy bão” trên Biển Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đã đạt mục tiêu tránh được một tuyên bố chung của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN vừa qua.

Theo tác giả bài viết, Mỹ nên đưa ra những dự báo cũng như xây dựng các kế hoạch trung và dài hạn cho vấn đề Biển Đông. Để đối phó với các động thái cứng rắn của Trung Quốc, Washington nên tăng cường các hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông cùng với các đồng minh như Nhật Bản và Australia, hay tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải. Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Barack Obama có thể tăng cường hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy những thái độ tích cực của nước này trong vấn đề Biển Đông. Trong hai năm qua, hai nước đã thống nhất ký bản ghi nhớ về việc xử lý các tình huống đụng độ bất ngờ trên biển và trên không. Chuyên gia Joel cho rằng Washington nên khuyến khích các hoạt động như vậy trong quan hệ với Bắc Kinh, kể cả sau khi ông Obama rời nhiệm sở và tân tổng thống của nước Mỹ sẽ chính thức tiếp quản Nhà Trắng vào đầu năm sau.

Tác giả bài viết: Thành Đạt, Theo National Interest

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP