Kinh tế

Ông Trịnh Văn Quyết "không có tài sản cá nhân" ở quê nhà Vĩnh Tường?

Qua rà soát, UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) xác định, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC "không có tài sản cá nhân" ở quê nhà.

Sáng 18/4, thông tin với Dân trí, một lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận, địa phương này đã có văn bản gửi Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố… yêu cầu rà soát, tạm dừng chuyển nhượng các tài sản liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

"Việc này được thực hiện ngay sau khi Vĩnh Phúc nhận được văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an"- vị này cho hay.

Ông Trịnh Văn Quyết "không có tài sản cá nhân" ở quê nhà Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc?

Trong khi đó, trả lời Dân trí, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) khẳng định sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đã lập tức chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tiến hành rà soát tài sản của 4 người gồm: Ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết), bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) và bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết).

"Tuy nhiên ông Trịnh Văn Quyết hiện nay không có tài sản trên địa bàn. Nhà cửa ở Vĩnh Tường là tài sản của bố mẹ ông ấy"- lãnh đạo huyện Vĩnh Tường thông tin.

Theo vị lãnh đạo huyện Vĩnh Tường, hiện nay Tập đoàn FLC đang có hai dự án bất động sản trên địa bàn gồm: Dự án Khu tổ hợp thể thao và giải trí công cộng đa chức năng FLC Vĩnh Phúc rộng 216ha ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường; Tổ hợp Khách sạn và Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC Vĩnh Phúc tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường với quy mô hội trường 2.000 chỗ cùng hợp phần khách sạn tiêu chuẩn 5 sao 200 phòng.

Tổ hợp Khách sạn và Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Vĩnh Phúc ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) được xây dựng theo tiêu chuẩn 5 sao, có sức chứa 2.000 khách, khánh thành vào tháng 12/2021 (Ảnh: FLC).

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp phục vụ điều tra vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu...) đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Thúy Nga, bà Trịnh Thị Minh Huế và bà Lê Thị Ngọc Diệp.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đề nghị tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp...) đối với tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu...) của ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân nêu trên.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

2 em gái của ông Quyết là bà Trịnh Thị Minh Huế (thành viên Ban kế toán Tập đoàn FLC) và bà Trịnh Thị Thúy Nga (Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) cũng đã bị bắt tạm giam.

Gần đây nhất, bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC và bà Nguyễn Quỳnh Anh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS cũng đã bị khởi tố. Cơ quan điều tra xác định 2 bị can này có vai trò đồng phạm giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội "thao túng thị trường chứng khoán".

Hành vi sai phạm thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết được xác định thực hiện từ đầu tháng 12/2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/1/2022 - phiên mà Chủ tịch Tập đoàn FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975, quê ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời điểm bị bắt, ông Quyết đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP