Xã hội

Phạm nhân ăn cơm với gia đình để thêm quyết tâm hướng thiện

Đó là một ngày hết sức đặc biệt ở Trại giam Suối Hai, Ba Vì, Hà Nội. Hơn 50 phạm nhân đã được ăn chung một bữa cơm trưa với người nhà - điều tưởng như “bất khả thi” trong hoàn cảnh của họ.

Những nụ cười, chứ không phải nước mắt, là thứ xuất hiện nhiều nhất trong ngày hội rất đặc biệt ở Trại giam Suối Hai

Những nụ cười, chứ không phải nước mắt, là thứ mà tôi bắt gặp nhiều nhất khi tình cờ được là người chứng kiến ngày hội gia đình phạm nhân ở Phân trại 1, Trại giam Suối Hai. Ở vào hoàn cảnh ấy, dù vẫn muốn khóc, nhưng dường như cả phạm nhân lẫn người nhà họ đều muốn quên đi quá khứ và cả thực tại đáng buồn để mỉm cười động viên nhau hướng tới tương lai.

Phút giây quý giá sau nhiều năm cách trở

Dù chẳng mấy khi được xem văn nghệ cho thay đổi không khí, nhưng Tô Minh Chiến, phạm nhân quê ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) không để tâm đến các tiết mục được trình diễn trên sân khấu. Chiến tập trung vào cô con gái 8 tuổi ngồi trên lòng mình, hai bố con nói chuyện riêng suốt buổi.

Cô con gái líu ríu kể bố nghe việc mình đạt học sinh xuất sắc, bà nội cho đi học múa, rồi chuyện lớp đi tham quan thế nào và cả chuyện tối không dám lên tầng vì sợ ma… Hết chuyện thường ngày, cô bé chuyển sang cả chủ đề “bao giờ bố về thì lấy vợ và đẻ cho con một em trai”. Chiến thỉnh thoảng mới hỏi một câu, còn phần lớn thời gian là lặng yên nghe con nói.

Sinh năm 1991, Chiến lấy vợ khi chưa đủ tuổi theo luật nên không được đăng ký kết hôn. Vợ Chiến cũng mới 16 tuổi khi cưới, sau khi sinh con chưa được bao lâu đã bỏ đi. Năm 2012, Chiến bị buộc tội cướp tài sản do một hành động xốc nổi trong lúc say rượu và… giận người yêu. “Lúc bị bắt, em nghĩ ngay đến con Cún còn quá bé mà rớt nước mắt. Quả thực mình đã làm một việc không đáng để phải đánh đổi thứ quý giá đến thế”, Chiến tâm sự.

Lần đầu tiên được ông bà đưa lên trại thăm bố, con bé còn nhất quyết không cho bế. Khi nó lớn hơn, ông bà nội bảo bố đi làm xa, mãi sau này mới nói thật. “Cháu cũng chưa nhận thức được hết để mà buồn, chỉ bảo bố cố gắng cải tạo tốt để về với con”, Chiến rơm rớm nước mắt khi nói đến câu này.

Bên kia hội trường chật kín người, phạm nhân Nguyễn Minh Nghĩa tranh thủ nói chuyện với mẹ qua song cửa sổ. Nghĩa mới 24 tuổi mà đã thụ án được 5 năm vì tham gia một vụ bắt giữ người trái phép và cướp tài sản. Em trai kém 2 tuổi vừa lấy vợ nhưng Nghĩa cũng không thể dự.

“Là cưới chạy chị ạ, vì bố em mới bị chẩn đoán mắc ung thư vòm họng, chẳng biết sống được đến lúc nào”, Nghĩa ngậm ngùi. Cũng vì lý do đó mà buổi gặp mặt cũng như bữa cơm gia đình trong trại giam mang một ý nghĩa đặc biệt với Nghĩa. Hai năm nữa mới mãn hạn tù, biết đâu, đó là bữa cơm cuối cùng Nghĩa có đủ bố mẹ ngồi bên cạnh.

Trước bữa cơm trưa đoàn viên đó, tôi còn được biết một hoàn cảnh cũng hết sức éo le khác. Đưa 3 đứa con nhỏ cùng mẹ già lên trại giam thăm em, chị Hiền, ở Phúc Thọ, Hà Nội vừa nhắc đến “thằng cậu” là mắt đã đỏ hoe. “Nó chỉ lêu lổng suốt ngày, nhà làm nông mà đánh bạc thua vài chục triệu đồng, đi cướp cùng tụi bạn nên bị án 5 năm 6 tháng tù giam. Vào trại rồi mà cũng vẫn chưa biết thương mẹ, hễ được gọi điện về là yêu cầu chu cấp thăm nuôi đủ thứ”, chị Hiền kể.

Em trai lớn đi nghĩa vụ quân sự về mới được 17 ngày thì thiệt mạng trong một vụ xô xát, cả nhà dù kinh tế eo hẹp cũng cố dồn hết tình thương cho thằng út. “Không ngờ nó lại đổ đốn ra như thế. Giờ mẹ em ngày ngày đi nhặt cỏ thuê, tiền công được bao nhiêu lại dồn hết vào để đi thăm nuôi, có dám ăn thịt cá gì đâu. Chẳng biết khi nào nó mới tỉnh ngộ ra”.

Vợ chồng phạm nhân Lê Văn Nam ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội rủ rỉ như trong một bữa cơm gia đình 3 năm trước

Cái tâm của những người thầy đặc biệt

Để có được buổi gặp mặt đoàn viên và bữa cơm trưa đặc biệt thấm đẫm tình người đó, Ban Giám thị và CBCS ở Trại giam Suối Hai đã phải nỗ lực chuẩn bị từ rất lâu. Dự kiến sẽ mời 80 người đại diện cho 80 gia đình phạm nhân, nhưng thực tế chỉ có hơn 50 gia đình đến được, vậy mà vẫn không đủ chỗ vì hội trường thì chật, mà nhà nào cũng đi tới 3-4 người.

Đến giờ ăn trưa, số suất ăn cũng bị phụ trội, nhưng quan trọng hơn là khó xếp mâm vì nhà nào cũng muốn được ngồi cùng nhau. Tất cả được ban tổ chức giải quyết nhanh chóng, cố gắng dành cho phạm nhân và người nhà điều kiện tốt nhất có thể.

Song dù sao đó cũng chỉ là một vài chi tiết nhỏ. Cái khó khăn hơn là công tác an toàn, đảm bảo kỷ luật trại giam. Mô hình tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân được áp dụng trong tất cả các trại giam của Bộ Công an trên toàn quốc, song riêng về bữa ăn thì được khuyến cáo là “trại nào có điều kiện” mới làm.

Vì vấn đề không nằm ở khả năng tài chính, mà là khả năng đảm bảo an toàn đến đâu. Để nâng cao ý nghĩa giáo dục, không chỉ phạm nhân xếp loại Tốt mà cả khá, trung bình hay kém cũng được chọn tham dự, làm sao để quản lý số phạm nhân này, không để nảy sinh tiêu cực hay vi phạm.

“Chỉ một chiếc điện thoại được đưa vào trại cũng đã là vấn đề lớn, chưa kể những vật dụng bị cấm khác. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm tổ chức bữa ăn gia đình cho phạm nhân, vì tin tưởng vào ý nghĩa nhân văn của nó, và qua đó, mục đích giáo dục sẽ đạt được” - Thượng tá Bùi Đăng Toản, Phó Giám thị Trại giam Suối Hai chia sẻ - “Cán bộ trại giam cũng là những người thầy trong một môi trường đặc biệt. Khi hành động bằng cái tâm, bằng tình người thì phạm nhân cũng sẽ cảm nhận được, và tính thiện khi đã được khơi dậy. Đó là cơ sở lớn nhất để chúng tôi tin tưởng vào sự thành công và an toàn của chương trình”.

Và đúng như mong đợi, chương trình đã thành công thực sự. Tới khi ra về, nhiều người nhà phạm nhân còn nán lại để nói lời cảm ơn với Ban Giám thị và CBCS trại giam. Chiều hôm ấy, trong hơn 900 phạm nhân của Phân trại 1 dường như cũng có nhiều tâm trạng khác nhau, song có lẽ điểm chung nhất là suy nghĩ sẽ cải tạo tốt hơn để được giảm án trước thời hạn, sớm trở về để có những bữa cơm gia đình đúng nghĩa.

Những nỗi bất hạnh giống nhau

Ngồi một lúc ở nhà thăm nuôi, tôi gặp hai người phụ nữ, một già, một trẻ, hoàn cảnh khác nhau, nhưng nỗi bất hạnh thì có vẻ tương đồng. Chồng mất vì tai biến sau 5 năm nằm một chỗ, bà Nguyễn Thị L (ở Hòa Bình) liên tiếp phải tóc bạc tiễn đầu xanh. Ba đứa con lần lượt đau ốm rồi mất, còn mỗi đứa con út là hy vọng cuối cùng thì cũng sa chân vào vòng lao lý vì một lần vận chuyển tiền giả.

Cái án 12 năm tù giam của con trai như một đòn nặng giáng xuống, song người mẹ bất hạnh ấy đành phải bám vào niềm tin tâm linh, rằng nếu không tù tội thì thằng út cũng cùng chung số phận với anh chị nó, để có thể tiếp tục sống. 8 năm Nguyễn Văn Thảo ở tù, bà cố gắng làm lụng, dành dụm để 2 tháng vào thăm nuôi 1 lần.

8 năm rồi bà mới được ăn cơm với con, được ngồi cạnh con gần đến vậy, được chạm vào da thịt nó. Nhìn con ăn, bà chỉ muốn khóc, nhưng rồi lại cố nuốt nước mắt vào trong để con yên tâm cải tạo. Đến chiều bà xin gặp thêm giờ, cố nán lại với con lâu hơn. Hai mẹ con động viên lẫn nhau cùng vượt qua thời đoạn khó khăn.

Với chị Lãnh Thị H (ở Thanh Trì, Hà Nội) thì đây là lần thứ hai phải nuôi chồng ở trại. Đỗ Minh Quân dính vào ma túy, từng bị một án 2 năm. Mãn hạn, hai vợ chồng chạy chữa mãi mới có được mụn con, vậy mà Quân vẫn chứng nào tật nấy, tái phạm khi con còn đỏ hỏn. “Em tưởng có con sẽ giúp anh ấy bỏ được tật xấu, nhưng tình thân vẫn không mạnh bằng ma túy. Bây giờ đúng là bỏ thì thương, vương thì tội, đành cố được đến ngày nào thì cố…”.

Tác giả bài viết: Bảo Trâm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP