Trong tỉnh

Phấn đấu số sản phẩm OCOP lũy kế được công nhận đạt từ 3 sao trở lên năm 2024 là 558 sản phẩm

Đó là một trong những mục tiêu mà UBND tỉnh đưa ra tại Kế hoạch số 249/KH-UBND ngày 01/4 về hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm sản trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Kế hoạch được ban hành nhằm thống nhất theo chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các sở, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đề ra các chương trình, kế hoạch, đề án về chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), chế biến và phát triển thị trường.

Phấn đấu có 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an ATTP

Theo đó, tỉnh phấn đấu 100% văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản được rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với những quy định mới của Chính phủ, Bộ NN&PTNT. Rà soát, kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp trên địa bàn tỉnh đạt 100%. Đồng thời, 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

Phấn đấu 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP; ký cam kết tuân thủ quy định của pháp luật về ATTP. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10% so với năm 2023. Số cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 hoặc tương đương tăng 5% (so với năm 2023). Tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tại các cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, ATTP đạt 20%. Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi trồng thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP, GAHP và tương đương) tăng 5% (so với năm 2023). Số lượng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng tăng 20% (so với năm 2023). Số lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tăng 10% (so với năm 2023).

Các sản phẩm OCOP đạt sao chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao. (Ảnh ST)

Về chất lượng, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nông nghiệp hữu cơ: Phấn đấu số lượng sản phẩm OCOP lũy kế được công nhận đạt từ 3 sao trở lên năm 2024 đạt từ 558 sản phẩm trở lên. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 0,01% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 0,001% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 0,001% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản. Số lượng sản phẩm nông lâm thủy sản được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý tăng 10% (so với năm 2023).

Về chế biến và phát triển thị trường: Tốc độ tăng giá trị tăng thêm lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản đạt 3,5%; tốc độ tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi chế biến đạt 1,5%. Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của nông sản chủ lực giảm 1,0%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 562 triệu USD.

Tạo môi trường thuận lợi, động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết các chuỗi giá trị nông sản

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện, đó là: Ổn định tổ chức bộ máy, nguồn lực quản lý, đảm bảo chất lượng, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Rà soát, hoàn thiện cơ sở chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản phù hợp với các quy định mới của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và tạo môi trường thuận lợi, động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết các chuỗi giá trị nông sản chất lượng, an toàn, bền vững.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong công tác đảm bảo chất lượng, ATTP, gia tăng chế biến và phát triển thị trường. Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, ATTP trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; truyền thông quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; gia tăng chế biến và phát triển thị trường.

Triển khai công tác đảm bảo chất lượng, ATTP, gia tăng chế biến, phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, ATTP. Chủ động kịp thời xử lý các sự cố mất ATTP, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản kỹ thuật mở rộng thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước và quốc tế.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành: Y tế, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung của Kế hoạch này đảm bảo đúng tiến độ, đạt kết quả cao; đồng thời chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này trên địa bàn quản lý.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, hội chợ về xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn; xây dựng và triển khai hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra UBND cấp huyện, cấp xã triển khai các nhiệm vụ được phân công, phân cấp theo Quy định phân công, phân cấp và phối hợp quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh;…

Tác giả: H.B (tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP